Mỗi năm, gần đến ngày rằm tháng 7, thị trường vàng mã lại nhộn nhịp. Không ít thì nhiều, hầu như các nhà đều cố gắng sắm sửa tiền, vàng mã để đốt, gửi xuống “cõi âm” với quan niệm “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu “người âm” có nhận được tất cả tiền, vật chất mà trần gian gửi xuống hay không, là điều mà ngay cả người đốt vàng mã cũng không dám chắc.
|
Người dân Hà Nội đốt vàng mã ngay dưới lòng đường. |
Đốt vàng mã gây tốn kém tiền bạc, vô ích với thế giới tâm linh
Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, TS Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA) cho hay, trong dân gian có truyền thuyết cho rằng đốt mã cho “người âm" thì phải trước ngày 15/7 âm lịch, sau ngày đó người âm không nhận được.
Truyền thuyết này mô tả trong thế giới cõi âm có một dòng sông chở hàng mã của người trần gửi cho người âm, đó là dòng sông Chở Mã. Sau 15/7 "thuyền chở mã" đã rời bến, nên đốt mã sau ngày đó sẽ không còn giá trị nữa.
“Nhưng đó là truyền thuyết, chứ hiện tượng "dòng sông chở mã" này có đúng hay sai thì hoàn toàn chẳng có gì làm bằng chứng . Việc bày đặt ra sự tích “dòng sông chở mã” là chỉ nhằm tăng cường sự huyền bí của tục lệ đốt vàng mã mà thôi”, TS Vũ Thế Khanh cho hay.
Theo TS Vũ Thế Khanh, nhiều ghi chép lại cho rằng, tục đốt vàng mã xuất phát từ thời Trung Hoa cổ đại. Khi có người chết, gia đình của họ sẽ chôn đồ vật theo người quá cố, nhất là những đồ vật mà khi còn sống, người đó đã luôn gắn bó.
Sau này, đến đời Nhà Đường (bắt đầu từ năm 618), Vương Dũ liền chế ra đồ giả bằng giấy (vàng bạc, quần áo, tiền nong, ngựa xe...) để cúng rồi đốt đi thay thế cho đồ dùng thật. Từ đó, nghề làm đồ mã trở nên thịnh hành. Ở nước ta, do bị đô hộ hàng nghìn năm Bắc thuộc, nên cũng bị ảnh hưởng tục lệ này của văn hóa Trung Hoa cổ đại.
Tuy nhiên, trong các ca khảo nghiệm về tâm linh cho thấy, khi gia đình cúng vàng mã thì “người âm” 'nhận được' mà không dùng được, bởi 2 hệ quy chiếu khác nhau, hai môi trường khác nhau thì "không thể dùng chung một loại phương tiện".
Nói một cách hình tượng là "thống đốc ngân hàng" của thế giới tâm linh không thể chấp nhận những “đồng tiền” do các cõi khác phát hành một cách tùy tiện. Ở đây khái niệm “nhận được" của thế giới siêu hình chỉ là cảm ứng về mặt tư tưởng mà thôi. Đạo Phật tin vào nhân quả, do vậy không tin vào chuyện đốt vàng mã.
“Trên tinh thần khoa học, việc đốt vàng mã không có ích lợi gì cho thế giới tâm linh, lại vừa tốn kém về tiền bạc (dùng tiền thật mua đồ giả), vừa làm ô nhiễm môi trường, vừa suy thoái về mặt tâm linh”, TS Vũ Thế Khanh khẳng định.
Thay vì cúng vàng mã, theo TS Vũ Thế Khanh, con cháu nên làm việc thiện, hồi hướng công đức cho ông bà, tổ tiên. Có một giá trị duy nhất mà âm dương đều “tiêu” chung được, đó chính là nhân quả. Khi con cháu làm việc thiện, thì phần âm cũng nhận phần thiện, và ngược lại, chứ không phải là đốt nhiều vàng mã, ngựa xe… mới là “báo hiếu”.
Đốt vàng mã không có trong Phật giáo
TS Bùi Hữu Dược, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ cho hay, đốt vàng mã không có trong Phật giáo. Nhiều tài liệu cho biết, tục đốt vàng mã bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo đó, người Trung Quốc xưa khi chết được chôn theo tài sản, vật dụng lúc sống hay dùng, thậm chí còn chôn theo tì thiếp. Nhưng về sau, trong quá trình phát triển, người ta nhận thấy đó là việc làm tốn kém, phi nhân tính nên đã nghĩ tới việc dùng người giả, phương tiện giả… gọi là đồ mã, theo tinh thần trần sao âm vậy.
Nhìn từ góc độ tích cực, đốt vàng mã nếu dừng lại ở mức độ tượng trưng, thì nó thể hiện lòng thành của con cháu dâng lên tổ tiên và những người đã mất sự tri ân. Đây là sợi dây liên hệ, thể hiện rằng con cháu vẫn nhớ tới ông bà.
Nhưng khi đã lạm dụng vàng mã thái quá thì đưa con người vào mê tín. Ngoài ra, còn là sự lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguyên liệu dùng để đốt vàng mã có thể dùng để sản xuất giấy, nhiều vật dụng hữu ích.
Từ bảy trăm năm trước, Đức vua, Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi cho con về Yên Tử tu hành đạo Phật, đắc đạo đã xuống núi, chống gậy trúc đi khắp nơi khuyên dân dẹp bỏ mê tín dị đoan, bỏ tục đốt vàng mã, biết sống theo luật nhân quả, biết kính trọng ông bà cha mẹ và mọi người lúc còn sống, đó mới là hiếu hạnh.
“Chứ còn tiền giả thì làm sao mà tiêu được? Hãy biết sống theo nhân quả. Không cần hiểu quá sâu, quá xa mà chỉ cần hiểu đơn giản: Làm người sống có đức thì được hưởng phúc”, ông Dược nói.