Việc con người có bị “ma hành” không là vấn đề gây tranh cãi trong giới chuyên môn. Hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng, hoàn toàn có thể hóa giải nếu ai đó bị “ma hành”.
“Hành nghề mê tín dị đoan gây điên loạn”
Ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng - UIA cho hay, một người có đời sống phạm hạnh và công đức tu hành cao thì không thể bị ma hành. Nếu một người bị ma hành thì đó là do chiêu cảm về nhân quả trong kiếp quá khứ.
Còn chuyện bị “ma nhập” theo cơ chế “hồn Trương Ba, da hàng thịt” thì lại là hiện tượng mượn xác để chuyển thông tin khi người thân không có khả năng ngoại cảm. Cơ chế mượn xác là hình thức cho linh hồn của người đã khuất (đang còn ở thân Trung ấm, chưa đi tái sinh) có thể mượn xác của người còn sống để giao lưu, gửi thông điệp.
|
Theo ông Nguyễn Ngọc Tự, thủ nhang đền Thó, thôn Tảo C (xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, Hưng Yên), không có chuyện ma hành người sống. |
Cơ chế này có thể ví như chuyện “mượn xe” vậy, tuy nhiên mức độ huyền bí thì vi diệu hơn nhiều. Ta hãy hình dung sự tương đồng: Khi chiếc xe còn lưu hành trên đường thì tài xế và chiếc xe phải song hành cùng nhau và cùng vận tốc, cùng vị trí địa lý (cũng như người còn sống, linh hồn và thể xác luôn song hành với nhau). Nhưng khi xe bị hỏng hóc, chết máy không lưu hành được thì tài xế phải ra khỏi xe và trở thành kẻ lang thang, di chuyển tự do, hoàn toàn không hề phụ thuộc vào trạng thái cũng như vị trí của cái xe nữa (cũng như khi người ta chết, linh hồn thoát ra và hoàn toàn không phụ thuộc vào xác chết). Nếu đủ tiền thì tài xế có thể mua xe khác (ví như linh hồn đã tái sinh đầu thai).
Nếu chưa mua được xe khác thì tài xế tiếp tục lang thang và có thể “mượn xe” của ai đó để dùng (cũng ví như hồn mượn xác của người còn sống để nhập vào). Khi chủ xe đòi xe thì tài xế phải trả, nhưng nếu không trả lại thì gọi là “cướp xe” (ví như linh hồn mượn xác để nhập, nhưng không chịu trả thì gọi là cướp xác, người cho mượn xác sẽ gọi là bị điên, bị ma hành). Đấy là giải thích sơ lược cho ta dễ hình dung, còn quá trình mượn xe (cũng như mượn xác) phải trải qua quy trình rất tế vi mới có thể biểu cảm theo quy luật “đồng thanh tương ứng” được.
Thời gian qua, nhiều “trung tâm gọi hồn” ở các nơi không hiểu biết về tâm linh, thiếu đạo lực và đặc biệt là do mục đích không lành mạnh. Họ hành nghề vụ lợi, mê tín dị đoan dẫn tới nhiều gia đình có người bị điên loạn. Trong những trường hợp người chủ trì không đủ đạo lực và không vì những mục đích lương thiện thì không nên tổ chức cho “mượn xe” một cách tùy tiện, dễ gây hậu quả ”tiền mất tật mang”.
“Hằng năm, Liên hiệp UIA đã phải xử lý, cứu chữa cho hàng trăm người bị tâm thần phân liệt dạng hoang tưởng hoặc điên loạn do tin theo trung tâm hành nghề mê tín dị đoan áp vong, “lên đồng”, ông Khanh cho biết.
|
“Tiên cô” Thanh Nhàn cho rằng mình đã chữa cho nhiều người bị bệnh tâm thần do “ma nhập”. |
Đồng tình với ý kiến của ông Khanh, bà Lê Thanh Nhàn (trụ trì chùa Thiên Linh Tự, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cho rằng, ma là các chân linh trước đây sinh sống cõi trần thường làm những việc không tốt (như trộm cắp, giết người, chuyên làm việc xấu). Khi mất đi đói khát, không nơi nương tựa. Chân linh đó hợp với người nào thì nhập vào họ, gây bệnh tâm thần, điên loạn.
“Tôi đã gặp nhiều người đang khoẻ mạnh bình thường, bị tâm thần, tìm hiểu mới biết họ bị ma nhập, chân linh hành hạ. Vì họ hợp với bóng vía chân linh đó”, bà Nhàn kể.
Bà Nhàn đã điều trị hàng trăm người bị bệnh thần kinh, hoang tưởng. Trước đó, họ tìm mọi cách chữa không được. Về chùa nhờ bà chữa, bà dạy cách ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật, thời gian sau khỏi bệnh.
Còn ông Nguyễn Ngọc Tự, thủ nhang đền Thó, thôn Tảo C (xã Lương Tài, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) cho biết: Ông là đời thứ 17 quản lý đền Thó - ngôi đền được người dân đồn đại rằng chuyên bắt ma, hóa giải bệnh tâm thần. Mỗi năm nhà đền tiếp nhận hàng trăm lượt người bệnh tâm thần đến chữa. “Có rất nhiều người, đang khoẻ mạnh, bị bệnh tâm thần, phát điên, phát dại, dùng hung khí đánh người thân, hàng xóm, đập bàn thờ. Họ đi khám không ra bệnh, đến các thầy bói toán, họ phán bị “ma hành”. Sau đó họ bắt gia đình đi khắp nơi lễ tạ, với số tiền hàng trăm triệu đồng. Nhưng bệnh vẫn hoàn bệnh. Theo tôi chẳng có ma mãnh nào hành hạ, gây bệnh cho họ cả. Họ bị bệnh có nhiều nguyên do, có thể do ức chế thần kinh, ảo ảnh, gây hoang tưởng. Họ về đền tụng kinh, làm lễ tại nhà đền khỏi bệnh”, ông Tự cho biết.
|
Ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng - UIA. |
“Bị điên do áp vong”
ThS Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Thôi miên Việt Nam cho biết, những năm qua, trung tâm ông tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị bệnh tâm thần, ảo giác. Khi đến chữa, họ cho rằng mình bị “ma nhập”. Kỳ thực chẳng có con ma nào, do con người chúng ta hại nhau cả thôi..
Ông Quân kể, cuối năm ngoái gia đình ông M. (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) nhờ ông đến chữa trị cho con trai họ. Theo gia đình ông kể, con trai họ đang khoẻ mạnh, bỗng hóa điên dại. Ban đêm không ngủ đi lang thang. Trước đó, gia đình tìm nhiều cách nhưng chữa không hiệu quả. Ông Quân gặng hỏi, gia đình mới kể, vài tháng trước, mọi người có nhờ thầy cúng đến áp vong ông bà vào cậu con trai để nói chuyện. Thế nên, bây giờ người con họ mới bị như vậy. Ông Quân bảo, đó chỉ là một trong số nhiều trường hợp ông nhận chữa trị.
“Tôi chưa thấy trường hợp nào bị ma hành cả. Đó chủ yếu là hội chứng lên đồng do áp vong tạo nên. Nhiều đồng cô, đồng cậu cũng bị điên loạn vì lý do đó. Áp vong không đúng cách gây rối loạn não, khiến con người không điều khiển bản thân, thần kinh điên loạn. Giống như trường hợp dùng ma túy đá, gây nên ảo giác kinh khủng. Những trường hợp này tôi trị liệu rất đơn giản, ngay trên lớp học đã khỏi. Tôi đưa họ vào trạng thái thôi miên, hạ tần số não xuống, xóa bỏ những ám thị trước đó họ bị tác động. Vài lần như thế, họ trở lại bình thường, sức khoẻ ổn định”, ông Quân kể.
Do người dân thiếu hiểu biết, vì thế bị ông thầy, bà cô lợi dụng lôi vào các hoạt động mê tín dị đoan. Lợi ích thì chẳng thấy, tiền mất tật mang. Người nào cho rằng mình bị “ma hành”, đến gặp ông sẵn sàng dành thời gian để hóa giải, đồng thời chứng minh, giải thích điều đó trên cơ sở khoa học biện chứng.
ThS Nguyễn Mạnh Quân (Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Thôi miên Việt Nam)