Truyền thuyết đáng sợ
Nổi lên nhờ các huyền thoại và truyện cổ tích ở khắp nơi trên thế giới, ma sói - hay còn được gọi là người sói luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ công chúng và là nguồn cảm hứng bất tận của các nhà làm phim.
Theo đó, ma sói được khắc họa qua hình ảnh một con người có khả năng biến hình trở thành sói xám hoặc một con sói mang dáng dấp con người.
Cả tập sách văn học dân gian của nhà văn Gervase ở Tilbury và các ghi chép của tác giả La Mã Petronius về người Hy Lạp cổ đều nói rằng trăng tròn ảnh hưởng phần lớn đến khả năng chuyển hóa này.
|
Ảnh minh họa. |
Truyền thuyết ma sói vốn là những con người bình thường cho đến khi bị vướng vào một lời nguyền khiếp đảm: Mỗi dịp trăng tròn, họ sẽ biến thành những con sói man rợ, phá phách dân làng.
Giống như phù thuỷ, những người sói bị săn đuổi vào thời trung cổ và bị buộc tội trong những vụ giết người không thể giải thích.
Một số người còn kể đến những “người sói” được bầy sói nuôi dưỡng và chăm sóc từ nhỏ, học cách sống của loài sói, cách săn mồi, tập quán ăn uống; do đó họ giống hệt những con sói hoang dã nhưng hoàn toàn vô hại với con người.
Trong khi ma sói thực thụ là những kẻ giết người hoàn toàn theo bản năng, không cần trải qua thời gian dài học hỏi.
Điều đặc biệt là ma sói không ăn thịt con người, chúng chỉ thích giết người như một niềm vui bệnh hoạn.
Những mô tả đầu tiên về người sói được tìm thấy từ xa xưa. Vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên, sử gia Hy Lạp Herodote trong tác phẩm "Histories" đã kể về Neuri - một tộc người sống ở ven bờ biển đen có phép thuật như phù thủy.
Theo ghi chép của vị sử gia, người Neuri có khả năng biến mình thành một con sói và chuyện kỳ bí này diễn ra trong vài ngày mỗi năm; sau đó họ sẽ trở lại hình dáng con người.
Trong khi đó theo cuốn “Thiên sử thi Biến hình” của Ovid, những người Arcadia có niềm tin rằng người có thể hóa sói. Tác giả thần thoại cổ kể về một vị khách đến thăm cung điện của vua Lycaon trong bộ dạng rách rưới của một kẻ ăn mày.
Nghi ngờ người đó là một vị thần bất tử, nhà vua bèn sát hại một đứa trẻ để làm đồ ăn mời khách. Việc làm độc ác dĩ nhiên không “che được mắt thánh”, vị thần nổi giận lôi đình và trừng phạt vua Lycaon bằng cách biến ông ta thành một con sói với bộ lông màu xám và cặp mắt hung dữ, man dại.
Phân tích sâu xa hơn, tên của Lycaon bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp “lykos”, có nghĩa là Sói.
Tuy nhiên, truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết, có thể làm người nghe cảm thấy ớn lạnh nhưng chưa chắc đã khiến họ tin tưởng bằng những sự kiện được xác thực trong lịch sử xoay quanh sự tồn tại của ma sói.
Giai đoạn đen tối của tạo vật bí ẩn này bắt đầu từ thế kỷ XVI, khi thế giới coi người sói như mối hiểm họa, những con quái vật giết người hàng loạt.
Các tòa án dị giáo đã kết tội xử tử nhiều người sói cùng phán quyết khẳng định họ có hành động của phù thủy, từ đó dẫn đến một phong trào săn lùng tiêu diệt phù thủy và người sói trong giai đoạn này.
Tính riêng ở Pháp, đã có khoảng 30.000 người sói bị hành quyết từ năm 1520 - 1610. Thẩm phán Henri Boguet được biết đến rộng rãi vì đã ra lệnh xử tử hơn 600 phù thủy, người sói vào lúc bấy giờ. Trong khi tổng số người sói bị đưa lên đoạn đầu đài ở châu Âu rơi vào khoảng 100.000 trường hợp.
Năm 1603, những vụ trẻ em mất tích liên tiếp xảy ra ở các quận nằm ở phía tây nam nước Pháp khiến nhiều người hoang mang khiếp sợ.
Nạn nhân ban đầu là những đứa trẻ sống trong làng, thôn xóm nhỏ; sau đó đến cả những đứa trẻ nằm trong nôi cũng biến mất một cách bí ẩn và không thể tìm thấy.
Sự thật dần hé mở khi có ba nhân chứng may mắn thoát nạn đứng ra vạch tội một con quái thú có hình hài gớm ghiếc giống chó sói, muốn xé xác các em bằng hàm răng sắc nhọn. Jean Grenier – thủ phạm gây ra các vụ án kinh hoàng kể trên ban đầu bị tuyên án hỏa thiêu vì chuyên hù dọa và giết hại các bé gái ở các cánh đồng trong “lốt” sói.
“Giải oan” cho ánh trăng tròn
Một số nhà nghiên cứu cho rằng ma sói thực chất là triệu chứng của một căn bệnh phối hợp giữa bệnh dại, bệnh rậm lông, chứng hoang tưởng ảo giác, tóc và răng có màu đỏ.
Có nhà khoa học gọi đó là bệnh mộng tưởng lâm sàng, trong đó một người bị tác động bởi một lòng tin hoang tưởng mà chính mình tự đặt ra, một tình trạng tương tự chứng loạn tinh thần.
Càng về sau, các nhà khoa học càng đưa ra được nhiều dẫn chứng xác đáng để đi tới kết luận hiện tượng ma sói được lưu truyền trong dân gian hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng.
Trong đó, những người mắc phải hội chứng lâm sàng lycanthropy, hay chứng hoang tưởng hóa sói sẽ có một niềm tin ảo tưởng rằng họ đang hoặc đã bị chuyển đổi thành một con vật, thường là chó sói.
Khi đó, họ sẽ cất tiếng hú, bắt đầu cào xé, cảm thấy lông bao phủ khắp cơ thể và móng tay, chân đang dài ra. Đây là một hội chứng tâm thần lâm sàng tương đối hiếm gặp và ngay từ cái tên đã gắn liền với huyền thoại “lycanthropy”, tức ma sói.
Một báo cáo cho thấy trong số 56 trường hợp hoang tưởng biến hình thành động vật được nghiên cứu, có 25% bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt, 23% được gán bị trầm cảm loạn thần kinh và khoảng 20% được cho là bị rối loạn lưỡng cực.
Ngoài ra theo các bác sĩ, còn một căn bệnh lạ liên quan tới gene có tên là Hypertrichosis (hay còn gọi là hội chứng Ambras, bệnh ma sói, hội chứng người sói).
Đây là một loại bệnh lý hiếm gặp nhất thế giới với xác suất 1/1.000.000 người chủ yếu ở Ấn Độ, Trung Quốc...
Bệnh phát triển bất thường khiến râu, tóc ở các khu vực trên cơ thể người giống như miêu tả về người sói. Bác sĩ cho rằng, dù có cạo lông, tẩy lông hay làm bất cứ điều gì thì lông vẫn mọc lại bình thường.
Căn bệnh này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của những người không may mắn mắc phải, khiến họ bị xa lánh, trêu chọc.
Nhìn nhận dưới góc độ khoa học, ánh trăng tròn cũng được “giải oan” khỏi lời kết tội có liên quan đến những... vụ tai nạn nhập viện, hành vi bất thường hoặc các truyền thuyết về ma sói. Nhiều người tin rằng đây là lúc mọi người nên chốt chặt cửa trong nhà để đảm bảo an toàn, tránh những tai ương bất thình lình từ trên trời rơi xuống.
Tuy nhiên, năm 1996, các nhà nghiên cứu Mỹ đã lật lại sổ lưu hơn 150.000 cuộc thăm khám bệnh tại khoa Cấp cứu của một bệnh viện ở vùng ngoại ô.
Họ không phát hiện bất kỳ sự khác biệt nào giữa các đêm trăng tròn với những đêm khác của tháng.
Một số cuộc nghiên cứu khác đã thử mối liên quan giữa con người và mặt trăng nhưng họ đều thất bại trong việc khám phá ra việc trăng tròn tác động tới việc nhập viện cấp cứu vì tâm thần, động kinh hay phẫu thuật.
Các nghiên cứu khác về động vật cũng đem lại kết quả tương tự. Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Y học Anh tháng 12/2000, một phòng cấp cứu của Anh đã ghi nhận số ca bị động vật cắn trong hoặc quanh các đêm trăng tròn tăng vọt so với ngày thường.
Tuy nhiên, kết quả của một nghiên cứu chủ yếu ở Australia và cũng được đăng tải trên tạp chí Y học Anh tháng 12/2000 lại không phát hiện bất kỳ mối liên hệ nào. Giới khoa học kết luận một cách khôi hài rằng, có lẽ ma sói ở London đã không thể tìm đường tới Sydney?!