Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Bác Hồ là nhà trí thức lớn của dân tộc. Kể chuyện về Bác Hồ không chỉ là truyền bá tri thức và hiểu biết của mình về Bác, mà phải làm sao tự bản thân trong trái tim mình cũng phải có xúc cảm, những gì từ trái tim mới dễ đi đến trái tim.
|
GS.TS Hoàng Chí Bảo được xưởng phim Quân đội làm phim tài liệu: “Chân dung người kể chuyện Bác Hồ”. |
Bước ngoặt cuộc đời
Kể về cơ duyên trở thành người nghiên cứu và “kể chuyện Bác Hồ”, GS.TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ, ông vốn là một giáo viên dạy Văn của trường phổ thông. Trong quá trình giảng dạy, ông đã có điều kiện nghiên cứu về tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Người.
|
Ngày 9/9/1969, Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh: Tư liệu. |
Năm 1969, khi hòa trong dòng người tại lễ truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trong ông trào lên niềm xúc động. Sự kiện này đã gây một bước ngoặt với cuộc đời ông.
Nghe những lời điếu văn về Bác rồi sau đó, được đọc bản Di chúc của Người (khi bản Di chúc được công bố), ông đã có một tâm nguyện rằng sẽ nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh để có thể tìm thấy trong di sản của Người một bài học, một lẽ sống về nhân sinh.
Rồi khi tìm hiểu những câu chuyện về cuộc đời, đức tính sáng ngời, tấm gương cao thượng, sự hy sinh vì dân vì nước của Bác Hồ… trong ông lại có một khát khao, muốn chuyển tải những câu chuyện ý nghĩa ấy đến với mọi người.
Chỉ dẫn quý báu của Người về trí thức
GS.TS Hoàng Chí Bảo cho hay, Bác Hồ không chỉ là nhà tư tưởng kiệt xuất của Đảng, thiên tài về tư tưởng của Đảng ta, Bác còn được thế giới tôn vinh là danh nhân văn hóa kiệt xuất - điều này cho thấy bản thân Bác cũng là nhà trí thức lớn của dân tộc. Cuộc đời của Bác, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác thể hiện những chỉ dẫn rất quý báu của Người về trí thức.
Trong quan niệm của Bác, trí thức là rất đa dạng, có cả nhà khoa học, nhà giáo, nghệ sĩ, các nhà văn hóa và cả các nhà báo. Họ trước hết là những người có học thức cao và có trí tuệ, có đạo đức và có văn hóa ứng xử tinh tế. Nói đến trí thức là nói đến gương mặt, tinh thần của cả một xã hội.
Trí thức cũng phải là những người có những hoài bão lớn, những ý chí lớn và có một lối sống cao quý, cao thượng - tức là sống vì dân, vì nước, đem tài năng, kiến thức, hiểu biết của mình để phục vụ cho đất nước, cho Nhân dân.
Đấu tranh cho cái thiện và phê phán, loại bỏ cái ác ra khỏi đời sống chính là sứ mệnh của người trí thức, từ người cầm bút, nghiên cứu khoa học đến người sáng tạo, biểu diễn, từ nhà báo cho đến những nhà giáo đứng trên bục giảng...
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I Hội Phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam (tiền thân của VUSTA) ngày 18/5/1963. Ảnh: Tư liệu. |
Đặc biệt, khi nói về trí thức, Bác Hồ luôn luôn nhấn mạnh phẩm chất gương mẫu: Người trí thức phải có nhân cách, có cốt cách, có lối sống văn hóa để làm gương cho những người khác.
Quan niệm của Bác về trí thức rất toàn diện, cả trí tuệ, cả đạo đức, cả văn hóa và quan trọng nhất là động cơ vì nước, vì dân, tham gia vào sự nghiệp giải phóng dân tộc để xây dựng đất nước, phát triển dân tộc để thực hiện cho được 3 giá trị cốt lõi: Độc lập, tự do và hạnh phúc. Đó chính là lẽ sống của cả đời Bác và cũng chính là lẽ sống của giới trí thức Việt Nam, trí thức cách mạng, trí thức chân chính dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời đại Hồ Chí Minh.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt tháng 3/1964. Ảnh tư liệu. |
30 năm đi tìm đường cứu nước và là người tiếp thu được cả hai nền văn hóa Đông - Tây, Bác Hồ rất chú trọng đến vấn đề phát huy, trọng dụng tinh hoa trí thức. Bác thường nói: "Trí thức là nhân tài của đất nước" mà kháng chiến kiến quốc cần rất nhiều nhân tài. Trí thức và nhân tài thì không bao giờ là đủ cả, nhưng nếu khéo dùng thì nhân tài sẽ phát triển thêm, vì nhân tài, trí thức không ở đâu khác, chính ở trong lòng quần chúng nhân dân mà ra.
"Bác nhấn mạnh vấn đề là Đảng lãnh đạo trí thức trước hết phải xuất phát từ việc hiểu trí thức, hiểu con người trí thức, hiểu nghề nghiệp của họ và Đảng phải tạo mọi điều kiện để trí thức có điều kiện, có môi trường để cống hiến. Muốn thế, Đảng phải tôn trọng trí thức, đối xử với trí thức một các chân thành, trọng thị, khiêm tốn để làm cho họ cảm thấy có niềm tin, chỗ dựa để phát huy hết khả năng của mình; chứ không áp đặt hành chính trong lãnh đạo trí thức", GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.
Kể chuyện Bác từ xúc cảm trái tim
GS.TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ, mỗi lần kể chuyện hay viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải có xúc cảm từ trái tim. Cả cuộc đời Bác đã dành trọn cho đất nước, Nhân dân, để truyền tư tưởng của Bác đến với mọi người, phải cố gắng thấu hiểu và thấu cảm để hiểu được Bác đầy đủ nhất trong khả năng có thể, rồi truyền cảm hứng đó đến cho mọi người.
|
GS.TS Hoàng Chí Bảo trong phòng làm việc. Ảnh: HQVN. |
Việc nghiên cứu, truyền bá tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng đã tạo cho GS.TS Hoàng Chí Bảo một động lực tinh thần to lớn để thực hiện được những lời Bác dạy. “Vì khi đã nói chuyện về Bác Hồ thì không thể là người có đạo đức kém. Tôi đã luôn đặt việc tu dưỡng đạo đức lên hàng đầu, cùng với việc trau dồi tri thức, khoa học, kiến thức, vốn sống”, GS.TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ.
Bao năm qua, những câu chuyện của GS.TS Hoàng Chí Bảo làm lay động hàng triệu trái tim, ở mọi lứa tuổi, tầng lớp ở khắp mọi miền Tổ quốc, từ nơi thành thị tới miền hải đảo xa xôi, rồi vùng núi hiểm trở.
Bằng tất cả tình yêu, sự tôn kính với vị cha già dân tộc, cách kể chuyện cuốn hút, hấp dẫn, GS.TS Hoàng Chí Bảo đã khơi gợi cho người nghe những hình dung thật sống động về chân dung và con người của Bác qua những câu chuyện gần gũi, giản dị, chân thực.
Nhiều giọt nước mắt đã rơi, nhiều cảm xúc được lan tỏa, nhiều khát khao sống đẹp được nhân lên… từ những câu chuyện về Bác. Đó là niềm hạnh phúc, món quà vô giá với “người kể chuyện Bác Hồ” Hoàng Chí Bảo.
Dù giờ tuổi cao sức yếu, nhưng GS.TS Hoàng Chí Bảo vẫn tiếp tục thực hiện tâm nguyện của mình năm xưa. Bác Hồ đã đi xa nhưng hình ảnh Bác vẫn được lưu truyền mãi qua những trang sách, qua những câu chuyện kể của GS.TS Hoàng Chí Bảo.
GS.TS Hoàng Chí Bảo sinh năm 1944. Ông là chuyên gia cao cấp, nguyên là Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông từng giữ chức Viện trưởng Viện Nghiên cứu danh nhân (thuộc Trung ương Hội Nhân lực, nhân tài Việt Nam), là Giám đốc Trung tâm Hồ Chí Minh học (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).
Với những đóng góp của mình, GS.TS Bảo được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Ba và nhiều giải thưởng về sách hay Việt Nam, giải thưởng Báo chí quốc gia, giải Nhất Cuộc thi viết “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới” lần thứ 2 năm 2022…
Ông được mệnh danh là "Người kể chuyện Bác Hồ” hay "Pho sử sống về Bác Hồ".
Mời quý độc giả xem video: "Toàn văn: Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập". Nguồn: VTV24.