Lễ ra mắt cuốn sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại diễn ra tại phố Sách Hà Nội ngày 25/5. Cuốn sách do hai tác giả là tiến sĩ văn học Pháp Vĩnh Đào và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy chấp bút.
Đây là những tư liệu lịch sử do hai tác giả nghiên cứu, tìm hiểu xoay quanh cuộc đời của hoàng hậu và vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại được chia làm thành bốn phần chính: Thiếu nữ Nam Kỳ và hoàng thái tử triều Nguyễn, Hoàng hậu và hoàng đế Đại Nam, Những ngày bất an, Từ lâu đài Thorenc đến gia trang Chabrignac, Những năm buồn tẻ của cựu hoàng.
|
Cuốn sách Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại được phát hành trên toàn quốc từ 5.
|
Nội dung cuốn sách có nhiều thông tin được đào sâu về vua và hoàng hậu như những hoạt động xã hội và thiện nguyện của hoàng hậu Nam Phương, quan hệ của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp, những công việc triều chính của vua Bảo Đại, những câu chuyện tình cảm của vua Bảo Đại và đặc biệt là quãng thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình hoàng hậu Nam Phương…
Ban đầu các tác giả chỉ muốn thực hiện một cuốn sách ghi lại những tìm hiểu về cuộc đời của Nam Phương hoàng hậu, có tựa đề Theo dấu hoàng hậu Nam Phương.
Tuy nhiên trước khoảng một tháng trước khi xuất bản, cả hai tác giả đã quyết định thêm thông tin về vua Bảo Đại và lấy tên Theo dấu hoàng hậu Nam Phương và vua Bảo Đại.
|
Tiến sĩ văn học Pháp Vĩnh Đào chia sẻ về quá trình thực hiện cuốn sách.
|
Tiến sĩ văn học Pháp Vĩnh Đào cho rằng để tìm kiếm, nghiên cứu, xác thực các thông tin xoay quanh hoàng hậu và vua không đơn giản.
“Chúng tôi tìm hiểu suốt 3 năm, theo dấu từ Bắc vào Nam, từ Việt Nam sang đến Pháp, có rất ít những tài liệu, ấn phẩm còn nguyên vẹn mà chỉ có những giai thoại từ những người dân địa phương nên chưa được xác thực. Tìm tư liệu đã khó, khi tìm được chúng rất sơ sài và cũng chưa chắc chính xác", tác giả Vĩnh Đào chia sẻ.
Chia sẻ về hoàng hậu Nam Phương, tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy khẳng định bà đã có khoảng thời gian hạnh phúc trong 10 năm từ năm 1934-1944 với minh chứng hoàng hậu có đến 5 hoàng tử và công chúa.
"Tuy nhiên mỗi lần bà mang thai và sinh con vua Bảo Đại lại có một người tình. Một mình bà nuôi năm người con bên Pháp. Vua chưa làm tròn nghĩa tình vợ chồng nhưng bà vẫn giữ hình tượng cho chồng", tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy nêu.
|
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy có những nhận định về đời sống vợ chồng của Nam Phương hoàng hậu. |
Nữ tác giả nhấn mạnh với tình yêu lịch sử, đặc biệt là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, bà rất thích hình tượng hoàng hậu Nam Phương - một người phụ nữ tiên tiến, tri thức, tiên phong trong thời đại phong kiến, là một mẫu hình về người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Các tác giả khẳng định thông tin về những người tình của Vua Bảo Đại còn có nhiều thông tin chắp vá, thêu dệt. Đối với bức thư đánh ghen nổi tiếng của Nam Phương hoàng hậu, các tác giả chưa có thông tin chính xác và minh chứng cụ thể.
|
Các tác giả bày sự tiếc nuối khi không thể tìm được thông tin về người con gái của vua Bảo Đại với người vợ ngoại quốc.
|
Bên cạnh đó, các tác giả bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể tìm được thông tin về người con gái của vua Bảo Đại với người vợ ngoại quốc.
“Chúng tôi vẫn chưa tìm được thông tin, không chắc chắn rằng cô là người con thứ 12 hay là người con gái cuối cùng vì trong giấy khai sinh đã bị gạch đi và chỉ thấy chữ 'nhận con' của triều đình", tiến sĩ Vĩnh Đào chia sẻ.
Các tác giả đã giao lưu với độc giả về cuốn sách tại TPHCM vào ngày 18/5, sẽ tiếp tục quảng bá tại Huế (1/6) và Đà Lạt (8/6).