Mở đầu Tây Du Ký là nói về xuất thân của Tôn Ngộ Không, do một tảng đá Tiên hấp thụ linh khí của trời đất và tinh hoa của nhật nguyệt mà sinh ra, theo cách nói của Bồ Đề Lão Tổ thì là “Trời Đất sinh ra”. Vậy nên từ góc độ này mà nói, tác giả viết về quá trình Thạch Hầu cầu Đạo và tu luyện, cũng là đang giảng giải về quá trình tu luyện của một người.
|
Tôn Ngộ Không. Hình trên Youtube. |
Chỉ vì để những người không tu luyện có thể lý giải được, vậy nên Ngô Thừa Ân mới dùng đến rất nhiều thủ pháp văn học để tô vẽ thêm. Nếu như là người có hiểu biết đôi chút đối với văn hóa truyền thống phương Đông, có nhận thức nhất định đối với nội hàm của Phật và Đạo, thì vẫn còn có thể lý giải được một chút.
Ngay hồi thứ nhất của Tây Du Ký đã kể về tảng đá Tiên trên Hoa Quả Sơn, từ đó thác sinh ra một con khỉ đá: “Có lẽ từ khi tảng đá mới sinh ra, đã hấp thụ khí thiêng của trời đất, tinh hoa của mặt trời, mặt trăng đã lâu, nên mới linh thông thế. Bên trong tảng đá chứa đựng một bào thai tiên. Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng đá tròn, to bằng quả cầu, gặp gió hóa thành một con khỉ đá, đủ cả mặt mũi chân tay. Con khỉ đá liền học bò học chạy, vái lạy bốn phương trời làm kinh động cả thượng đế lúc ấy đang ngự trị ở điện Linh Tiêu cùng các vị tiên”.
Có thể nói, sự sinh ra của Thạch Hầu (khỉ đá) chính là phương thức nguyên sơ hình thành sinh mệnh trong vũ trụ, đó gọi là linh khí thiên địa thai nghén mà thành. Chuyện khỉ đá nhảy ra từ bên trong khe nứt của tảng đá, hẳn chỉ là một loại thủ pháp miêu tả mà thôi. Một giải thích khác chính là lai lịch của khỉ đá thật sự không hề tầm thường chút nào, ngay đến cả Phật Tổ Như Lai cũng chưa chắc đã biết rõ. Thế nên một khi nó xuất hiện ở không gian tầng thấp ắt là sẽ phóng thích lượng lớn năng lượng, sẽ khiến cho thế giới con người chấn động. Trong Phật giáo có nói, nếu như Chân Phật mở miệng nói chuyện ở nhân gian đều sẽ sinh ra động đất. Có lẽ chính là ý này nên ngay từ lúc mới sinh ra, Tôn Ngộ Không đã làm kinh động đến tận Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Thạch Hầu tư chất rất thông minh, vậy nên rất mau chóng đã trở thành Hầu vương, đồng thời có được phúc địa Hoa Quả sơn, động thiêng Thủy Liêm động. Đây là một nơi tốt an hưởng phúc lành của trời đất. “Sung sướng ở nơi phúc địa non tiên, thần châu cổ động, không chịu kỳ lân cai trị, không chịu phượng hoàng quản lý, lại chẳng bị vua chúa nhân gian câu thúc, tự do tự tại, thực là vô cùng hạnh phúc”. Thân là con người, nếu như có được sự tiêu dao tự tại như vậy, thử hỏi ai còn sẽ nghĩ đến chuyện tu Đạo nữa? Nhưng Thạch Hầu căn cơ không phải mỏng, vẫn không hề quên đi chuyện học Đạo, đã học được một thân bản lĩnh cao cường từ Bồ Đề Tổ Sư.
Đại ma đầu mà Thạch Hầu đánh bại đầu tiên chính là Hỗn Thế Ma Vương. Mọi người để ý sẽ thấy đây là Thạch Hầu dựa vào bản lĩnh của tự mình đánh bại. Một người nếu như muốn có được thành tựu, trước hết chính là cần phải khắc phục được tính lười của tự thân, tiêu diệt lối nghĩ hậu thiên nơi thế gian con người. Vậy nên có người giải thích rằng, Thạch Hầu trên bản chất là theo đuổi sự vươn lên.
Ngoài ra khúc mở đầu “Tây Du Ký” đã dành một đoạn khá dài giới thiệu về khởi nguồn của tiểu vũ trụ chúng ta, “Đến đây, trời bắt đầu có rễ. Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, đúng vào hội Tý, những thứ nhẹ trong bay lên, có mặt trời, mặt trăng, tinh tú. Mặt trời, mặt trăng tinh tú gọi là tứ tượng. Cho nên nói rằng: Trời mở ở Tý. (…) Lại trải qua bốn nghìn năm trăm năm, đúng vào hội Sửu, những thứ nặng đục ngưng xuống. Có nước, có lửa, có núi, có đá, có đất. Nước, lửa, núi, đá, đất gọi là ngũ hành. Cho nên nói rằng: Đất mở ở Sửu. (…) Đến đây trời, đất sáng sủa, âm dương giao hòa, Lại trải qua năm nghìn bốn trăm năm, đúng vào hội Dần, sinh người, sinh thú, sinh chim, gọi là tam tài, gồm Thiên, Địa, Nhân định vị. Cho nên nói rằng: Người sinh ra ở Dần”.
Khi đề cập đến kết cấu vũ trụ lớn hơn trong đại không gian, đã tả lại “tứ đại bộ châu” trong thiên hạ: (1) Đông Thắng Thần Châu, (2) Tây Ngưu Hạ Châu, (3) Nam Thiệm Bộ Châu, (4) Bắc Câu Lư Châu. Kết cấu và tên gọi các đại bộ châu này cũng không khác gì những điều được giảng trong tôn giáo, chỗ này hiển nhiên không phải là một sự trùng hợp vô tình.
Tác giả nói Thạch Hầu ở Đông Thắng Thần Châu, sinh ra từ hòn đá tiên ở Hoa Quả Sơn, do vậy sau này Như Lai gọi là “Linh minh Thạch Hầu”. Cũng là nói Thạch Hầu là linh thai do Thiên Địa hóa dục mà thành, tự nhiên Trời sinh đã phù hợp với đặc tính vũ trụ, cũng chính là căn cơ rất cao.
Mỹ Hầu vương không luyến tiếc Vương vị, không tham hưởng lạc, kiên quyết ra đi tầm Đạo. Bôn ba lặn lội đến tận Tây Ngưu Hạ Châu gặp được Bồ Đề Tổ sư, được đặt tên “Ngộ Không”. Tuy Tổ sư là chân tiên của Đạo gia, nhưng lại đặt Thạch Hầu tên thuộc về Phật gia, cũng ám chỉ rằng Thạch Hầu cuối cùng rồi sẽ đắc chính quả tại Phật gia. Quả thực sau này Ngộ Không đã vượt qua 81 nạn đắc được quả vị “Đấu Chiến Thắng Phật”.