“Tẩy não”, “ăn cháo lú” để quên kiếp trước

Google News

(Kiến Thức) - Hầu hết mọi người đều không nhớ về tiền kiếp của mình, chỉ một số ít thì lại nhớ rất rõ. Vậy tại sao lại có sự quên này?

Nhiều duyên phận nên khó quên

Giải thích tại sao nhiều đứa trẻ sinh ra không nhận cha mẹ mình mà công nhận cha mẹ khác ở nơi khác và khi đi tìm hiểu thì đúng như vậy như trường hợp của cháu Quyết ở Thị trấn Vụ Bản, huyện Lạc Sơn, Hoà Bình... BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đây thực sự là sự đầu thai trở lại dương thế theo tư tưởng của nó, khi còn ở cõi trung giới mang thân ngũ ấm (cõi trung giới thực chất là cõi tư tưởng). 

Nguyên nhân là do những đứa trẻ này có đời sống lâu bền và có duyên phận nhiều với cha mẹ cũ chưa được thực hiện. Cho nên, trong tàng thức (nơi trú ngụ của linh hồn) của đứa trẻ vẫn in đậm nét những thông điệp trong tàng thức của cha mẹ nó. Khi trẻ được đầu thai để sinh ra trong kiếp sống mới, thì cha mẹ mới chưa có gì lưu lại trong tàng thức của trẻ nên họ không có gì để lưu luyến. Họ chỉ mượn xác thân mới, thông qua tinh cha + huyết mẹ + thần thức của họ để thể hiện trên cuộc đời. Vì vậy, khi sinh ra đứa trẻ này vẫn tư duy cũ, thường có ý tưởng hành trình đi tìm cha mẹ cũ mà mọi mật mã thông tin đều được lập trình và lưu giữ trong tàng thức của họ. 

Những đứa trẻ này khi chết với bất kỳ nguyên nhân nào thì nó vẫn giữ nguyên bản ngã cũ không hề thay đổi, nó chỉ mượn xác thân mới để thể hiện những ý tưởng của nó còn dang dở với cha mẹ cũ nói riêng và với cuộc đời nói chung. Trong những trường hợp này cha mẹ mới cũng không nên thất vọng mà giành giật cho riêng mình. Ngược lại nên phối hợp với cha mẹ cũ (nếu còn sống) để đứa trẻ được sống trong ngôi nhà chung và tình yêu thương của cha mẹ cũ, cũng như cha mẹ mới. Có như vậy đứa trẻ mới có được cuộc sống an lạc để duy trì bổn phận của mình với hai bên để hoàn thiện lý tưởng của mình trong kiếp sống cũ và đời sống mới. Về khía cạnh khoa học cũng như về tâm linh đều là sự tiến hóa chung của riêng đứa trẻ và của nhân loại để dần hoàn thiện mình và để đi đến chân lý tuyệt đối. 

Ảnh minh họa. 

Ăn “cháo lú” hay nghiệp báo duyên phận?

TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng - UIA cho biết, đa phần chúng ta không nhớ rõ kiếp trước mình là ai, trừ các bậc tu hành đạt tới cảnh giới cao minh. Người xưa, giải thích hiện tượng "quên kiếp trước" như sau: Người ta khi chết đi phải qua cây cầu Nại Hà để tái sinh. Tại đầu cầu này có quán ăn, ai đi qua đó cũng được đãi ăn bát cháo. 

Cháo này gọi là cháo lú. Công dụng chính của cháo lú là để linh hồn người chết quên hết những gì về quá khứ của đời mình để dễ dàng cho việc đầu thai sau này. Vì nếu không thì những linh hồn ấy vẫn còn mang nặng những nhớ thương tiếc nuối về cảnh cũ, người xưa, tình ruột thịt, máu mủ giữa cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái khiến lúc tái sinh luân hồi, họ lại tìm đến những gì liên hệ với tiền kiếp. Điều đó làm khó khăn trở ngại cho sự trả quả trong lần đầu thai tái sinh này và cả những lần chuyển sinh khác nữa. Nói tóm lại giống như là họ bị "tẩy não".

Theo cách giải thích của người xưa, cũng có những linh hồn tái sinh vẫn chưa "lú" hết, vẫn còn nhớ về kiếp trước, giống như  khi "chuyển công tác" thì vẫn nhớ về "cơ quan cũ" vậy. Điều này ví như: ăn ít, hoặc vì lý do nào đó "chưa kịp ăn" cháo Lú nên người đó vẫn có thể nhớ về kiếp trước của minh. Đấy là sự giải thích theo kiểu "tín ngưỡng dân gian". 

Còn theo đạo Phật, "sự quên" này do vô minh che khuất (giống như nước bị vẩn đục hoặc bị sôi, hoặc bị sóng dao động...) nên không nhìn thấy được nghiệp quả của quá khứ. Khi đủ duyên, đạt tới trạng thái tĩnh lặng và thanh tịnh thì nước lại trong suốt và ta lại có thể nhìn thấy sự kiện xảy ra trong kiếp quá khứ. Khi đã thấy suốt được quy luật của Nhân Quả - Luân hồi thì mọi sự sinh ra đều do Duyên hình thành, không có điều gì nằm ngoài sự điều khiển của quy luật Nhân - Duyên - Quả. Tuy nhiên, cho dù "cháo lú" có tác dụng hay không, thì "sự ảnh hưởng" của Nghiệp báo từ quá khứ vẫn còn tác động đến tương lai. Sự ảnh hưởng này thường được diễn tả bằng các thuật ngữ như thần đồng, siêu nhân, năng khiếu bẩm sinh, hoặc yếu tố di truyền...

Theo TS Vũ Thế Khanh, người Việt Nam từ xa xưa đã tin vào hiện tượng tái sinh (còn gọi là lộn kiếp). Khi gặp các trường hợp hữu sinh vô dưỡng nhiều lần, họ không muốn những đứa trẻ yểu tử ấy cứ 'lộn kiếp" vào nhà mình nữa nên thường đổ chàm vào mặt để "đuổi đi" hoặc đánh dấu các vết son xem sau này sẽ tái sinh về đâu. 

Người Trung Quốc từ xa xưa cũng tin vào sự tái sinh: Chính Võ Tắc Thiên sinh ra cũng có "vết son" tại đúng vị trí tương tự như trên thi thể của một cung nữ bị giết mà Đường Cao Tông (Lý Trị) đã đánh dấu, ngày mà Võ Tắc thiên được sinh ra cũng trùng với ngày mà cung nữ bị giết, do vậy Võ Tắc Thiên được thiên vị ngay từ khi mới vào cung.

Thần thức là kho lưu trữ ký ức

ThS Vũ Đức Huynh, tác giả cuốn sách "loài người với tri thức tâm linh" cho biết, các trường hợp đầu thai đều được nhận ra nhờ tự khẳng định phần nào ký ức của kiếp trước với các người có quan hệ như bố mẹ nhà cũ và mới, các người có quen biết từ kiếp trước, các người có quan hệ với kiếp trước... 

Cơ sở khoa học của vấn đề này là do trong Thần thức của phần hồn của con người là kho lưu trữ các loại ký ức của suốt kiếp người khi sống ở cõi trần. Khi hết hạn mức sống ở cõi trần hay bị chết ngoại lệ do các kiểu, phần hồn tàng chứa ký ức được mang theo về cõi vong. Song do hai lần trải qua quá trình chuyển dạng thức sang vong hồn và lại từ dạng thức vong hồn trở lại dạng thức người, các ký ức sâu đậm mất dần trong thần thức. 

Phần còn lại là những ký ức sâu sắc nhất còn tàng trữ trong thần thức của phần hồn hậu thân. Những ký ức này phải chờ đến khi phần xác của hậu thân phát triển các chức năng: nói, diễn đạt lưu loát của cơ quan phát âm thì các ký ức về sinh hoạt, về các kỹ năng cũ, về tình cảm cũ... mới được thể hiện hoặc tự khẳng định (phải ít nhất từ 26 tháng trở lên).

Các ký ức tàng chứa ở thần thức của phần hồn sẽ mang sang thần thức ấy ở vong hồn. Quá trình ở vong hồn, các ký ức phai nhạt dần qua từng giai đoạn ở các tầng của Trung giới và Thượng giới. Ở Thượng giới các ký ức ở kiếp người hầu như hết sạch. Bởi vì tất cả các siêu linh còn sót lại (tức không bị phá tan trong quá trình chuyển dạng và tồn tại ở cõi vong hồn) sẽ phải quay vòng trở lại kiếp khởi đầu - kiếp người ở cõi trần với một thần thức hết sạch các ký ức dục vọng, họ giống hệt các hợp tổ ban đầu hình thành các sinh linh mới và khác các trường hợp của các loại vong hồn đi đầu thai hoặc được đầu thai tình cờ may mắn.
Ở nước ta cũng như trên thế giới đã gặp khá nhiều các trường hợp chứng tỏ sự tái sinh. Trong gần 20 năm qua, 3 cơ quan (Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng - UIA, Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, Trung tâm Bảo trợ VHKTTT) đã cùng hợp tác trong chương trình nghiên cứu về tâm linh, ngoại cảm, trong khi nghiên cứu về các vụ án hình sự, đã tìm được nhiều bằng chứng thể hiện sự liên quan giữa hành vi kiếp hiện tại với các hành vi trong đời quá khứ của các đương sự gây án.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Xuân Hoài

Bình luận(0)