Nam Giao - nơi thờ Trời của nước Việt xưa
Toàn cảnh "Nam Giao Điện Bi Kí".
Ở phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ngày nay, bia Nam Giao nằm ở vị trí khá nổi bật. Bia Nam Giao, hay tên đầy đủ là Nam Giao Điện Bi Kí, được dựng lên để kỷ niệm sự kiện trùng tu điện Nam Giao vào năm 1679 thời vua Lê Hy Tông.
Bia Nam Giao được công nhận là bảo vật quốc gia theo Quyết định 2382/QĐ-TTg ngày 25/12/2015.
Bia hình chữ nhật, trán cong hình bán nguyệt, đặt trên bệ hình khối hộp chữ nhật ba cấp. Diềm trán bia chạm khắc đề tài lưỡng long chầu nguyệt và mây. Diềm xung quanh bia chạm rồng, phượng, mây, hoa mẫu đơn, cúc, băng lá đề kép và vân mây hình khánh. Bệ chân đế bia chạm khắc nổi long mã và hoa lá.
Mặt trước của bia khắc bài minh văn bằng chữ Hán với nội dung ghi lại quá trình trùng tu điện Nam Giao và ca tụng công đức của vua Lê – chúa Trịnh.
Nam Giao, Viên Khâu hay Chiêu Sự là những tên gọi khác nhau của công trình được các triều đại quân chủ Việt Nam xây dựng với mục đích tế Trời.
Nam nghĩa là phía nam, theo quan niệm Đông Á thì phía nam là hướng ánh sáng, nơi nhận được hơi ấm và ánh sáng của Trời, ngược với hướng bắc tăm tối. Đồng thời với người Việt thì Nam còn có ý nghĩa chỉ "nước Nam".
Giao ở đây có nghĩa là khu vực ngoại vi xung quanh Kinh Thành, đồng thời cũng có ý chỉ lễ tế Trời cấp quốc gia, thường được tiến hành ở phía rìa nam của Kinh Thành.
Như vậy, có thể hiểu rằngNam Giao là nơi vua quan và thần dân cả nước hướng về phía Nam - nơi có ánh sáng của Trời, để gặp gỡ và giao hòa với Trời, dâng lễ vật để tỏ lòng hiếu kính, dâng sớ để trình tấu việc nước và cầu Trời ban phù hộ quốc gia.
"Chứng nhân" cuối cùng
Bản dập hoa văn đế bia (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Trong suốt lịch sử định đô lâu dài của Thăng Long – Hà Nội, đàn Nam Giao luôn là một trong những thành phần cấu thành cơ bản của quần thể kiến trúc trong Kinh Thành, bên cạnh các cung điện, phủ đệ và phố chợ.
Dưới thời Lý, đàn tế trời được dựng ở phường An Thọ, huyện Thọ Xương, kinh đô Thăng Long. Thời gian này, đàn còn được gọi là đàn Hoàn Khâu hoặc Viên Khâu. Đây là đàn được lập ngay sau khi triều nhà Lý lập kinh đô ở Thăng Long.
Trong thời Nam Bắc Triều, khi triều đình Lê Trung Hưng đứng chân ở Thanh Hóa, đàn Nam Giao được xây dựng ở Vạn Lại, huyện Thụy Nguyên (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa).
Cận cảnh đế bia (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)
Đời vua Lê Thế Tông, sau khi đánh bại nhà Mạc, triều đình Lê Trung Hưng trở lại kinh đô Thăng Long. Theo ghi chép trên văn bia, tháng 9 năm 1663, triều đình cho sửa lại điện Chiêu Sự và khôi phục hoàn chỉnh các nghi lễ tế Nam Giao. Điện Chiêu Sự lúc này nằm ở vị trí gần con đường đi về phía nam Kinh Thành qua cửa ô Thịnh An - tên dân gian là ô Cầu Dền.
Đến cuối thời Lê Trung Hưng, khi chúa Trịnh suy tàn, vua Lê Chiêu Thống đã cho đốt phủ chúa Trịnh khiến đám cháy lan ra khắp Thăng Long, hủy hoại nhiều công trình kiến trúc lớn và đàn Nam Giao cũng dần trở nên hoang phế.
Năm 1802, khi vua Gia Long lên ngôi, triều Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (Huế) và cho đắp đàn tế ở làng An Ninh vào năm 1803, đến năm 1806 thì khởi công xây đàn mới ở phía Nam kinh thành Huế (Thừa Thiên - Huế ngày nay). Lúc này, Thăng Long mất vai trò là kinh đô, bị giáng cấp thành trấn thành rồi tỉnh thành. Từ đó, đàn Nam Giao ở Thăng Long không còn tổ chức lễ tế nữa.
Bản đồ Hà Nội năm 1873 (Thư viện Quốc gia). Địa điểm "điện Nam Giao nhà Lê" được đánh số thứ tự 17.
Năm 1804, nhà Nguyễn cho dỡ gạch ngói của điện Chiêu Sự để xây thành Hà Nội. Tại đây, chỉ còn sót lại nhà bia và tấm bia đá. Năm 1947, tấm bia được Viện Viễn đông Bác cổ chuyển về đặt tại sân vườn Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia).
Như vậy, dấu tích cuối cùng ở đàn Nam Giao – điện Chiêu Sự của Thăng Long cũ đã được mang đi khỏi nơi ban đầu, bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đến ngày nay. Trên đất cũ làng Thể Giao – cái tên gắn liền với công trình đàn Nam Giao xưa, ngày nay chính là ở quãng một trung tâm thương mại tại khu Bà Triệu, Đoàn Trần Nghiệp sầm uất của thủ đô Hà Nội.