Tiếng sáo đêm ấy do viên mưu thần lỗi lạc của nhà Hán là Trương Lương thổi, cộng hưởng với những bài Sở ca - được hát bởi những chiến binh nhà Hán. Tiếng sáo vang vọng lúc trầm, lúc bổng, lúc dặt dìu, lúc tha thiết, bi thương...
"Dòng Ô Giang bỗng nhiên tràn tiếng sáo,
Xé màn đêm bủa khắp trại Sở vương,
Khúc nhạc Sở đêm nay sao sầu thảm?
Gọi Sở binh mau trở lại cố hương".
(Lê Thanh Bình, Đêm cuối của Hạng Vũ)
Khắp ba bề bốn bên đều âm vang lời ca nước Sở, như nỉ non, tâm tình. Những âm thanh đó hợp thành một bản giao hưởng "kể" về những kỷ niệm vùng Giang Đông nước Sở, về mẹ già tuôn nước mắt mong con, về những người vợ trẻ dừng tay dệt cửi - tựa cửa ngóng trông người chinh phu yêu dấu... và kêu gọi, giục quân Sở của Hạng Vũ mau rời quân doanh, trở về quê hương bản quán sinh sống, vì cuộc chiến đã đến hồi kết thúc, Sở bá vương đã bại trận.
Hạng Vũ thảng thốt, rúng động tâm can khi nghe toàn giọng hát nước Sở.
"Nghe tiếng sáo, Hạng vương lòng tan nát,
Đại thế tiêu rồi, lẽ nào mất hết đất?
Rượu đâu nào, hãy uống với sáo, ca…
Đêm sắp tàn, ánh kiếm lóe thê lương"
(Lê Thanh Bình, Đếm cuối của Hạng Vũ)
Vương hoảng hốt: "Chẳng lẽ bè lũ Hán vương đã vào được nước Sở rồi chăng? Sao mà khắp nơi toàn lính người Sở đông như vậy???" (trong cơn hoảng loạn, Vương nghĩ lầm rằng Hán vương đã bình định xong nước Sở, tuyển binh mới toàn người Sở). Nghe tiếng sáo Trương Lương, tâm trạng Hạng Vũ thêm rối bời, Vương nâng chén rượu tiễn biệt với người ái thiếp Ngu Cơ mà hát:
"Sức bạt núi, chí ngút trời,
Trời không giúp nữa, bị vây mấy vòng,
Ngựa Truy cưỡng lại chẳng phi?
Ngu Cơ thiếp hỡi, hiểm nguy cận kề".
(Lê Thanh Bình, Đêm cuối của Hạng Vũ)
Trong nước mắt, nàng Ngu Cơ hát đáp:
"Bá vương dũng mãnh chàng ơi,
Thiếp nay phận mỏng - ra đi
trước chàng,
Duyên tình sâu nặng hai ta,
Trời đất chứng giám, để dành kiếp sau".
(Lê Thanh Bình, Đêm cuối của Hạng Vũ)
Hạng Vũ, nàng Ngu Cơ và tả hữu thân cận vừa hát vừa khóc. Giây lát, sợ vướng chân anh hùng, nàng Ngu Cơ tuốt kiếm tự vẫn. Chôn cất xong mỹ nhân tri kỷ, Hạng Vũ gạt nước mắt lên ngựa ra điểm quân thì mọi người đã bỏ trốn gần hết. Hạng Vũ chỉ còn quanh mình hơn 800 tráng sĩ, liền trong đêm phá vòng vây ở phía Nam, chạy trốn.
Tảng sáng, những bài Sở ca đã tắt, nhưng dư âm của tiếng sáo địch vận như còn vương vấn quanh sóng nước Ô Giang và Hạng Vũ lúc đó chỉ còn lại hơn hai mươi chiến binh trung thành. Bên dòng Ô Giang, một ông già - nghĩa sĩ chèo thuyền, cắm sào đợi sẵn và thưa: "Xin đại vương mau vượt sông, về lại Giang Đông làm vương xứ sở quê nhà rồi đợi thời phục thù".
Nhưng Hạng Vũ từ chối, Vương nói: "Lòng trời không giúp ta, ta đã cùng hơn tám ngàn con em xứ sở vượt Trường Giang đi về phía Tây, thế mà nay mọi người đều tử trận. Dù các bô lão và trăm họ Giang Đông tha thứ cho ta, ta cũng chẳng còn mặt mũi nào nhìn thấy họ nữa".
Nghĩa sĩ già không nài ép nhiều vì ông chợt nhớ những lời của các nhà nhân tướng thuở ấy xem cho Hạng Vũ vẫn lưu truyền trong dân gian rằng: Họ Hạng "mặt da lim, tim ứa máu, cáu giận bất thường, đường ngay chẳng đi, bi thảm cuối đời"; "Mắt nhiều lòng trắng, mắng người vô cớ, sợ làm điều nhân, phân vân không quyết, huyết khí bốc đồng"...
Trời đã về chiều, áo bào của Hạng Vũ thấm máu, rách tả tơi, bay phần phật trong gió lạnh, tướng sĩ nhà Hán đã đuổi sát đến bến Ô Giang. Hạng Vũ ngước mắt nhìn tất cả và vẫn kịp nhớ lại bao điều: Hơn tám năm cầm quân đánh Nam dẹp Bắc, trực tiếp đánh hơn bảy mươi trận, tham gia diệt Tần, phong đất chư hầu, tha Hán vương ở bữa tiệc Hồng Môn... rồi Vương đâm cổ tự tử.
Hình như chỉ vài tích tắc trước lúc lìa cõi trần, Vương lại nhớ đến nàng Ngu Cơ yêu quý của mình, đến tiếng sáo định mệnh đêm qua, Vương khẽ mấp máy hai tiếng "Ngu Cơ" từ tâm khảm...
Cuộc đời oanh liệt của Hạng Vũ chỉ kéo dài gần 31 năm (232 TCN - 202 TCN) nhưng luôn được hậu thế nhắc đến. Ông từng làm tướng trực tiếp chỉ huy hàng vạn tướng sĩ từ năm 24 tuổi, năm 26 tuổi trở thành Tây Sở bá vương quyền uy tối thượng, đứng ra phân phong thiên hạ. Về người ái thiếp Ngu Cơ (tên thật là Ngu Diệu Dặc), Hạng Vũ đã gặp và yêu từ dịp ông sang thăm bà ngoại mình, tình cờ gặp Ngu Cơ lúc mới hơn 15 tuổi.
Càng lớn lên Ngu Cơ càng xinh xắn, đằm thắm; nàng có đôi mắt trong, môi hồng, nói năng thủ thỉ, giỏi múa hát, biết uống rượu, múa kiếm... Trải bao trắc trở xa cách do Hạng Vũ bận chinh chiến khắp nơi, sau 10 năm khi viên tướng dũng mãnh đó thành danh mới đón nàng về sum họp.
Ngu Cơ chính là dòng suối róc rách, mát lành có thể xoa dịu tâm hồn, nâng đỡ tinh thần, động viên cổ vũ ý chí của Hạng Vũ. Nàng Ngu Cơ luôn kề cận với "nửa kia" của mình, chia sẻ mọi buồn vui, sống hết mình với Hạng Vũ và tự kết liễu cuộc đời khi chưa đến 30 tuổi trong đêm định mệnh khi chứng kiến phu quân yêu quý của mình đã trên bờ thảm bại.
Mỹ nhân đổ máu hồng, khiến dòng lệ anh hùng rơi lã chã rồi nàng ra đi trước, chàng theo sau làm bạn nơi suối vàng. Người đời từ đó đến nay đều cho rằng, Ngu Cơ là hồng nhan tri kỷ, là tri âm cận kề được tạo hóa sinh ra để sống chết với chiến thần Hạng Vũ si tình, coi trọng người tình hơn mọi thứ trên đời.
Trong doanh trại nhà Hán, hay tin về kết cục của Hạng Vũ, viên mưu thần kiệt xuất của nhà Hán "ngồi trong màn trướng mà quyết định thắng lợi ở ngoài ngàn dặm", nhà binh vận, nhà nghệ sĩ Trương Lương đã cất cây sáo từ lâu, dường như Trương Lương đang tư lự, suy ngẫm về sự đời, về sự thành bại của con người... Ông lẩm bẩm thành lời: "Tiếng sáo và nhạc điệu cũng là vũ khí trong ngoại giao và chiến tranh vì có thể tạo thành sức mạnh làm tan rã lòng quân địch".