Xã Hà Ngọc (Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) – vùng đất gắn liền nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như đền thờ Lý Thường Kiệt, chùa Khúc Khích, đền cây Thị, hang Động Đình, động Ngọc… Nơi đây từ bao đời nay còn lưu truyền câu chuyện về chiếc chum vàng hóa đá, đến nỗi từ người già cho đến trẻ nhỏ, ai ai cũng nhớ như in.
Giáp danh giữa xã Hà Ngọc và Hà Sơn (huyện Hà Trung) trong dãy núi Trung Trinh, có ngọn núi Đụn, trên đỉnh núi có khối đá, nhìn xa tựa như một chiếc chum.
Theo lời kể của các bậc cao niên trong xã, câu chuyện về chiếc chum vàng hóa đá không biết có tự bao giờ, chỉ biết câu chuyện này đã ăn sâu vào tiềm thức người dân nơi đây, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chỉ biết rằng, xưa kia nó là chiếc chum đá, bên trong chứa rất nhiều vàng. Chỉ gia đình nào đẻ được 10 người con trai mới có thể lên núi khiêng về.
|
Chiếc chum vàng hóa đá trên núi Đún nhìn từ xa. |
Ông Phạm Đình Ba (trưởng thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc) cho biết: “Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay, tôi vẫn thường được các cụ cao tuổi truyền tai nhau về chiếc chum vàng trên đỉnh núi Đụn, vì muốn khiêng chiếc chum này về, nhà nào cũng mong đẻ thật nhiều con.”
Thế là, một gia đình nọ có sinh được 9 người con trai, lần lượt tên là Chích, Trách, Thực, Thà, Là, Sáu, Bảy, Tám, Chín. Vì còn thiếu một người con trai, gia đình có xin nhận về một con nuôi cho đủ mười người.
“Đến lúc khôn lớn, cả gia đình kéo nhau lên núi, khiêng chiếc chum về, lạ kỳ thay, nơi chín người con trai ruột đặt tay lên phiến đá đều nhấc lên, riêng cậu con nuôi không sao nhấc nổi.
Tức giận, người cha mắng anh con nuôi tới tấp, lập tức chiếc chum vàng bỗng hóa đá, ghì chặt tay chàng trai này lại, đến nay chiếc chum bị nghiêng một góc là vì thế”. Ông Hoàng Văn Sáu, được người dân cho là hậu duệ của gia đình họ Hoàng có 9 người con trai, kể lại.
|
Ông Hoàng Văn Sáu, người được cho là hậu duệ trong gia đình có 9 người con lên núi Đụn khiêng chum vàng bất thành. |
Nhiều người dân trong xã đồn thổi rằng, chiếc chum rộng lắm, cao hơn 1m, bên trên có phiến đá tựa như nắp chum, rất nhiều người thử nhấc, song không tài nào nhấc nổi. Cũng có nhiều người thắc mắc, không biết bên trong chiếc chum chứa gì.
Bà Hoàng Thị Bình (thôn 3, xã Hà Ngọc), chia sẻ, nhiều người tò mò nhấc thử lắm, nhưng không nhấc nổi, chắc vì muốn lấy chiếc chum vàng nên ai cũng muốn sinh nhiều con, nhiều cháu.
Ông Nguyễn Minh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc, cho biết: “Câu chuyện về chiếc chum vàng hóa đá và gia đình sinh 9 người con được lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay rồi. Ngọn núi Đụn nằm trong dãy núi Trung Trinh thuộc quần thể di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh xã Hà Ngọc.”
Nơi đây, ngoài núi Đụn có chum vàng, còn lưu giữ nhiều di tích, danh thắng nổi tiếng khác như: gác chuông Chùa Trần, đền Cây Thị… đặc biệt là đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt – danh tướng thời nhà Lý, có công rất lớn trong việc đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống vào năm 1070 – 1077, đồng thời có nhiều đóng góp to lớn cho người dân trấn Thanh Hóa…