Muốn làm việc thiện phải có thiện tâm
Làm việc thiện để tích phước đức là điều ai cũng biết, nhưng nếu làm việc thiện mà tâm bất thiện thì kết quả lại trái ngược hoàn toàn.
Có câu chuyện kể rằng: Một ngày, các nho sinh đến gặp vị thiền sư và thỉnh ngài giảng về thiện và ác, thiền sư bèn yêu cầu mỗi người hãy đưa ra ví dụ về những việc thiện ác mà họ biết. Một người trong đó nói, mắng chửi đánh đập người là ác, tôn kính lễ phép với người là thiện. Thiền sư nói rằng, không nhất định là như vậy. Một người khác cho là tham lam lấy tài vật của người là ác, gìn giữ sự thanh bạch liêm khiết là thiện. Thiền sư cũng nói rằng, không nhất định là như vậy.
Mọi người đều lần lượt đưa ra các ví dụ khác nhau về thiện và ác, nhưng vị thiền sư đều lắc đầu rằng, không nhất định là như vậy. Thấy khó hiểu, các nho sinh bèn thỉnh thiền sư hãy giảng giải cho mình. Lúc này vị thiền sư mới từ tốn nói: “Giúp ích cho người gọi là thiện, chỉ vì ích kỷ lợi thân gọi là ác”. Vì giúp ích người cho nên dù có đánh mắng cũng vẫn là thiện, trái lại chỉ vì ích lợi cho bản thân nên dù có kính trọng người cũng gọi là ác.
Lại nữa, làm việc thiện mà xuất phát từ tấm lòng thành là “chân thiện”, còn hời hợt chiếu lệ mà làm là “giả thiện”. Ví như, nếu tâm không thiện thì dù có vung tiền của cứu giúp hàng ngàn người cũng không có nghĩa lý gì; ngược lại, tâm chân thiện, thì dù không có một đồng làm từ thiện, nhưng một nụ cười hay một cái nắm tay chân thành cũng đủ để tích phúc đức rồi.
Tích đức bằng lời nói
Tích đức đầu tiên không phải bằng việc đao to búa lớn gì cả, đơn giản chỉ là ngôn từ mình nói ra hàng ngày. Là họa hay cơ hội, là yêu hay ghét cũng từ miệng mà ra. Bạn hoàn toàn có thể khiến người ta nhìn nhận tốt hay xấu về mình thông qua lời nói. Lời nói cũng chẳng mất tiền mua, thì tại sao không thể nói cho vừa lòng nhau. Hãy từ tốn nói chuyện với người khi tháo gỡ vấn đề, đừng lên giọng hằn học, ta đây, đừng trách mắng người khác.
Cách thu phục lòng người không phải bởi của cải, danh vọng mà là cách hành xử giữa người và người. Khi người ta vấp phải sai lầm hãy dùng cách nói giảm, nói tránh và động viên để họ trấn tĩnh, họ sửa sai. Quát tháo chỉ khiến họ ghét mình, đẩy họ tới những suy nghĩ đen tối.
Trong cuộc sống bạn cũng đừng lạnh lùng quá, một vài câu hỏi han đúng người, đúng hoàn cảnh sẽ hâm nóng mối quan hệ. Khích lệ tinh thần họ bằng sự động viên, từ lời nói của chúng ta chính là tích đức.
Tích đức bằng việc tránh xa những điều bất lương
Giữ cho tâm trong sáng và tránh làm những điều sai trái đạo đức, làm hại người khác. Những tai họa của tương lai do những điều ác gây ra, vì thế hãy loại bỏ hành động sai trái này. Ngoài ra hãy tích cực làm việc trượng nghĩa, điều thiện, đùm bọc những hoàn cảnh khó khăn hơn. Điều đó giúp bạn sống thoải mái, sống có ý nghĩa hơn.