Các chuyên gia cho rằng, cuộc sống con người có cái gọi là hồn ma hiện diện. Nó được tồn tại ở nhiều dạng thức khác nhau. Tuy nhiên, việc phân định giữa ma và vong vẫn chưa rõ ràng.
Ma tốt ma xấu như người tốt người xấu
GS.VS Đào Vọng Đức, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người về Khoa học và Tâm linh cho biết: Hiện nay, chưa phân định rõ giữa ma và vong. Nếu theo cách gọi của khoa học thì là vong, người dân hay gọi là ma. Các vong tồn tại ở nhiều dạng thức, nhiều nơi khác nhau. Như ở nơi chôn cất người chết, nhiều khi chưa hẳn có nhiều vong (ma) tồn tại. Chính vì khoa học chưa phân tích rõ ràng nên người dân hiểu theo nhiều hướng khác nhau. Nhiều trường hợp đang khoẻ mạnh bình thường bỗng tâm thần, người ta bảo vong hay ma nhập hóa điên dại.
“Tôi cho rằng, hiện nay có trường hợp vong (ma) nhập vào con người. Có vong về báo mộng cho người nhà, giúp con cháu vượt qua hoạn nạn và giúp đỡ họ làm ăn. Thế nên, người dân không nên hiểu theo hướng tiêu cực, vong (ma) làm những điều xấu như gây nên cơn ác mộng, nhập vào người gây hại sức khoẻ cho họ. Thực tế, có ma tốt, có ma xấu. Thế giới âm cũng như đời trần, có người tốt, người xấu”, ông Đức giải thích.
Hiện nay, do khoa học chưa phân tích rõ ràng về ma và vong. Vì thế, tùy theo cách hiểu biết, nhận thức của mỗi người mà có cách nhìn nhận khác nhau. Do đó, chúng ta cần phải nhìn nhận theo hướng tích cực, tránh hiểu theo một hướng.
Các dạng ma (vong) cũng rất đa dạng, tồn tại nhiều nơi khác nhau. Có nhiều nhà nghiên cứu đã chụp ảnh được ma, vong, chứng minh nó tồn tại, có trong cuộc sống con người.
|
Ông Phạm Văn Tuyên, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang cho rằng, gia đình ông bị ma tà hãm hại, tan cửa nát nhà. |
Nội ma và ngoại ma
Ông Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng UIA cho rằng, ma tồn tại trong cuộc sống của con người. Ma không chỉ có một loại, mà có đến 10 loại. Ma được chia thành 2 nhóm là ngoại ma và nội ma. Đa số dân chúng hiểu khái niệm “ma” nghiêng nhiều về loại ngoại ma, còn nội ma thì không mấy ai chú ý đến.
Vậy ngoại ma là gì? Đó là phần vật chất vi tế thoát ra và cắt đứt được sự ràng buộc với cơ thể hữu hình khi cơ thể ấy không còn chức năng sinh học (tức bị chết). Phần vật chất hữu hình của cơ thể sống còn gọi là thân tứ đại (đất, nước, gió và lửa), thường được gọi là “thể xác”.
Phần vật chất vô hình vi tế, tuy mắt thường không nhìn thấy, nhưng nó vẫn tồn tại, ngay cả trường hợp phần thể xác không còn nữa. Khi con người chết đi thì lực lượng vật chất này thoát ra khỏi thân tứ đại, tiếp tục tồn tại dưới dạng thân trung ấm và chờ đủ duyên thì đi tái sinh vào lục đạo luân hồi tương ứng với nghiệp lực đã gieo theo lý nhân - duyên - quả. Khi lực lượng này thoát ra, sẽ được thể hiện dưới nhiều dạng phong phú, và được gọi bởi nhiều cái tên khác nhau (tùy theo mức độ tiến hóa tâm linh của sinh vật đó) như có thể gọi: Người âm, cô hồn, linh hồn, vong. Đương nhiên, khi chưa đi tái sinh thì các phần vật chất (dạng Thần Thức) này sẽ có tương tác rất mạnh với thể giới hữu hình theo lý nhân duyên tương sinh và tương khắc. Tương sinh là do có ân nghĩa, thân thuộc với nhau, tương khắc là do có thù oán, nợ nần với nhau khi còn tại thế.
Dạng thần thức này thường được gọi chung là ma (hay ngoại ma, thiên ma), do vậy khi đi dự tang lễ, người ta thường gọi là đi viếng đám ma, hay là đi đưa ma.
Ngoại ma là yếu tố mang tính khách thể, tồn tại độc lập với xác chết, nhưng có ảnh hưởng tương tác với yếu tố chủ thể của cơ thể sống. Ngoại ma mang tính khách quan bởi vì nó là sự kiện ngoại cảnh tác động đến chủ thể chứ không phải do chủ thể phát sinh ra sự kiện.
Ngoại ma có tương duyên với yếu tố chủ quan của mỗi cơ thể sống là bởi tuân theo nguyên lý cộng tác dụng: “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Điển hình cho trạng thái này là câu ví von trong dân gian: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Ngoại ma cũng có loại thiện, loại ác tùy theo căn cơ của chúng sinh. Ngoại ma cũng giống như đạo giang hồ, (chỉ ưa dùng võ công để phân định cao thấp chứ không ưa dung luật pháp). Tuy nhiên, với những người tu hành chánh đạo thì họ không đề cao thần thông mà chỉ coi trọng luật nhân quả: “Thần thông không bằng đạo thông”.
Trước hết, về ý nghĩa tượng trưng thì “ma” là một phạm trù chỉ những điều xấu ác, tiêu cực, mờ ám trong ý thức và hành vi của chủ thể đương sự. Phạm trù này được thể hiện trong các cách nói như: âm mưu ma quỷ, mưu ma chước quỷ, liên minh ma quỷ, thói ranh ma, ma mọi, ma túy... Do vậy, khái niệm “ma” không nhất thiết dùng để chỉ thần thức của người đã khuất, mà còn dùng để ám chỉ cho hành vi với cái tâm bất lương, ngay cả khi người đó còn sống.
Trong kinh sách nhà Phật đã chỉ ra 9 loại nội ma, tức là 9 loại tiêu cực phát sinh trong tâm thức của đương sự như: Ma oan nghiệt nhiều đời, ma phiền não...
|
Ông Đào Vọng Đức. |
Hiện nay, người ta thường lạm dụng khái niệm “tâm linh” để chỉ chung cho thế giới vô hình của người đã chết, hoặc các sự việc huyền bí, thậm chí cả ma quỷ cũng gọi là “chuyện tâm linh”... Điều này làm cho khái niệm tâm linh mất đi tính tích cực.
Ông Khanh cho hay, khi ngủ, người ta mơ rất nhiều thứ, thường thường mỗi giấc mơ tồn tại từ 3 - 5 phút, sau đó lại bị chen bởi các giấc mơ khác, kế tiếp nhau. Trong các giấc mơ đó, mơ thấy ma quỷ hoặc bị kẻ cướp đuổi thì thường làm cho ta sợ nhất.
Ma trong giấc mơ có thể là ngoại ma đến giao tiếp, nhưng cũng có thể là nội ma phát sinh ra, tùy theo căn thức, tín ngưỡng và sức khoẻ của mỗi người.
Ngoại ma (hay còn gọi là thiên ma) là khái niệm chỉ thần thức của người đã chết. Các cách ứng xử của thế giới ngoại ma không xấu ác như người ta vẫn nghĩ, mà đa phần là tương tác theo nghiệp nhân quả (có ân thì báo ân, có oán thì trả oán.)
Trong các ca khảo nghiệm về ngoại cảm, ta thấy linh hồn của người thân đã mất (như tổ tiên, ông bà cha mẹ...) vẫn che chở và thương yêu con cháu như lúc họ còn tại thế. Ngược lại, với những trường hợp các linh hồn mà khi họ còn sống bị đánh đập, bị giết hại, bạc đãi... thì linh hồn của họ cũng rất ân hận và luôn có ý định báo thù. Khi còn sống, có thể không biết được ai đã hại mình, nhưng khi chết đi, thì linh hồn họ hoàn toàn có thể thấy biết được các hành vi xấu của kẻ khác đối với mình.
“Không phải ma mà là dạng năng lượng”
Đó là quan điểm của ThS Nguyễn Mạnh Quân, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học thôi miên Việt Nam khi nhận định về vấn đề ma có tồn tại ở đời trần không. Ông cho rằng, con người sau khi chết, chuyển hóa sang một dạng năng lượng khác. Các nhà khoa học trên thế giới cũng gọi như vậy, có thể đó là năng lượng tốt, có thể là năng lượng xấu. Ở Việt Nam, các thầy gọi là ma hay vong. Bản chất không đúng như vậy, có chăng đó là nguồn năng lượng tác động vào cuộc sống con người. Năng lượng đó có thể làm cho con cuộc sống con người tốt hơn, hoặc ngược lại.
“Tôi chưa thấy đất nước nào người ta nói có nhiều ma như ở nước ta. Đụng đến điều gì xảy ra bất ngờ, gây hại cho gia đình, nhiều người lại nói đó là do ma hành. Tôi cho rằng, cái thế giới đằng sau cái chết của con người đó là thế giới tâm tinh rất trong sáng, linh thiêng, không tranh giành, hại nhau như người ta thường nghĩ. Thế giới đó rất linh thiêng, nhưng không huyền bí. Mọi người càng nghĩ tiêu cực về thế giới đó, càng tác động xấu tới cuộc sống. Điều quan trọng cần hài hòa để ổn định”, ông Quân cho biết.
(còn nữa)
Theo ông Đào Vọng Đức, hiện nay khoa học chưa phân biệt giữa vong và ma. Nhưng điều quan trọng, người dân không nên lo lắng quá về vấn đề tâm linh như vậy. Khi gặp vấn đề bất thường, người dân nên nhìn nhận một cách thấu đáo, tìm những trung tâm hoạt động tâm linh tin cậy nhờ tư vấn.