Nhưng Sa Tăng có thực sự tầm thường đến vậy? Câu trả lời là không hề! Nhiều năm qua, trên các diễn đàn thảo luận về danh tác của Ngô Thừa Ân, có khá nhiều kiến giải lý thú về năng lực thực sự của Sa Tăng. Và một trong những ý kiến đáng chú ý nhất cho rằng Sa Tăng thực sự là người mạnh nhất trong bộ ngũ đi Tây Trúc thỉnh kinh.
|
Sa Tăng – kẻ bất từ giấu mình trong hình ảnh gã hòa thượng bất tài, ba phải. |
Quan điểm khẳng định Sa Tăng là nhân vật đệ nhất, vượt lên trên cả Tề Thiên Đại Thánh – Tôn Ngộ Không, Thiên Bồng Nguyên soái – Trư Bát Giới, hay thậm chí là cả Đường Tam Tạng, dựa trên 3 cơ sở quan trọng, mà chúng ta sẽ lần lượt đi sâu vào phân tích dưới đây.
Vệ sĩ của Ngọc hoàng thượng Đế
Thứ nhất, Sa Tăng trước vốn giữ chức Quyện Liêm Đại Tướng, bề ngoài là coi việc trông rèm cho Ngọc Hoàng Thượng đế nhưng thực chất là vệ sĩ số một của Ngọc Đế. Đương nhiên, phải có bản lãnh, tài phép đến nhường nào Sa Tăng mới được đảm nhiệm vai trò quan trọng, liên quan đến an nguy của nhân vật số 1 Thiên đình! Hãy nghe cách Sa Tăng giới thiệu về mình, trước lần giao chiến thứ hai với Bát Giới dưới lòng sông Lưu Sa:
“… Ta không phải yêu ma quỷ quái, cũng không phải hạ tiện vô danh. Ngươi hãy nghe ta nói: Tu hành thần thánh chầu Hoàng Thượng/ Phong chức Quyện Liêm ban bửu trượng/ Làm bể lưu ly tưởng chết tươi/ Nhờ ơn Xích Cước xin đày bướng/ No thời xuống nước kiếm nơi nằm/ Ðói lại lên bờ tìm thịt hưởng/ Chín cái sọ người dấu tích đây/ Gặp mi ăn tái không chờ nướng”.
Như vậy, có thể thấy Sa Tăng trước khi làm vệ sỹ cho Ngọc Hoàng đã có một quãng thời gian dài tu hành đắc đạo trước đó. Tức cũng tương tự Tôn Ngộ Không tầm sư học đạo từ Bồ Đề Tổ Sư mà thành tài. Võ nghệ của Sa Tăng thì hồi 22 Tây Du Ký có đoạn thế này: “Bát Giới để gánh xuống, vác cào đập đùa. Con quái ấy giơ trượng báu ra đỡ, hai người đánh ẩu đả tại mé sông Lưu Sa, hai mươi hiệp không phân thắng bại”. Đấy là song đấu trên cạn, rồi tới khi giao chiến dưới nước với Bát Giới – vốn được coi là tay thiện nghệ đệ nhất đánh thủy thì cũng “hai người đánh đồng lực”. Tiếp đó “Ban đầu còn đánh dưới sông, Bát Giới dẫn lần lần lên mặt nước, đồng đứng trên ngọn sóng, đánh đặng hai giờ”.
Điều đáng nói, tác gia Ngô Thừa Ân tuyệt nhiên không hề có một đoạn viết nào miêu tả cảnh giao đấu đàng hoàng giữa Tôn Ngộ Không và Sa Tăng, trừ 3 chi tiết đánh lén của “anh khỉ”. Đầu tiên: “Hành Giả ôm Tam Tạng, ngồi coi Bát Giới đánh yêu, Hành Giả ngứa nghề… xông vào giơ thiết bảng đập đại, con quái ấy kinh hãi liền nhảy xuống sông”, rồi “Bát Giới trá bại, con quái ấy rượt theo. Gần tới mé sông, Hành Giả nín không đặng, nhảy ra đập một cây thiết bảng. Con quái ấy không dám cự, liền lặn xuống sông” và cuối cùng “Hành Giả thấy con quái ấy khôn quá, không chịu lên bờ… Tính rồi nhảy lên không trung, bay xuống mà nắm đầu tóc. Con quái nghe tiếng gió gần mình, ngước mặt ngó lên thấy Hành Giả trên mây bay xuống. Con quái thất kinh hồn vía lặn tuốt xuống sông”.
Cực giỏi trong việc che giấu bản lĩnh
Cần lưu ý, kể từ 3 lần giao đấu bất phân thắng bại với Trư Bát Giới và sau đó chính thức phò tá Đường Tăng, Sa Ngộ Tịnh - khác hoàn toàn 2 sư huynh của mình - chàng ta rất hiếm khi tham gia vào các trận chiến hàng yêu phục quái, trên hành trình Tây Trúc thỉnh kinh. Có đánh thì Sa Tăng hoặc để thua dễ và bị địch bắt hoặc nhanh nhanh chóng chóng tìm đường thoát thân.
Ở bên cạnh một sư huynh hiếu thắng, nóng tính, cao ngạo lại là tay “rách trời rơi xuống” với bao chiến tích lẫy lừng quá khứ như Tôn Ngộ Không, Sa Tăng tuyệt nhiên chưa từng để lộ năng lực thực sự. Sa Tăng tránh giao chiến với Ngộ Không vì sợ Tề Thiên Đại Thánh, tránh luôn cả việc hàng yêu phục quái bởi tự nhắm mình võ nghệ tầm thường, hay vì 1 nguyên nhân sâu xa nào khác?
Điều này mãi mãi độc giả Tây Du Ký sẽ không bao giờ tìm được chân tướng sự thật, chỉ biết rằng Sa Tăng hệt như một “biển cát” thâm sâu, khó lường. Đừng quên rằng, trong quan điểm của võ lâm Trung Hoa, kẻ mạnh nhất - đáng gờm nhất, khó đối phó nhất chính là kẻ luôn giỏi che đậy bản lĩnh thực sự của mình. Trong Tây Du Ký, còn ai hơn Sa Tăng? Đây chính là cơ sở quan trọng thứ hai!
Thứ vũ khí của Sa Tăng, một cây bảo trượng hàng yêu nặng 5.048 cân, vốn là kỳ trân dị bảo, không hề thua kém “Gậy như ý’ của Tôn Ngộ Không từng được miêu tả thế này: “Nhành quế cung trăng thành khí giới/ Ðặt tên bửu trượng trừ yêu quái/ Ngươi Ngô Cang đốn rất cân phân/ Thợ Lỗ Ban làm không trễ nải/ Muốn nhỏ muốn to ý nhiệm mầu/ Biến dài biến vắn người kinh hãi”.
Ấy vậy mà Sa Tăng, trải qua bao chương hồi, kiếp nạn, thảng hoặc mới thấy vung bửu trượng để đánh yêu còn lại chàng ta dùng nó làm đón gánh hành lý là chính. Không dùng vũ khí đúng với chức năng thực sự của nó (hàng yêu) chính là cách tốt nhất để Sa Tăng che giấu thân phận và tài năng của mình. Sa Tăng có bí mật gì mà chàng ta phải giữ kín đến vậy?
Câu trả lời: Sa Tăng không chỉ che giấu bản lĩnh của một vệ sĩ đặc biệt cạnh Ngọc Đế mà còn không để lộ mình sở hữu năng lực của kẻ bất tử!
Sa Tăng: Kẻ bất tử
Hãy nhớ rằng, trong cả ba cõi Thần – Nhân – Ma, có lẽ chỉ có 2 người biết về sự bất tử của Sa Tăng: Quan Âm bồ Tát và Như Lai Phật Tổ. Sự bất tử của Sa Tăng, liên quan mật thiết đến chuỗi vòng 9 đầu lâu của chàng ta. Sa Tăng từng giải thích với Quan Âm Bồ Tát rằng: “Ta ở nơi đây đã ăn thịt vô số người, từ trước đến giờ những người đi qua đây đều bị ta ăn thịt. Phàm là đầu lâu còn sót lại, ta đều ném xuống sông Lưu Sa này, và chúng đã chìm hết xuống đáy. Nước con sông này lông ngỗng cũng không thể nổi lên, nhưng kỳ lạ, chỉ có chín cái đầu lâu của người đi lấy kinh này, là nổi lềnh bềnh trên mặt nước, không chìm xuống. Ta cho rằng đây là những vật lạ, nên đã lấy dây xâu lại thành một chuỗi vòng đeo lên cổ, để khi rảnh rỗi lấy ra xem”.
Trong “Thi thoại Đường Tam Tạng thỉnh kinh” được viết trước khi tác phẩm “Tây Du Ký” ra đời, Sa Tăng từng nói với Tam Tạng pháp sư: “Dưới cổ ta là những đầu lâu của người mà ta đã từng ăn thịt”. Những chiếc đầu lâu trên chuỗi vòng cổ đều là đời trước của Đường Tăng. Những kiếp trước, Đường Tăng đã bị Sa Tăng ăn thịt 9 lần. Đó là lý do trong “Tây Du Ký” thường nói Đường Tăng là Kim Thiền Tử chuyển thế lần thứ 10.
Rất nhiều yêu ma qua các kiếp nạn của 5 thày trò trên con đường thỉnh kinh, thậm chí không ít thần tiên trên trời đều mong 1 lần được “xơi tái” Đường Tăng để trường sinh bất lão, thọ ngang Trời-Đất. Sa Tăng thì sao? Chàng ta đã đã ăn thịt tới 9 kiếp của Đường Tăng, không chỉ bất tử mà công phu nội hàm còn nhờ đó mà gia tăng khủng khiếp.
Đường Tăng không hề biết điều này. Ngộ Không và Bát Giới cũng chẳng hay. Còn Sa Tăng thì mãi mãi giữ chặt bí mật mà chỉ Quan Âm Bồ Tát và Như Lai Phật Tổ, những nhân vật trên tài tất thảy trong “Tây Du kí” nắm được.
Trong Tây Du ký, Ngô Thừa Ân đã xây dựng 5 nhân vật chính trên con đường Tây Trúc thỉnh Kinh, như là đại diện cho 5 phần không thể thiếu của 1 con người. Tôn Ngộ Không là Tâm của con người, Đường Tăng là phần Thân xác, Trư Bát Giới là dục vọng, Sa Tăng là bản tính con người và ngựa Bạch Mã là đại diện cho ý chí.
Bản tính – Tính cách luôn là thứ khó nắm bắt nhất ở một con người. “Sông sâu biển thẳm dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Và chính bởi thế bao thế kỉ qua, người đời vẫn lầm tưởng về Sa Tăng, kẻ bất tử mang trong mình bản lĩnh phi thường nhưng lại che đậy tất cả bằng vẻ ngoài của kẻ bất tài, ba phải.