Bốn mùa da diết với 'Thương nhớ mười hai'

Google News

“Thương nhớ mười hai” là áng văn được cất nên bởi hoài niệm đã khắc họa nên những đặc sắc nhất của thiên nhiên, con người, phong tục, đời sống, ẩm thực… của Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung.

Thương nhớ mười hai” là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Bằng, được viết trong giai đoạn từ năm 1960 đến 1971. Cuốn sách là tập hợp những tùy bút, hồi ký về 12 tháng trong năm, mỗi tháng gắn liền với những kỷ niệm, phong tục và cảnh sắc đặc trưng của miền Bắc Việt Nam. Qua đó, tác giả bày tỏ nỗi nhớ quê hương da diết khi phải sống xa Hà Nội.
Vũ Bằng tên đầy đủ là Vũ Đăng Bằng, sinh năm 1913 ở Hà Nội, mất năm 1984 tại Sài Gòn, quê gốc của ông ở làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.
Bon mua da diet voi 'Thuong nho muoi hai'
 Bìa sách "Thương nhớ mười hai". Ảnh: Internet.
Ra đời trong bối cảnh tác giả phải sống xa quê hương, vì chiến tranh chia cắt đất nước, “Thương nhớ mười hai” là áng văn được cất nên bởi hoài niệm của người khách tha hương với bao niềm thương nhớ mênh mang về cảnh sắc thiên nhiên, con người mười hai tháng trong năm của xứ Bắc.
Trong câu chữ là nỗi nhớ thương da diết quê hương và người vợ thân yêu của tác giả. Từ nỗi nhớ ấy, tác giả đã khắc họa những nét đặc sắc nhất của thiên nhiên, con người, phong tục, đời sống, ẩm thực… của Hà Nội nói riêng, miền Bắc nói chung.
Mỗi chương trong sách tương ứng với một tháng, mở ra bức tranh sinh động về thiên nhiên, ẩm thực và phong tục tập quán của người Bắc Việt. Tháng Giêng hiện lên với "trăng non rét ngọt", những lễ hội đầu xuân và không khí Tết rộn ràng. Tháng Hai là mùa hoa đào nở rộ, gợi nhớ những buổi hò hẹn và tình yêu đôi lứa. Tháng Ba với mưa xuân lất phất, cây cối đâm chồi nảy lộc, biểu trưng cho sự sinh sôi và hy vọng.
Mùa hạ được Vũ Bằng miêu tả với những ngày oi ả, nhưng cũng đầy sức sống. Tháng Tư, tháng Năm là mùa của hoa loa kèn, hoa phượng đỏ rực, tiếng ve kêu râm ran, gợi nhớ thời học trò. Tháng Sáu, tháng Bảy với những cơn mưa ngâu, làm dịu đi cái nóng mùa hè, đồng thời gợi lên nỗi buồn man mác về sự chia ly, như câu chuyện Ngưu Lang - Chức Nữ gặp nhau trên cầu Ô Thước.
Mùa thu Bắc Việt hiện lên qua ngòi bút của Vũ Bằng với tiết trời se lạnh, hương cốm mới và những đêm trăng sáng. Tháng Tám là mùa của Tết Trung Thu, với đèn lồng, múa lân và bánh nướng, bánh dẻo. Tháng Chín, tháng Mười là mùa gặt, khi cánh đồng lúa chín vàng, mang lại niềm vui no ấm cho người nông dân.
Mùa đông đến với những cơn gió bấc, mưa phùn và cái rét cắt da cắt thịt. Tháng Mười Một, tháng Chạp là thời điểm chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán, với chợ Tết nhộn nhịp, cảnh mua sắm tấp nập và phong tục gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa. Đặc biệt, Vũ Bằng dành nhiều tình cảm cho chợ Tết, một nét văn hóa độc đáo trong Tết cổ truyền của người Việt. Ông miêu tả chợ Tết với sự hấp dẫn kỳ lạ, nơi mọi thứ đều đẹp, người người tươi vui, tạo nên không khí ấm áp và đoàn viên.
Tác phẩm không chỉ là bức tranh về cảnh sắc và phong tục, mà còn chứa đựng tình cảm sâu nặng của tác giả đối với người vợ nơi phương xa. Nỗi nhớ vợ được thể hiện qua từng trang viết, với những kỷ niệm hạnh phúc và đau khổ, cùng sự trăn trở về tương lai. Vũ Bằng viết: "Em yêu ơi, sống là tin tưởng và chờ đợi nhưng biết mái tóc người ta còn xanh mãi để đợi được hay không".
"Thương nhớ mười hai" còn là tác phẩm văn học mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử và nhân văn. Nó giúp người đọc hiểu hơn về những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là trong bối cảnh hiện đại, khi nhiều phong tục tập quán có nguy cơ bị mai một. Cuốn sách khơi dậy tình yêu đối với quê hương, với những người và cảnh vật thân thiết từng gắn bó, đặc biệt là đối với những người con xa xứ.
Tác phẩm được đánh giá cao về nghệ thuật viết tùy bút, với ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc và chất thơ. Vũ Bằng đã kết hợp linh hoạt các phương thức tự sự, trữ tình, tạo nên bức tranh đẹp về mười hai tháng, về tình yêu và nỗi nhớ. Nỗi nhớ và tình yêu ấy, dù đẹp đến mấy, vẫn mang màu xót xa và dang dở, khiến người đọc không khỏi xúc động.
"Thương nhớ mười hai" xứng đáng là một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Việt Nam, mang đến cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về tình yêu quê hương, gia đình và những giá trị văn hóa truyền thống.
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)