Theo sách "Tây Hán chí" thì Hàn Tín sống vào thời nhà Hán ở Trung Quốc thời cổ đại. Ông là một danh tướng bách chiến bách thắng, thiên hạ vô địch. Vào thời Hán - Sở tranh hùng, ông được xếp là một trong "tam kiệt của nhà Hán". Ông có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập ra nhà Hán kéo dài 400 năm. Sau đó, ông lại bị chính Lưu Bang giết vì gièm pha.
Cha mẹ mất sớm nên ông phải sống côi cút từ bé. Khi mẹ mất, vì muốn xây cất cho mẹ ngôi mộ ở nơi đẹp đẽ trên núi cao mà ông đã bán cả nhà cửa, xách kiếm đi lang thang ngoài chợ. Thấy Hàn Tín gầy gò yếu đuối nhưng lại vác kiếm trông như võ tướng, có gã bán thịt lợn "nhìn thấy bực" nên đã làm nhục bằng việc bắt Hàn Tín một là dùng kiếm đánh nhau với gã, hai là luồn qua háng y. Mọi người thấy Hàn Tín bị làm nhục đều chê cười. Có hôm không câu được cá, Hàn Tín không có gì ăn, thường đi xin cơm của bà lão giặt lụa và hứa hẹn sau này làm nên sự nghiệp sẽ trả ơn ngàn vàng. Bà lão giặt lụa trách:
- Cậu là thanh niên trai tráng mà không lo nổi miếng ăn thì làm sao làm nên sự nghiệp, tôi giúp cậu chỉ vì thấy tội chứ có mong cậu báo đáp làm chi.
Mọi người thấy thế đều cho ông là người thấp kém, hèn hạ. Đến năm 209 trước công nguyên, Trần Thắng khởi nghĩa chống lại nhà Tần, Hàn Tín đã ra bờ sông Vị Thủy cầm kiếm xin tham gia nghĩa quân. Ông đã được Hạng Lương là thế tộc nước Sở cho gia nhập nghĩa quân. Tuy nhiên, Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ luôn xem thường Hàn Tín vì thân phận thấp hèn, rồi chỉ cho làm quân cầm kích đứng hầu. Nhiều lần ông bày mưu cho Hạng Vũ, nhưng Hạng Vũ không dùng.
Nhà Tần sụp đổ, Hạng Vũ đứng đầu chư hầu, phân phong cho các tướng và vua chư hầu. Lưu Bang bị Hạng Vũ tranh công vào Quan Trung, rồi bị đẩy vào đất Thục xa xôi hiểm trở, phong làm Hán vương. Khi Hán vương lên đường vào đất Thục, Hàn Tín bất mãn vì vẫn không được trọng dụng, bèn bỏ Sở theo về Hán dưới sự tiến cử của Trương Lương. Nhưng ông cũng không được Hán vương coi trọng, bản thân không có tiếng tăm gì, chỉ được làm chức quan coi kho.
Khi Hàn Tín phạm tội bị xử chém và cả bọn mười ba người đều đã chém hết. Khi đến lượt mình, ông ngẩng đầu lên nhìn, chợt thấy Hạ Hầu Anh là thân cận của Lưu Bang, liền nói:
- Nhà vua không muốn lấy thiên hạ hay sao? Tại sao chém tráng sĩ?
Hạ Hầu Anh thấy lời nói kỳ lạ, dung mạo hiên ngang nên tha mà không chém. Hạ Hầu Anh bèn nói chuyện với Hàn Tín và rất hài lòng. Sau đó, Hạ Hầu Anh tâu với Lưu Bang. Lưu Bang cho ông làm độ úy, trông coi lương thực. Hàn Tín thường nói chuyện với tướng quốc của Lưu Bang là Tiêu Hà. Tiêu Hà rất phục tài ông và hứa tiến cử với Hán vương.
Đường từ Hàm Dương vào Thục xa xôi, hiểm trở, Lưu Bang cùng các tướng di chuyển trong thời gian khá lâu. Khi Hán vương đến đất Nam Trịnh, trên đường đi, các tướng thấy cõi Thục độc địa liền bỏ trốn đến mấy chục người. Hàn Tín xem chừng Tiêu Hà và Hạ Hầu Anh đã mấy lần tâu với Lưu Bang nhưng Lưu Bang không dùng mình, nên cũng bỏ trốn. Tiêu Hà nghe tin Hàn Tín bỏ trốn liền thân hành theo tìm, không kịp báo cho Hán vương biết.
Lưu Bang coi Tiêu Hà như cánh tay phải, lúc đó đứng ngồi không yên. Mãi hai hôm sau Tiêu Hà mới về, giãi bày hết với Hán vương và ra sức tiến cử Hàn Tín:
- Các tướng đều dễ kiếm thôi, còn như Hàn Tín là kẻ quốc sĩ, có một không hai. Nhà vua nếu cứ muốn làm vương mãi ở Hán Trung, thì chẳng cần Hàn Tín làm gì. Còn nếu bệ hạ muốn tranh lấy thiên hạ thì ngoài Hàn Tín ra chẳng có thể bàn công việc ấy với ai.
Mặc dù Lưu Bang chưa thật sự tin nhưng vì sự khẩn khoản của Tiêu Hà mà phong cho Hàn Tín làm đại tướng. Khi Hán vương làm trai giới, lập đàn để phong tướng cho ông, cả ba quân đều kinh ngạc, không ai nghĩ rằng người như Hàn Tín lại được lên làm đại tướng. Hàn Tín lên đàn nhận phong xong, bèn phân tích cho Hán vương về những thế mạnh, yếu của Hạng Vũ và phương sách đánh bại Sở. Hán vương bắt đầu nhận ra tài năng của ông. Về sau, Lưu Bang mới biết Hàn Tín là người được Trương Lương tiến cử nên càng xem trọng.
Lời bàn:
Hàn Tín là một danh tướng bách chiến bách thắng. Không có ông quân Hán không thể thắng được quân Sở hùng mạnh ngày ấy. Tên tuổi của ông gắn liền với những trận đánh nổi tiếng, được hậu thế nhắc đến như những điển hình về nghệ thuật quân sự như trận thế "bối thủy" phá Triệu, ngăn nước sông Tuy Thủy giết danh tướng Sở là Long Thư. Ông theo Sở thì Sở thắng, theo Hán thì Hán thắng. Vì vậy, người đời nay vẫn luôn nhìn nhận ông không những là một trong các đại tướng cầm quân xuất sắc nhất trong lịch sử phong kiến của Trung Quốc, mà còn là người trung hậu, đạo đức, nhân từ.
Tuy nhiên, vào thời kỳ phong kiến thịnh trị thì một đất không thể có hai vua. Hơn nữa, khi thỏ rừng đã hết thì chó săn sẽ bị nấu, chim quý hết thì cung tốt cũng bị chẻ làm củi là quy luật của các triều đại phong kiến ngày xưa. Tiếc rằng, một tướng cầm quân tài giỏi như Hàn Tín mà không hiểu được cái quy luật đơn giản của thời ấy. Vì vậy cho nên hậu thế không mấy ai lại không cảm thông, thương xót cho một viên tướng tài năng, trung thành nhưng bị đối xử quá bạc bẽo và phải chết oan khuất.