|
Ông Michel Strachinescu chia sẻ với phóng viên những bức ảnh kỷ niệm khi ông còn là lái xe cho Phái đoàn Việt Nam. (Ảnh: Thu Hà - P/v TTXVN tại Pháp) |
Theo TTXVN, ông Michel Strachinescu nhớ lại khoảng thời gian 4 năm làm việc tại phái đoàn Việt Nam với tư cách lái xe của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, khi đó là Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam, tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Với ông, đó là quãng đời đẹp nhất, tự hào nhất và vinh dự nhất. Ông kể: "Chúng tôi được Ðảng Cộng sản Pháp điều động phục vụ phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam. Khi đó phong trào cộng sản đang phát triển rất mạnh ở Pháp và tôi là bí thư một chi bộ ở Aulnay-sous-Bois, nơi tôi sinh sống. Vì tôi biết rõ đường phố Paris cho nên họ đề nghị tôi làm lái xe phục vụ đoàn và đặc biệt là phục vụ bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng phái đoàn".
Với ông Michel Strachinescu, ngày ký Hiệp định Hòa bình Paris là ngày vui nhất, tuyệt vời nhất, vì đó là dấu mốc đánh dấu thắng lợi của phái đoàn Việt Nam. Với gần 5 năm vất vả và căng thẳng, vừa công khai, vừa bí mật, vừa đàm, vừa đánh, có lúc thành công, có khi thất bại, quá trình đàm phán dài nhất lịch sử Việt Nam và thế giới đã đi đến một cái kết có hậu. Ông nhớ lại: "Ðể ăn mừng sự kiện vào ngày hôm sau, chính tay tôi đã làm một tháp bánh ngọt và mở rượu sâm-banh".
Ông Pascal Lê Phát Tân là con cháu thế hệ thứ hai của các Việt kiều, từng phục vụ các phái đoàn Việt Nam tham gia đàm phán Hiệp định Paris. Ông chia sẻ: "Mặc dù chỉ là một đứa trẻ, nhưng tôi cũng cảm nhận được nỗi đau của kiều bào ở Pháp khi thấy Việt Nam vẫn phải chịu đựng chiến tranh. Vì vậy cha mẹ tôi và rất nhiều các bác, các cô chú đã sẵn sàng tình nguyện giúp đỡ phái đoàn. Lúc đó, tôi còn bé cho nên cuối tuần hoặc vào các kỳ nghỉ, tôi hay theo mẹ đến Choisy-le-Roi, giúp mọi người nhặt rau, bóc hành, thái thịt. Tôi rất thích nói chuyện với các bác, các chú thành viên phái đoàn vì họ rất dễ mến".
Với ông Pascal, ngày ký kết Hiệp định là một ngày không thể quên được. Ông nhớ lại, cảm xúc nghẹn ngào: Khi nghe thông báo Hiệp định sẽ được ký kết, mọi người vỡ òa trong sung sướng. Từ sáng sớm chúng tôi đã kéo nhau lên metro đến đại lộ Kleber để chứng kiến sự kiện và chúc mừng phái đoàn Việt Nam. Ðại lộ Kleber hôm đó ngập tràn cờ hoa, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người ủng hộ Việt Nam. Niềm vui lúc đó thật là to lớn!
Là một trong những lứa sinh viên và thực tập sinh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa may mắn có mặt tại Paris vào thời điểm diễn ra lễ ký Hiệp định Paris, Ðại sứ Văn Nghĩa Dũng không thể quên không khí sôi động hào hùng của ngày 27/1/1973 lịch sử đó, cũng như hình ảnh bà con Việt kiều cùng bạn bè Pháp và quốc tế đứng chật ních trên cả một đoạn đường dài trước trung tâm Hội nghị Kleber. Ðại sứ cho biết, để ăn mừng Hiệp định được ký kết, và bày tỏ sự cảm ơn tới bà con kiều bào và bạn bè Pháp đã giúp đỡ trong suốt quá trình đàm phán, hai phái đoàn đã tổ chức chiêu đãi trọng thể với sự có mặt của khoảng hai nghìn quan chức, bạn bè và bà con kiều bào tại khách sạn Lutecia.
Bà Nicole Trampoglieri là Chủ tịch chi hội hữu nghị Pháp-Việt (AAFV) của thành phố Choisy-le-Roi và tỉnh Val-de-Marne. Bà đại diện cho một thế hệ thanh niên Pháp yêu chuộng hòa bình, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Bà Nicole kể lại: "Khi Hiệp định được ký kết, chúng tôi đã rất vui mừng, nhưng chúng tôi cũng hiểu còn phải giúp đỡ Việt Nam rất nhiều vì đất nước này còn phải vượt qua nhiều thử thách. Do đó, chúng tôi đã kết nghĩa với quận Ðống Ða, Thủ đô Hà Nội, nơi đã phải hứng chịu những trận bom rải thảm của B52 Mỹ năm 1972, giúp họ xây dựng lại trường học và hỗ trợ những trang thiết bị cần thiết".
Ngày 26/1, bà Cora Weiss, nhà hoạt động vì hòa bình người Mỹ nổi tiếng từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đánh giá Hiệp định Paris là một quá trình đàm phán cam go và kéo dài, song có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bà Cora Weiss cho rằng, với Chính phủ Mỹ khi đó, Hiệp định Paris đã giúp họ tìm được lối thoát khỏi một cuộc chiến phi pháp và phi nghĩa kéo dài suốt 10 năm. Và điều quan trọng nữa là hiệp định mở đường cho việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Theo bà Cora Weiss, vào thời điểm đàm phán Hiệp định Paris, phong trào phản chiến tại Mỹ dâng cao chưa từng thấy, có lẽ chưa từng diễn ra như thế trong bất kỳ cuộc chiến nào. Từ năm 1969, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình ở thủ đô Washington D.C. Số lượng người tham gia các phong trào phản chiến sau đó không ngừng tăng lên và các cuộc biểu tình phản đối sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam tiếp tục lan ra nhiều thành phố khác, trong đó có New York.
Ông Peter Weiss, chồng bà Cora và cũng là một nhà hoạt động nổi tiếng trong phong trào phản chiến thời Chiến tranh Việt Nam, cho rằng việc ký Hiệp định Paris là kết quả không thể khác đối với Chính phủ Mỹ lúc ấy. Bởi lẽ, cuộc chiến tranh vừa gây tổn hại cho nước Mỹ trên phương diện chính trị, vừa làm thiệt hại nước Mỹ trên phương diện kinh tế. Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris đối với tất cả các bên liên quan.
Nửa thế kỷ đã trôi qua, những câu chuyện về Hiệp định Paris của một số ít nhân chứng còn lại giúp các bạn trẻ biết đến một trang sử hào hùng của các thế hệ cha ông đi trước, những người góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng, lập lại hòa bình cho dân tộc Việt Nam, đồng thời đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị Pháp-Việt, luôn được củng cố và xây dựng trong suốt nửa thế kỷ qua.