Ngày Giải phóng Thủ đô xúc động trong ký ức những cựu tù chính trị

Google News

“Ở trong tù, nghe tin về ngày giải phóng, chúng tôi vui lắm, mong từng phút được nhìn thấy bầu trời hòa bình”, nguyên Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội, cựu tù Hỏa Lò Hoàng Xuân Tạo xúc động nhớ lại ký ức ngày Giải phóng Thủ đô.

Hình ảnh “Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” trong ngày Giải phóng Thủ đô đã in đậm trong ký ức của rất nhiều người dân Hà Nội. Đặc biệt, với những chiến sĩ, cựu tù chính trị, ngày 10/10/1954, niềm vui dường như nhân lên gấp bội. Bởi trong cảnh tù đày, áp bức, bị tra tấn dã man, việc được tự do, giải phóng đã tựa như “trái ngọt” cho những đấu tranh, đem tới cho họ một chương hoàn toàn mới trong cuộc đời.
Ngay Giai phong Thu do xuc dong trong ky uc nhung cuu tu chinh tri
 Đoàn quân về tiếp quản Thủ Đô được người dân Hà Nội hân hoan chào đón. Ảnh: Tư liệu.
Chính vì vậy, dù những cựu tù Hỏa Lò giờ đều đã cao tuổi, ký ức ngày quân đội ta vào tiếp quản Hà Nội đã lùi xa gần 70 năm, nhưng trong họ vẫn vẹn nguyên niềm xúc động, và nhớ rõ mọi việc như vừa mới hôm qua.
Đạo diễn, NSƯT, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội Hoàng Quân Tạo: Mong từng phút tới ngày giải phóng
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quân Tạo (tên khai sinh là Lương Bá Lưu) sinh năm 1932 tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Ông mồ côi cha khi mới 2 tuổi. Năm ông lên 5 tuổi, mẹ ông đi bước nữa, ông sống với ông bà ngoại, cuộc sống vất vả, khó khăn.
Năm 12 tuổi, ông Tạo đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với việc thu thập đạn về cho đội du kích Hồng Hà.
Ngay Giai phong Thu do xuc dong trong ky uc nhung cuu tu chinh tri-Hinh-2
 Ông Hoàng Xuân Tạo, đạo diễn, NSƯT, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội.
Năm 1946, 14 tuổi, ông Tạo tham gia đội Cảm tử quân Trung đoàn Thủ đô. Sau đó, ông làm liên lạc cho du kích ở khu vực Thanh Trì rồi làm tổ trưởng phụ trách phân phối tài liệu cho cơ sở kháng chiến trong khu vực nội thành Hà Nội. Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông đã quen và yêu nữ sinh Nguyễn Thị Điền – cũng là một chiến cách mạng.
Tháng 6/1952, ông bị địch bắt khi đến cơ sở cách mạng ở số 85 Hàng Lược lấy tài liệu. Ông bị thực dân Pháp bắt và đưa về giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò, Bà Điền cũng bị chúng bắt, đưa về Hỏa Lò giam giữ.
Ông Tạo bị giam ở khu Cachot, ngục tối, còn được gọi là ngục trong ngục, bị tra tấn dã man. Suốt 17 ngày đêm, ông bị địch trói vào ghế băng, dùng bàn là áp vào chân khiến cháy chín thịt da, nhưng ông vẫn không khai nửa lời.
Tức giận, biết được mối quan hệ tình cảm của ông với nữ sinh Nguyễn Thị Điền, chúng đã tra tấn tinh thần ông bằng cách bắt ông phải chứng kiến cảnh người yêu mình bị những tên lính Pháp thay nhau cưỡng bức. Đau đớn quá, ông đã ngất lịm.
Sống trong cảnh tù đày, chịu nhiều cực hình như vậy, cho nên, khi nghe tin tức về Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ông cùng những người bạn tù đã vui mừng khôn xiết, mong ngóng từng phút đến giờ giải phóng.
“Trước ngày Giải phóng Thủ đô, mặc dù vẫn bị giam trong Nhà tù Hỏa Lò, nhưng chúng tôi vẫn nghe được tin tức từ bên ngoài đưa vào. Khi biết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết, tinh thần của anh em trong tù phấn chấn và vui mừng lắm. Chúng tôi mong từng phút để được nhìn thấy bầu trời hòa bình”, ông Tạo chia sẻ.
Và sáng 10/10/1954 đã mãi mãi trở thành một dấu mốc không thể nào quên đối với ông Tạo và đồng đội.
“Lúc đó, cả Hà Nội rực trong màu cờ đỏ. Tất cả mọi người đều đổ hết ra dường hò reo, hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập, Việt Nam thắng lợi”. Người hò reo, người hát múa, trên gương mặt ai cũng chỉ thấy nụ cười. Xúc động, hân hoan lắm, tựa như một ngày hội lớn. Không ai bảo ai mà cùng hòa chung một nhịp của niềm vui, người lạ cũng ngỡ như thân quen, cùng nhau chia sẻ niềm hân hoan. Khu vực hồ Hoàn Kiếm, người người đứng chen chật kín, chờ đoàn quân chiến thắng trở về”, ông Tạo bồi hồi nhớ lại.
Sau khi được trả tự do, ông Hoàng Quân Tạo đã theo con đường hoạt động sân khấu kịch chuyên nghiệp - niềm đam mê của ông. Ông là một trong 18 người tham gia thành lập đội kịch Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội, tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay, có nhiều đóng góp to lớn cho lĩnh vực của mình.
68 năm đã qua kể từ ngày Giải phóng Thủ đô, nhưng ký ức về ngày giải phóng mãi in sâu trong trái tim ông. Và mỗi năm, đến dịp kỷ niệm ngày này, mọi việc lại giống như thước phim quay chậm lại trong tâm trí của người cựu tù Hỏa Lò.
Cựu tù chính trị Đỗ Đăng Long: Ngày Giải phóng Thủ đô mãi khắc ghi trong tâm trí
Ông Đỗ Đăng Long sinh năm 1928, vào đúng ngày 10/10. Ông Long bị địch bắt giam, đưa vào nhà tù Hỏa Lò khi bị địch phát hiện ông tham gia hoạt động cách mạng dưới “vỏ bọc” là gia sư cho hai con nhỏ của tỉnh trưởng Bắc Ninh.
Bị giam cầm ở Nhà tù Hỏa Lò, bị tra tấn dã man suốt 28 ngày đêm, ông vẫn không khai một lời. Ở trong tù, ông cùng các đồng đội vẫn hoạt động cách mạng. Ông được đồng đội tín nhiệm giao làm công tác chính trị, có nhiệm vụ động viên tinh thần anh em trong tù vững niềm tin để chiến đấu.
Tết Nhâm Thìn năm 1952, ông và những chiến sĩ cách mạng đã dùng giấy bóng kẹo cắt hình ngôi sao, dán lên chiếc chăn chiên Nam Định thành hình lá cờ Tổ quốc. Đêm 30 Tết, những người tù chính trị cùng nhau chào cờ, hát Quốc ca.
Ngay Giai phong Thu do xuc dong trong ky uc nhung cuu tu chinh tri-Hinh-3
Ông Đỗ Đăng Long, cựu tù Hỏa Lò. 
“Nếu đêm nào có đồng chí bị thực dân Pháp đưa đi tử hình thì đều nói “Các đồng chí ở lại nhé, tôi đi đây”, ông Long xúc động nhớ lại.
Trong những tháng ngày gian khó nhất, niềm tin vào ngày chiến thắng đã giúp ông và các bạn tù vượt qua mọi tra tấn, áp bức của địch. Và cũng chính vì thế, với ông, và những cựu tù Hỏa Lò khác, ngày Giải phóng Thủ đô, niềm hạnh phúc dâng trào, khắc sâu trong trái tim.
“Lúc đó, không thể nào diễn tả được niềm vui sướng. Đang từ vùng mất tự do mà có được độc lập, tự do, khắp các ngả đường, người dân đổ ra đường vẫy cờ hoa chào mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Hôm đó, cũng chính là ngày sinh nhật tôi, thật là một ký ức không thể nào quên”, ông Long chia sẻ.
Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương: Xúc động khi nhớ lại thời khắc lịch sử
Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương sinh năm 1922, tại thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ông nguyên là Trưởng đoàn chuyên gia kiêm Chính uỷ Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội.
Tham gia cách mạng, ông bị địch, bắt giam tại nhiều nhà tù. Năm 1936, khi mới 14 tuổi, ông tham gia phong trào thanh niên dân chủ.
Năm 1943, ông bị thực dân Pháp bắt, giam ở Nhà lao Vĩnh Điện (Quảng Nam) rồi Trại an trí Ly Hy (Huế). Suốt thời gian bị bắt giam, ông luôn nung nấu ý định vượt ngục, trở về hoạt động cách mạng. Năm 1944, trong lúc đi lao dịch, lợi dụng sơ hở của địch, ông cùng đồng đội tổ chức vượt ngục, song lại sớm bị bắt trở lại.
Địch đã tra tấn ông dã man, đưa đi quản thúc tại nhiều nhà tù. Năm 1945, nhân cơ hội Nhật đảo chính Pháp, ông cùng đồng đội đã vượt ngục thành công, kịp tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Tháng 8/1945, ông là thành viên Ban vận động giành chính quyền tại Quảng Nam, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8.
Ông Hương chia sẻ, do thông thạo tiếng Pháp, nên ở nhà tù nào, ông cũng được các chiến sĩ cử làm người đại diện để tranh đấu với thực dân Pháp, đòi quyền tự do cho mọi người.
Ngay Giai phong Thu do xuc dong trong ky uc nhung cuu tu chinh tri-Hinh-4
 Thiếu tướng Huỳnh Ðắc Hương.
Mục đích của ông cũng như bao chiến sĩ khi tham gia cách mạng là để giải phóng dân tộc, thoát khỏi cảnh nô lệ, nên khi nghe tin Hà Nội được giải phóng, ông cùng đồng đội đã vui mừng khôn xiết.
“Tôi nghe tin Giải phóng Thủ đô khi đang ở Quảng Nam, hạnh phúc lắm. Lúc đó, người dân cả nước đều vui mừng, phấn khởi chứ không riêng Hà Nội. Giờ đây, nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, tôi vẫn xúc động vô cùng”, ông Hương chia sẻ.
Hiện Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương là Trưởng ban đại diện Các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội. 

Mời quý độc giả xem video: "Bà Hoàng Lan Dung, Hà Nội chia sẻ ký ức về ngày Giải phóng Thủ đô". Video do PV  Tri thức và Cuộc sống thực hiện.


 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)