Ký ức đội quân đặc biệt vượt lũ sông Đà đánh chiếm Ba Lay

Google News

Đã hơn 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về đội thủy binh đặc biệt trong đêm đông vượt thác lũ sông Đà đánh chiếm Ba Lay vẫn in đậm trong tâm trí Đại tá Nguyễn Hữu Tài.

Quyết định táo bạo: Đội quân vượt lũ giữa đêm đông
Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn 209, đại đoàn 312, nguyên Cục phó Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng chia sẻ, lúc tham gia chiến dịch Tây Bắc, ông là Phó chính trị viên Tiểu đoàn 16, trung đoàn 141, đại đoàn 312.
Đơn vị ông được giao nhiệm vụ phối thuộc Đại đoàn 308 bao vây phân khu Nghĩa Lộ đánh địch rút chạy. Kết thúc đợt 1 chiến dịch, đơn vị được lệnh hành quân về Quang Huy vượt sông Đà, tham gia đợt 2 chiến dịch.
Ky uc doi quan dac biet vuot lu song Da danh chiem Ba Lay
 Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Chủ nhiệm Chính trị trung đoàn 209, đại đoàn 312, nguyên Cục phó Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng. Ảnh: Mai Loan.
“Sông Đà trên bản đồ thực dân Pháp gọi là sông đen, thời học sinh theo trí tưởng tượng của tôi là con sông đẹp lãng mạn qua các bản tình ca về Đà giang. Tuy nhiên, khi đến nơi mới thấy độ hung dữ của nó. Lòng sông khá rộng, nước chảy cuồn cuộn do có mưa đầu nguồn đổ về”, Đại tá Nguyễn Hữu Tài bồi hồi nhớ lại. Đã 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng vẫn như cuốn phim rõ nét, tươi nguyên trong tâm trí của ông.
Đại tá Tài kể, suốt mấy ngày đêm lực lượng Công binh của đại đoàn dầm mình dưới làn nước lạnh để bắc cầu phao cho bộ đội qua sông, nhưng không thành công. Nước lũ đã cuốn đứt dây cáp cuốn trôi đoạn cầu bằng tre nứa. Trên sông, chỉ có một chiếc thuyền độc mộc của đồng bào qua lại. Trong khi đó, máy bay trinh sát của địch suốt ngày quần thảo và bắn phá những khu vực nghi là nơi trú quân của ta.
Thời gian kế hoạch của chiến dịch rất cấp bách, Bộ tư lệnh lệnh cho đại đoàn phải vượt sông không chậm trễ vì địch có thể rút chạy hoặc tăng thêm lực lượng tổ chức phòng thủ vững chắc để ngăn chặn quân ta.
Trung đoàn trưởng Nam Long và Chính ủy Mạc Ninh hết sức lo lắng. Ban chỉ huy trung đoàn triệu tập họp cán bộ ngay bờ sông. Trước mắt là nước lũ cuồn cuộn làm mọi người thêm băn khoăn lo ngại về khả năng vượt sông của bộ đội.
Cuối cùng, Trung đoàn trưởng Nam Long quyết định không chờ công binh bắc cầu, bộ đội bơi qua sông cho kịp thời gian nổ súng theo kế hoạch. Đó là quyết định táo bạo bất ngờ. Trung đoàn trưởng làm gương bơi thử thăm dò, ông tình nguyện bơi cùng.
Tiểu đoàn 16 của đơn vị ông được giao nhiệm vụ vượt sông trước chiếm giữ đầu cầu bên hữu ngạn, đánh địch nếu chúng ngăn chặn và tiến nhanh về phía Ba Lay bao vây không cho chúng rút chạy. Đơn vị quyết định lựa chọn những anh em biết bơi tình nguyện vượt sông trước.
Hơn 100 cán bộ chiến sĩ tình nguyện tập hợp thành một đại đội. Đảng ủy tiểu đoàn chỉ định ông, Phó Bí thư Tiểu đoàn trực tiếp làm Bí thư chi bộ cùng Đại đội trưởng Bạch Đăng Hội chỉ huy đơn vị bơi qua sông.
Đơn vị chia nhau chặt chuối rừng cùng tre nứa làm bè mảng để quần áo, vũ khí, lương thực lên bè. Cứ ba người một tổ do đảng viên, cán bộ làm tổ trưởng cứu giúp nhau nếu bị nạn. Lúc đó chưa có vải nylon như ngày nay, tất cả mọi người đều cởi hết quần áo, cùng vũ khí và lương thực đặt lên bè chuối để qua sông.
Đề phòng nước chảy xiết có thể cuốn trôi mọi người về phía hạ lưu, đơn vị tổ chức hai tổ gồm những anh em khỏe mạnh, bơi giỏi, tình nguyện thành các tổ cứu hộ đi về phía hạ lưu.
“Đêm 17 /11/1952, toàn đơn vị sẵn sàng bên bờ sông. Đã bước vào mùa đông, sương mù buông xuống. Trời tối nhanh, từng cơn gió buốt, cả đoàn quân từ cán bộ đến chiến sĩ đều “trần như nhộng”, rét run lập cập trong gió lạnh.
Tôi và một số chiến sĩ lao xuống dòng nước tối đen chảy xiết, dẫn đầu cả đơn vị ào xuống. Nước sông lạnh thấu xương. Khi còn học sinh, tôi đã là vận động viên bơi thi toàn thành phố sau đó được cử đi thi bơi toàn Đông Dương nên khúc sông Đà dù có rộng, tôi vẫn có thể bơi một mạch qua sông”, ông Tài kể.
Nhưng một biến cố đã xảy ra. Hơn một tiếng trôi qua, đơn vị đã qua sông hết, chuẩn bị hành quân thì thấy thiếu một chiến sĩ. Trong khi đó, Tổ cứu hộ về báo cáo không thấy ai kêu cứu ở phía hạ lưu. Nhiệm vụ bao vây quân địch ở Ba Lay nặng nề, đơn vị lặng lẽ hành quân, ngậm ngùi thương tiếc người đồng đội xấu số, nghĩ rằng đã chìm xuống sông sâu.
Gần một tiếng sau, phía dưới hàng quân bỗng lao xao tiếng người nói. Phó chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Hữu Tài cho bộ đội tạm nghỉ.
Bỗng dưng, một chiến sĩ trần truồng, mặt mũi tái nhợt run lập cập đang ra sức chạy theo đơn vị xuất hiện. Tất cả mọi người mừng rỡ, đón đồng chí trở về. Thì ra, đồng chí đó bơi khá nên chủ quan không bám vào bề mảng, đã bị nước cuốn xuống phía hạ lưu khá xa. Vật lộn mãi với sóng nước, vào được bờ thì đơn vị đã hành quân, nên đành chạy đuổi theo trong đêm tối.
“Giữa núi rừng vắng vẻ, không một mảnh vải che thân, đồng chí đó đã một mình chạy đuổi theo đơn vị, thể hiện một ý chí, quyết tâm cao độ của người chiến sĩ”, đại tá Tài xúc động.
Trên đường hành quân, tổ trinh sát đi đầu đã tóm được một binh sĩ địch đào ngũ. Vừa khai thác tình hình, vừa bắt tên lính này dẫn đường, đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ bao vây địch trước lúc trời sáng.
Chiến thắng Ba Lay
Ba Lay là một cứ điểm trong hệ thống phòng thủ của địch chặn quân ta tiến ra Mộc Châu, Sơn La và đường 41, nay là đường số 6. Quân địch ở đây có một đại đội lính Ma Rốc và mới tăng thêm một đại đội lính ngụy do một tên quan ba Pháp chỉ huy. Chúng đóng quân trên một quả đồi rộng, không cao lắm, có nhiều lô cốt và hệ thống chiến hào hình vòng tròn. Phía dưới chân đồi có nhiều hàng rào dây thép gai và các bãi mìn.
Để tiêu diệt cứ điểm này, Trung đoàn 141 sử dụng 2 tiểu đoàn tiến công. Tiểu đoàn 11 ở hướng chủ yếu có các đơn vị trợ chiến của trung đoàn yểm hộ. Tiểu đoàn 16 ở hướng thứ yếu nhưng đánh vào cổng chính để thu hút địch. Tiểu đoàn 428 làm dự bị và sẵn sàng đánh viện binh địch.
Đúng 4 giờ sáng ngày 20 tháng 11 năm 1952, Trung đoàn ra lệnh nổ súng hướng tiểu đoàn 16. Đội bộc phá do Lê Văn Tỷ - Trung đội trưởng có thành tích chiến đấu trong trận Ba Vì năm trước được tuyên dương là chiến sĩ thi đua toàn quốc – chỉ huy.
Ky uc doi quan dac biet vuot lu song Da danh chiem Ba Lay-Hinh-2
Đại tá Nguyễn Hữu Tài bắt tay các đại biểu tại Hội thảo “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”. Ảnh: Mai Loan.
Đánh vào cổng chính không có pháo binh chi viện, dưới làn hỏa lực dày đặc của địch nhiều chiến sĩ đội bộc phá thương vong. Cuối cùng, đội bộc phá đã mở cửa tạo điều kiện cho xung kích xung phong đánh sập lô cốt đột phá khẩu.
Đồng chí Lê Văn Tỵ đã trúng đạn bắn thẳng của địch, hy sinh tại cửa đột phá. Phía Tiểu đoàn 11 gặp khó khăn trong quá trình phá hàng rào. Tiểu đội trưởng Phạm Văn Hội bình tĩnh ngắm bắn các lỗ châu mai của địch, yểm trợ cho tiểu đội tiến lên.
Quả bộc phá cuối cùng đã phá vỡ lô cốt án ngữ trên đường xung phong của Tiểu đoàn 11. Tiểu đội trưởng Phạm Chúc đánh chiếm lô cốt 1, tiến dẫn tiểu đội đánh chiếm lô cốt số 3 và bắt đầu liên lạc với Tiểu đoàn 16 đang tiến đánh vào trung tâm.
Đồng chí Chúc bị thương vào tay nhưng tiếp tục chiến đấu, không chịu lui ra phía sau. Bị tiến công mãnh liệt ở hai hướng, một số lính ngụy đầu hàng, còn lính Ma rốc vẫn điên cuồng chống cự.
Đại tá Nguyễn Hữu Tài đi cùng Đại đội trưởng Bạch Đăng Hội tiến vào lô cốt đầu cầu. Gần sáng, ta đã làm chủ phần lớn cứ điểm. Lực lượng địch còn lại vẫn chống cự, ông cho anh em gọi địch ra đầu hàng bằng cả tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Khắp nơi vang lên tiếng “Hê - lô - manh” (giơ tay lên, hàng đi).
Trước sức tiến công mãnh liệt của ta, số địch sống sót buộc phải đầu hàng. Ta bắt sống tên quan ba Pháp chỉ huy đồn là Bô–Ri-Lê. Quân ta hoàn toàn làm chủ Ba Lay, bắt tù binh thu hồi toàn bộ vũ khí.
Trung Đoàn Trưởng Nam Long đã thực hiện đúng lời hứa với cấp trên là tiêu diệt gọn Ba Lay không cho tên nào chạy thoát, vì chiến đấu ở rừng núi, nếu không vây chặt địch sẽ chạy thoát vào rừng. Đơn vị giữ cứ điểm đến 7 giờ sáng. Một chiếc máy bay của địch lượn một vòng trên cao rồi quay đi.
“Sau này chính ủy Trung đoàn Mạc Linh thường gọi đoàn chúng tôi là thủy quân lục chiến trên sông Đà (Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam cũng đưa tin về sự kiện này). Tôi nói lại là “Đội thủy binh “trần như nhộng” đánh bộ”, ông Tài nói.
Ông Tài cho biết, chiến thắng Ba Lay đã tô thắm truyền thống chiến đấu của Trung đoàn 141 Ba Vì, nối tiếp từ trận Ba Huyên (chiến dịch Trung du), Ba Vì (chiến trận Hòa Bình) và Ba Lay (chiến dịch Tây Bắc), góp phần to lớn vào thắng lợi đợt 2 của chiến dịch, giải phóng hoàn toàn đất đai của tỉnh Yên Bái và phần lớn tỉnh Sơn La.
“70 năm đã trôi qua, đó là một khoảng thời gian khá dài với một đời người. Trải qua 4 cuộc chiến tranh chống xâm lược, hầu hết cán bộ chỉ huy và chiến sĩ của Trung đoàn 141 Ba Vì không còn nữa. Các anh đã đổ mồ hôi, xương máu để Tổ quốc có ngày hôm nay độc lập, hòa bình; có được Tây Bắc phát triển, đời sống đồng bào ấm no hạnh phúc”, đại tá Nguyễn Hữu Tài xúc động.
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc (1952-2022), ngày 14/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Yên Bái, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chiến thắng Tây Bắc 1952 - Tầm vóc lịch sử và bài học kinh nghiệm”.
Là một trong những nhân chứng lịch sử gửi tới Hội thảo ký ức về những ngày tháng đối mặt với kẻ thù, câu chuyện của Đại tá Nguyễn Hữu Tài “Giữa đêm đông vuợt sông Đà, đánh chiếm Ba Lay”, khiến các đại biểu xúc động và thêm khâm phục những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam.

Mời quý độc giả xem video: "Bà Hoàng Lan Dung chia sẻ ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô". Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)