Lạ kỳ những vụ người kết hôn với… động vật

Google News

Người kết hôn với động vật, mới nghe qua ai cũng cảm thấy đó là một câu chuyện thật sự hoang đường. Nhưng chuyện hoang đường ấy vẫn diễn ra ở Ấn Độ.

Kết hôn với chó

Theo quan niệm của nhiều vùng nông thôn ở Ấn Độ, họ cho rằng, việc thực hiện nghi lễ người kết hôn với động vật này sẽ giúp họ xua đuổi tà ma, sự xui xẻo, giải thoát lời nguyền nào đó và mang lại nhiều may mắn trong cuộc sống.

Trước tiên là trường hợp của cô bé Mangli Munda, 18 tuổi, sống ở một khu vực hẻo lánh Jharkhand, thuộc miền Đông Ấn Độ. Cô bị ép buộc phải lấy một “chú chó” làm chồng. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc một đạo sư trong ngôi làng của Munda nói với cha mẹ cô rằng, cô bị nguyền rủa, họ và dân làng sẽ gặp tai họa nếu để Munda kết hôn cùng một người đàn ông.

La ky nhung vu nguoi ket hon voi… dong vat


Ảnh minh họa.
Sau những lời của vị đạo sư, các trưởng làng nhanh chóng tổ chức đám cưới cho Munda và một chú chó tên Sheru. Lễ cưới của cô bé có hơn 70 khách mời tham dự để chúc mừng. Đây là một đám cưới xa hoa ở miền quê hẻo lánh này, thậm chí có cả xe hơi để đưa rước. Munda chẳng cảm thấy hạnh phúc, vì người cô lấy không phải là một người đàn ông cô yêu thương mà lại là một chú chó. Tuy nhiên, cô vẫn phải thực hiện lễ cưới này theo ý của bố mẹ, dân làng và tin rằng việc làm này sẽ thay đổi vận mệnh, giúp cô tránh khỏi những điều không may mắn trong cuộc sống.

Khi được hỏi, cô nói: “Những đám cưới kiểu như thế này đã diễn ra rất nhiều ở làng. Tôi chấp nhận lễ cưới này vì các trưởng làng tin rằng chỉ khi tôi kết hôn với chú chó Sheru mới là cách duy nhất để thoát khỏi những tai họa và chuyển những tai họa của tôi sang chú cho đó. Tôi lấy chú chó này nhưng không có nghĩa là tôi không được lấy người đàn ông khác. Sau này, tôi cũng sẽ được tự do kết hôn với người đàn ông của đời mình và có một cuộc sống lâu dài, hạnh phúc”.

Đám cưới của cô đặc biệt được tổ chức linh đình, mọi người cùng nhau nhảy múa, hát hò, chúc phúc và làm những nghi thức giống như những lễ cưới bình thường. Chú chó cưới Munda cũng được tôn trọng như những chú rể bình thường. Theo phong tục của làng, đám cưới này không ảnh hưởng gì đến cuộc sống sau này của Munda, cô vẫn được kết hôn với người khác và có thể coi chú chó như vật nuôi trong gia đình.

Kết hôn để chuộc tội

Một đám cưới khác cũng diễn ra vào năm 2007, một người đàn ông tên P.Selvakumar ở miền nam Ấn Độ đã kết hôn với một con chó cái theo nghi thức truyền thống của đạo Hindu. Lễ cưới này được coi như một hành động chuộc lỗi, vì trước đó anh P.Selvakumar đã ném chết hai con chó khác và là nguyên nhân dẫn đến những tai họa liên tiếp ập đến.

Cách đây 15 năm, P.Selvakumar đã ném đến chết 2 chú chó và treo xác chúng lên cây. Thời gian sau đó anh bị tê liệt cả chân lẫn tay và điếc bên tai trái. Về sau, một nhà chiêm tinh đã nói với anh rằng, anh phải cưới một “cô chó” làm vợ thì mới có thể thoát khỏi những tai ương và bệnh tật. Những người mê tín dị đoan ở làng tin rằng, khi tổ chức đám cưới cho người với chó hay các loài động vật khác có thể giúp tránh khỏi lời nguyền nào đó.

Lễ cưới diễn ra tại một ngôi đền Hindu thuộc bang miền nam Tamil Nad. “Cô dâu chó” mà anh cưới làm vợ có tên là Selvi, một con chó hoang được gia đình anh bắt về tắm rửa, mặc một chiếc áo sari màu cam và đeo vòng hoa ở cổ. Anh và gia đình đã có một bữa tiệc vui vẻ, trong khi Selvi chỉ nhận được một chiếc bánh bao.

Cưới rắn làm vợ

Chó vẫn còn là động vật khá thân thiết với con người, nhưng kết hôn với loài bò sát như rắn lại càng khiến cho nhiều người cảm thấy lạnh sống lưng. Khoảng 15.000 người đổ xô đến xem lễ cưới khác thường của một người đàn ông và một con rắn ở một ngôi làng xa xôi thuộc Badwapur, bang Phoolpur, Ấn Độ.

Anh nông dân Sandeep Patel, 27 tuổi, tuyên bố rằng anh sẽ kết hôn với một con rắn, vì anh tin rằng, con rắn hổ mang mà anh kết hôn cùng là một cô gái xinh đẹp đem lòng yêu anh ở kiếp trước và muốn kết hôn với anh ở kiếp này. Anh còn nói với dân làng rằng, mình có thể biến thành rắn vào ban đêm khi rơi vào trạng thái mộng mị, thôi miên sâu. Dân làng lại càng mê tín hơn khi thầy tu của làng “thêm bớt” rằng, Sandeep từ khi sinh ra đã có những đặc điểm của loài rắn, từ cách đi đứng, ăn uống hay cách lè lưỡi giống như loài rắn...

Sandeep và gia đình đã phải mất 2 tuần để chuẩn bị cho lễ cưới và phát thiếp mời cho mọi người. Lễ cưới diễn ra trong một nhà thờ dưới sự chứng kiến của các thầy tu và tín đồ mộ đạo, Sandeep tỏ ra hạnh phúc, anh mặc một chiếc quần âu và chiếc áo vest màu trắng, tay cầm một bó hoa rực rỡ. Tuy nhiên, ngay sau đó cảnh sát đã có mặt để ngăn cản đám cưới khác lạ này.

Cả Sandeep và cha anh là Dayashankar đều bị bắt vì tội “gây rối trật tự công cộng” còn vị tu sỹ làm lễ cho “cặp đôi khác thường” đã bỏ chạy vì hoảng sợ. Báo chí Ấn Độ ngay sau đó đưa tin, đám đông người mộ đạo đã dọa sẽ gây bạo loạn vì cảnh sát đã làm đám cưới bị trì hoãn. Cảnh sát đã phải gọi lực lượng viện trợ tới để giải tán đám đông và yêu cầu họ trở về nhà tại các ngôi làng xung quanh.

Người Ấn Độ coi rắn, đặc biệt là rắn hổ mang chúa là biểu tượng của chúa Silv a- vị thần của hủy diệt, vì thế họ rất tôn sùng loài vật này. Người dân nơi đây thậm chí còn chào đón đám cưới này với một niềm tin những ai tham dự đám cưới này sẽ nhận được may mắn.

Lễ cưới này không phải là lần đầu tiên, cách đây 9 năm, một phụ nữ 30 tuổi, có tên Bimbala Das, cũng cử hành hôn lễ với một con rắn hổ mang ở làng Tala, bang Orissa. Tuy nhiên, khi lễ cưới diễn ra, con rắn lại không chịu ra khỏi hang nên Bimbala phải dùng rắn giả bằng tượng đồng để có thể dụ được “chú rể” ra ngoài.

Cô Bimbala Das cho hay, “Mặc dù rắn không thể nói cũng không thể hiểu nhưng chúng giao tiếp theo một cách đặc biệt. Bất cứ khi nào tôi đặt sữa gần tổ, nó luôn ra ngoài để uống và không bao giờ làm hại tôi”. Khi đó, dân làng tại đây đều vui mừng bởi sự kiện này. Họ khẳng định đám cưới sẽ mang lại điều may mắn cho cả làng.


Theo Bùi Mến/Pháp luật Việt Nam

>> xem thêm

Bình luận(0)