Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Google News

Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung.
 

Ly ky chuyen dai hong chung cuu chua o ngoi chua co nhat Tien Giang
Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang. Ảnh: Pháp luật Việt Nam 
Giai thoại chuông chùa cứu chúa
Chùa Sắc tứ Linh Thứu nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho về hướng Tây khoảng chừng 7 km, gần chợ Xoài Hột (xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), nên từ xưa còn có tục gọi chùa Sắc tứ Xoài Hột.
Theo thông tin lưu lại ở chùa Sắc tứ Linh Thứu, khởi nguyên của chùa là chùa Long Tuyền Tự. Truyền rằng, giữa thế kỷ 18, nền chùa khi đó là một giồng đất có cây cao bóng mát giữa cánh đồng. Nơi đó mục đồng ngày ngày tụ họp chơi đùa, nắn tượng Phật bằng đất sét đem đặt lên gò đất rồi bẻ cây lá che chắn tượng Phật, trông như cảnh chùa. Chúng bảo nhau đây là chùa rồi từ đó có bánh trái gì đều đem ra cúng Phật rồi chia nhau ăn.
Lâu ngày chủ đất thấy vậy quở trách đám trẻ và dẹp bỏ cảnh chùa kia. Điều kỳ lạ, mỗi lần chủ đất phá chùa là trong nhà có chuyện lục đục. Người này sợ hãi, thành tâm hứa sẽ cất lại ngôi chùa mới, tự nhiên gia đạo bình an. Chuyện truyền ra, dân làng biết nơi ấy linh thiêng nên đến chiêm ngưỡng rồi sau cùng nhau góp sức dựng ngôi chùa nhỏ bằng cây lá, thờ tượng Phật bằng đất với tất cả lòng thành dâng hương lễ bái.
Ly ky chuyen dai hong chung cuu chua o ngoi chua co nhat Tien Giang-Hinh-2
 Chuông trong chùa Long Tuyền Tự. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
Ngày kia có vị tu sĩ tên Nguyễn Phước Chánh - đạo hiệu Nguyệt Hiện Thiền sư (có tài liệu ghi là Nguyệt Hiền) đến trụ trì chùa, sửa sang chùa thêm rộng rãi, đặt tên chùa là Long Tuyền Tự, tức chùa Suối Rồng. Trong khoảng thời gian sư Nguyệt Hiện trụ trì, giai đoạn những năm 1781, chúa Nguyễn Ánh có lần ghé chùa tá túc trong lúc đương bị quân Tây Sơn truy đuổi. Mái chùa nơi hẻo lánh đã cứu chúa Nguyễn một mạng mà sau này lưu truyền những chuyện ly kỳ huyền ảo.
Truyền rằng, sau lần thất trận trước quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh bị truy sát phải cải trang như thường dân trốn chạy cùng bộ tướng Nguyễn Huỳnh Đức. Lúc chạy đến chùa Long Tuyền, bèn ghé vào xin tá túc, nói là khách phương xa xin nghỉ nhờ. Hòa thượng Nguyệt Hiện bấy giờ xem dung mạo biết đây không phải dân thường nhưng chẳng nói ra, chỉ tiếp đãi tử tế.
Chúa Nguyễn vì lặn lội gió sương, khi đó bị cảm thương hàn nhưng chùa nơi vắng vẻ không thể tìm lang y, lại đương lúc phải ẩn thân nên phải cam chịu. Sư trụ trì vốn người am hiểu dược thảo, thấy vậy động dạ từ bi nguyện xin điều trị. Cảm động trước tấm lòng nhà sư, chúa Nguyễn mới kể thật về thân thế và cơ sự.
Nguyễn Ánh lánh nạn ở chùa được vài hôm thì quân Tây Sơn truy tìm đến vùng này. Điều kỳ lạ, cửa chùa lúc ấy thoạt nhiên nhện giăng kín lối, cảnh trông hoang vắng như đã lâu không người lui tới. Quân lính Tây Sơn đến nơi thấy đường xá cỏ tranh rậm rạp, mạn nhện phủ che nghĩ chắc chùa không người lui tới nên kéo nhau đi thẳng.
Sự truy lùng ráo riết của quân Tây Sơn khiến chúa Nguyễn lo lắng, trong khi mái chùa đơn sơ khó có thể che giấu chúa tôi. Nguyệt Hiện Thiền sư lúc này nhớ tới chiếc đại hồng chung trên đại điện, liền quỳ xuống tâu với chúa xin tạm vào đó lánh nạn. Nhà sư cùng mọi người lật chuông cho chúa Nguyễn chui vào rồi úp chuông xuống, xóa dấu vết. Bộ tướng Nguyễn Huỳnh Đức thoát ra ngoài tìm chỗ ẩn dạng.
Lát sau có toán quân nữa kéo đến bao vây chùa, quân lính sau khi lùng tìm khắp chùa thì kéo đến chỗ đại hồng chung đang úp dưới nền đại điện. Có ý sinh nghi, mấy binh lính cùng nhau xô chuông thử song chẳng thấy lay chuyển nên gọi thêm người phụ sức lật chuông. Điều lạ lùng, chuông càng đẩy càng không thấy nhúc nhích chút nào, quân sĩ nhìn nhau ngơ ngác không hiểu chuyện gì.
Lúc ấy thủ lĩnh toán binh đến bảo rằng chuông nằm đây đã lâu, trong chùa chỉ có sư già với mấy tiểu tăng làm sao lật nổi mà tra xét mất thời gian. Quân sĩ nghe vậy kéo nhau đi nơi khác tìm kiếm, nhờ đó chúa Nguyễn thoát nạn. Vài hôm sau người hồi phục, chúa Nguyễn được nhà sư trụ trì đưa đi lánh nạn nơi khác.
Huyền thoại về chiếc đại hồng chung cứu chúa được thể hiện trong nhiều ghi chép, tài liệu tuy nhiên được cho là xuất hiện khá muộn, vào những năm nửa đầu thế kỷ 20. Trong khi những tài liệu trăm năm trước đó không hề đề cập tới. Theo các nhà nghiên cứu, chuông này được đúc vào năm năm 1805. Trên thân chuông còn khắc dòng chữ "Thiên vận Ất Sửu niên (năm 1805), tứ nguyệt cát tạo…".
Điều này chứng tỏ chuông được đúc sau khi vua Gia Long lên ngôi đến 3 năm. Do vậy, giai thoại chuông chùa cứu chúa như một số ghi chép và lưu truyền là không hợp lý. Chưa nói tới việc kích thước chuông nhỏ không thể chứa được một thanh niên cỡ chúa Nguyễn lúc bôn tẩu.
Liên quan đến việc chúa Nguyễn từng tá túc chùa Sắc tứ Linh Thứu, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong sách "Định Tường xưa và nay" xuất bản trước 1975, có đề cập giai thoại ly kỳ khác. Theo đó, sư trụ trì sau khi bốc thuốc chữa bệnh cho chúa Nguyễn xong thì đêm nọ thấy chim linh bay vẫn vũ quanh chùa, kêu la inh ỏi như có điềm báo.
Thiền sư ngẫm ngợi một hồi xong bảo chúa nên mau chóng rời đi bởi ở lâu sẽ có chuyện chẳng lành. Chúa Nguyễn nghe lời khuyên sư trụ trì, nửa đêm từ giã lên đường, thẳng tới làng Long Hưng – nơi ông được gia đình tướng tài Lê Văn Duyệt cưu mang. Quả nhiên hôm sau có toán quân Tây Sơn kéo đến lục soát chùa. Từ đó trong dân gian cũng có lưu truyền giai thoại chim linh cứu chúa.
Cổ tự 3 lần được sắc tứ
Huyền thoại về đại hồng chung thời gian qua còn gây nhiều tranh cãi, tuy nhiên việc nhà chùa có ân tình với chúa có lẽ không phải bàn cãi bởi ngôi cổ tự này 3 lần được sắc tứ. Lần đầu tiên là vào năm Gia Long thứ 11 (1812), hòa thượng Nguyệt Hiện được phong Tăng Cang, chùa Long Tuyền được sắc tứ và đổi tên là Long Nguyên tự. Đồng thời cấp cho ruộng đất mấy mươi mẫu làm hương hỏa cho chùa. Vua còn cấp dân phu chăm sóc quét dọn chùa, khi hòa thượng viên tịch, triều đình ban thụy hiệu là "Mẫn Huệ hòa thượng".
Năm 1830, nhân lễ Tứ tuần Đại khánh của vua Minh Mạng, triều đình triệu hòa thượng trụ trì lúc này là sư Từ Lâm, về kinh đô Huế để tụng kinh chúc thọ. Sau khi lễ nghi hoàn tất, Bộ Lễ tổ chức sát hạch, hòa thượng Từ Lâm và 50 cao tăng trúng tuyển được cấp "giới đao độ điệp" (tức dao cạo tóc và tờ điệp chứng nhận).
Dịp này, triều đình đổi tên chùa thành "Sắc tứ Linh Thứu tự". Linh Thứu là tên của một ngọn núi ở phía Nam núi Chhatha, thuộc thành phố Rajgir, tiểu bang Bihar, Ấn Độ, cách Bồ Đề Đạo Tràng 70 km, nơi mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường thuyết pháp khi xưa. Đến đời Bảo Đại – vị vua cuối cùng triều đại nhà Nguyễn sắc tứ chùa Linh Thứu lần thứ ba vì những công ơn với hoàng tổ thuở xưa.
Chiếc chuông chùa được nhắc tới ngày nay vẫn đang được lưu giữ ở chùa. Hiện nay Bảo Tháp của Mẫn Huệ Thiền Sư vẫn còn ở sau chùa. Trong chùa hiện nay vẫn còn có: hai tấm biển, một tấm đề "Long Tuyền Tự"; một tấm là đề "Sắc Tứ Linh Thứu Tự"; một vị Phật bằng đồng đen cao 8 tất tây, cùng nhiều bảo vật quý quá.
Từ thuở khai sơn đến nay chùa đã trải qua hơn 16 đời trụ trì. Nhờ được nhiều lần tu bổ, tôn tạo mà chùa ngày nay lưu giữ vẻ nét đẹp độc đáo. Chùa được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ quý theo kiến trúc nhà Nam bộ. Phần chánh điện gồm 5 gian 2 chái với tổng cộng 48 cây cột gỗ căm xe, kèo chạm võ đậu, chồng rường đơn, máy lợp ngói âm dương.
Phía trước đại điện là ba gian thờ Tam thế Phật, gian chính giữa có thờ thêm bộ Tây phương Tam Thánh. Mỗi gian thờ đều có trang trí hoành phi, gian giữa có gắn đôi liễn miêu tả về hai từ "Sắc tứ" của vua ban. Phía sau đại diện là ban thờ chư tổ và chư hòa thượng tiền bối trụ trì, tu tập tại tổ đình. Nối liền đại điện với nhà hậu tổ là hai dãy nhà đông và tây lang bao bọc xung quanh giếng trời để lấy ánh sánh và gió trời.
Là một ngôi chùa có giá trị bề dày lịch sử bậc nhất Tiền Giang, Sắc tứ Linh Thứu lưu giữ dấu tích thuở xưa tiền nhân khẩn đất và những tháng năm bôn đào phương Nam của vị vua mở đầu triều đại nhà Nguyễn. Lưu giữ được những nét kiến trúc cổ kính, đặc sắc truyền thống, năm 2010 chùa được xếp hạng di tích cấp tỉnh về nghệ thuật kiến trúc.
Theo Gia Nguyễn – Đại Chơn/Pháp luật Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)