Mới đây, dư luận thế giới rúng động trước thông tin Joo Hyun "Dennis" Bahn, công dân Hàn Quốc sống tại Mỹ, bị tuyên án 6 tháng tù ở Mỹ vì hành vi hối lộ để dàn xếp bán tòa nhà Landmark 72 ở Hà Nội do tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises Co Ltd sở hữu.
Theo lời khai của Bahn, trong thời gian từ năm 2014 - 2015, anh ta đã tìm cách hối lộ để đảm bảo thành công cho vụ chuyển nhượng tòa nhà Landmark 72.
Đưa và nhận hối lộ là vấn đề "nóng'' của nhiều nước trên thế giới. Chính phủ các nước đã có những quy định nghiêm ngặt cũng như các biện pháp mạnh tay nhằm chấn chỉnh vấn nạn hối lộ gây nhức nhối dư luận.
|
Nhiều quan chức cấp cao ở các nước ''ngã ngựa'' vì phạm tội hối lộ. Ảnh minh họa. |
Không chỉ những nhân vật máu mặt trong giới kinh doanh phạm tội hối lộ, nhiều người làm việc trong bộ máy chính quyền ''ngã ngựa'' vì tội nhận hối lộ. Trường hợp nổi tiếng là cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị cáo buộc nhận hàng tỷ won của Cơ quan Tình báo quốc gia (NIS) trong thời gian đương nhiệm.
Theo Văn phòng công tố quận trung tâm Seoul, 3 cựu giám đốc NIS khai bà Park đã nhận của cơ quan này 200 triệu won/tháng. Tổng số tiền mà bà Park nhận của NIS trong thời gian tại nhiệm từ tháng 5/2013 - 9/2016 lên tới 3,65 tỷ won (3,43 triệu USD).
Cựu Tổng thống Park Geun-hye được cho là đã sử dụng số tiền hối lộ trên cho những mục đích cá nhân như chi trả tiền liên lạc với người bạn thân Choi Soon-sil, bảo dưỡng nhà riêng ở khu vực nam Seoul và điều trị y tế. Các khoản hối lộ cũng có thể được dùng để thưởng cho trợ lý thân cận của bà Park.
Vào tháng 6/2018, công tố viên Hàn Quốc yêu cầu mức án 12 năm tù đối với cựu Tổng thống Park Geun-hye về tội nhận hối lộ từ Cơ quan tình báo quốc gia (NIS). Đồng thời, các công tố viên cũng yêu cầu bà Park phải nộp phạt 8 tỉ won (tương đương 7,38 triệu USD).
Ngoài hối lộ, bà Park còn bị đưa ra xét xử về nhiều tội danh khác như lạm dụng quyền lực, cưỡng ép trong vụ bê bối tham nhũng khiến bà bị phế truất khỏi cương vị Tổng thống hồi tháng 5/2017.
Do vậy, vào tháng 4/2018, bà Park bị tuyên 24 năm tù và phải nộp phạt 18 tỷ won (tương đương 18 triệu USD) do phạm 16 tội.
Mời độc giả xem video: Xử lý quan chức cấp Bộ nhận hối lộ (nguồn: VTC1)
Tại Trung Quốc, hành vi hối lộ cũng bị xử lý nghiêm khắc. Một trong những vụ xét xử hối lộ gây chú ý lớn là trường hợp của tỷ phú Ng Lap Seng. Vị tỷ phú này đã hối lộ nhiều quan chức Liên hợp quốc (UN) hơn 1,7 triệu USD để nhận được hỗ trợ cho dự án xây dựng trung tâm hội nghị của Liên hợp quốc tại Macau.
Do vậy, vào tháng 7/2017, tòa án kết án Ng Lap Seng phạm tội hối lộ và rửa tiền. Do vậy, ông Ng Lap-seng đối mặt với bản án 4 năm tù giam, bị phạt 1 triệu USD và bồi thường hơn 300.000 USD cho UN.
|
Trương Trung Sanh bị tuyên án tử hình vì nhận hối lộ hơn 1 tỉ nhân dân tệ. Ảnh: SCMP. |
Trung Quốc cũng xử lý mạnh hành vi nhận hối lộ của các quan chức. Cụ thể, vào tháng 5/2018, tòa án Ưng Đàm tuyên phạt Lãnh Tân Sinh, nguyên Thị trưởng thành phố Cán Châu, 6 năm tù vì tội nhận hối lộ. Theo tòa, từ năm 2002 - 2017, Sinh đã lợi dụng các chức vụ Thị trưởng Phong Thành, Bí thư thị ủy Phong Thành, Ủy viên thường vụ thị ủy Nghi Xuân, Thị trưởng thành phố Cán Châu, để giúp 20 người kiếm lợi trong việc nhận công trình, thanh quyết toán công trình và nhượng quyền sử dụng đất, để nhận hối lộ gần 90,5 triệu NDT (316 tỷ VND) và 30.000 USD.
Một vụ án nhận hối lộ lớn được dư luận chú ý hơn là vụ Trương Trung Sanh, cựu phó thị trưởng thành phố Lữ Lương thuộc tỉnh Sơn. Người này bị tuyên án tử hình vì nhận hối lộ hơn 1 tỉ nhân dân tệ trong khoảng thời gian từ năm 1997 - 2013. Cựu phó thị trưởng thành phố Lữ Lương đối mặt với mức án cao nhất cho tội nhận hối lộ vì đã gây ra “tổn thất lớn cho nước cho dân”.