Tháng 11/2019, trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng - khi ấy đang giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, GS.TS Trần Hồng Quân chia sẻ, ông luôn trăn trở với nền giáo dục nước nhà.
Nhìn lại những dấu mốc của cuộc đời ông và những gì ông đã làm, có thể thấy ông đã dành gần trọn đời mình với ngọn lửa nhiệt huyết dành cho giáo dục.
|
GS.TS Trần Hồng Quân tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2020. Ảnh: Mai Loan. |
Người “cởi trói” cho giáo dục đại học
Trước khi giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.TS Trần Hồng Quân đã giảng dạy tại Đại học Bách khoa TPHCM, làm Trưởng Khoa Cơ khí, rồi Hiệu trưởng nhà trường.
Năm 1982, ông làm Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. Đến năm 1987 ông đảm nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Đại học Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Giai đoạn từ năm 1990-1997, ông giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
GS.TS Trần Hồng Quân được biết đến là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tiên của thời kỳ đổi mới, cải cách. Nét nổi bật của ông khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, theo đánh giá của nhiều cộng sự, đó là tầm tư duy chiến lược đặc biệt nhạy bén, quyết đoán và sâu sắc. Đặc biệt, ông là người đã cùng với nhiều chuyên gia giỏi thực hiện công cuộc “cởi trói” giáo dục đại học.
Từng là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, có điều kiện tiếp xúc và nghiên cứu các nền giáo dục đại học của nhiều nước, nhiều nhà khoa học, nhà giáo dục tiến bộ, GS.TS Trần Hồng Quân đã sớm có tư duy và ý tưởng mới cho giáo dục đại học.
Ở vai trò người đứng đầu ngành giáo dục, từ những năm 80, GS.TS Trần Hồng Quân đã thực hiện nhiều tiền đề đổi mới, trong đó, đào tạo đại học không chỉ dựa vào ngân sách nhà nước; người tốt nghiệp đại học phải tự tìm việc làm, không chỉ làm việc theo phân công của Nhà nước.
Nhiều tư tưởng cải cách giáo dục đại học hôm nay đã bắt đầu từ những chính sách thời GS Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng.
Năm 1987, ông mạnh dạn đề xuất với Chính phủ cho mở mô hình đại học ngoài công lập với ngôi trường thí điểm đầu tiên là Đại học dân lập Thăng Long. Sau 6 năm thí điểm thành công, Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép thành lập các trường ngoài công lập khác.
Như vậy, ông đã giữ vai trò là một trong những người khai mở, ủng hộ mô hình trường ngoài công lập, có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển đúng quy luật, cạnh tranh bình đẳng giữa hệ thống trường ngoài công lập và công lập sau này.
Ở cương vị Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập Việt Nam, rồi Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ông đã tiếp tục có nhiều đóng góp cho giáo dục, đặc biệt là tự chủ đại học.
Quan điểm của ông, tự chủ là phải trao toàn quyền cho các trường được hoạt động theo luật pháp, do vậy không cần có cơ quan chủ quản nữa vì không cần và rất không nên duy trì cơ chế "xin cho".
Cái gì luật không cấm thì trường được làm. Các cơ quan quản lý theo chức năng cần dựa vào luật mà giám sát, kiểm tra, nếu làm sai, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì thực hiện chế tài.
Theo ông, thực hiện một cách phổ biến tự chủ đại học là một chủ trương sẽ có tác động sâu rộng, tạo sinh khí mới cho nền đại học. Nếu việc tự chủ hóa đại học đi cùng với việc hợp nhất hệ thống đại học và khoa học thì ta có hy vọng lớn tạo được tốc độ mạnh mẽ phát triển đất nước.
Giáo dục phổ thông phải là nền tảng
Với giáo dục phổ thông, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Hồng Quân cũng có nhiều trăn trở. Ông cho rằng, giáo dục phổ thông phải là nền tảng. Tuy nhiên, triết lý giáo dục phổ thông Việt Nam đang đi ngược với thế giới, cần định hướng lại.
Theo ông, những nước có nền giáo dục tốt như Mỹ, Canada, Phần Lan có cách dạy phổ thông khác Việt Nam. Học sinh Việt Nam có thể giỏi học thuật hơn họ, nhưng tư duy tự chủ, tự học, tự nghiên cứu thì thua.
Ở những nước đó, thay vì làm Toán giỏi, học sinh lại được tiếp cận cách làm các bài tiểu luận về những vấn đề mang tính thiết thực như chống phân biệt chủng tộc, tự hào tổ quốc. Cách họ đặt vấn đề là giúp cho học sinh biết cách tư duy logic chứ không phải là học nhiều kiến thức để làm bài tập cho giỏi.
Ông cho rằng, ngành giáo dục nước nhà cần xây dựng nền tảng tổng quát, mục tiêu chương trình rõ ràng cho bậc phổ thông.
Ông cũng là người đưa ra quan điểm về việc phân luồng học sinh, cần tập trung mạnh nhất vào cuối trung học cơ sở (cấp 2). Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phương án phân luồng cần phải đi liền với liên thông.
Để công tác phân luồng thực sự hiệu quả thì cần sự kết hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Đồng thời phải có sự tham gia của các bộ, ngành khác để đánh giá, dự báo được nhu cầu của thị trường đối với từng lĩnh vực. Từ đó, có sự điều chỉnh tốt tỷ lệ khi phân luồng ở từng thời kỳ.
Trong con mắt những cộng sự, GS.TS Trần Hồng Quân là người kiến tạo chính sách giáo dục, những tư tưởng của GS.TS Trần Hồng Quân rất tiến bộ, đi trước thời đại, có đóng góp to lớn trong những bước đổi mới của nền giáo dục nước nhà.
GS.TS Trần Hồng Quân đã từ trần lúc 13h02 ngày 25-8 tại Bệnh viện Quân y 175, hưởng thọ 87 tuổi. Quá trình cống hiến, ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhì, Huy hiệu 60 năm tuổi đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của ông Trần Hồng Quân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang ông Trần Hồng Quân với nghi thức lễ tang cấp cao.
Lễ viếng tổ chức vào hồi 11h ngày 27-8-2023 (tức ngày 12 tháng bảy năm Quý Mão) tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Lễ truy điệu tổ chức vào hồi 9h ngày 29-8-2023 (tức ngày 14 tháng bảy năm Quý Mão).
Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại Nghĩa trang thành phố (thành phố Thủ Đức, TP.HCM).
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) chia sẻ bên hành lang Quốc hội về niềm tự hào, hạnh phúc nhất khi là một cô giáo. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.