Tuy nhiên điểm đáng nói nằm ở chỗ, Kinh Châu trên danh nghĩa lại là thứ mà Tôn Quyền cho Lưu Bị "mượn" sau trận Xích Bích. Nếu không có được vùng đất ấy, Lưu Bị hẳn cũng không có cửa trụ lại trong Tam Quốc.
Liệu rằng vì sao Tôn Quyền lại phải làm một việc bị cho là "lỗ vốn" như vậy?
Về việc Lưu Bị đề xuất "mượn Kinh Châu"
Thực tế là sau chiến thắng tại Xích Bích trước quân Tào Tháo, cả Tôn Quyền và Lưu Bị đều ra sức tranh đất Kinh Châu.
Ban đầu, Tôn Quyền có trong tay Giang Lăng và huyện phụ cận. Lưu Bị chiếm 4 quận phía nam.
Tuy nhiên 4 quận này chỉ giúp Lưu Bị giải quyết được vấn đề nhân lực và kinh tế chứ không đóng vai trò chiến lược trong việc thi hành "Long Trung đối sách".
Do đó, Lưu Bị và Gia Cát Lượng mới phải tính tới việc tiếp cận địa bàn các quận phía Bắc của Kinh Châu.
Tới năm 209, Lưu Bị tự lập làm Thứ sử Kinh Châu và thương lượng với Tôn Quyền về việc mượn huyện Giang Lăng thuộc Nam quận.
Và phải tới sau khi Chu Du qua đời, tức là vào năm 210, việc thương thảo này mới được hoàn thành. Nhờ đó mà Thục Hán cũng có bàn đạp để tiếp cận với Trung Nguyên.
Vì Giang Lăng là thủ huyện của Nam quận, trị sở Kinh Châu thuộc Ngô, cho nên việc Tôn Quyền cho Lưu Bị "mượn Giang Lăng" vẫn được gọi là "mượn Kinh Châu".
Những nguyên nhân khiến Tôn Quyền đồng ý cho Lưu Bị mượn Kinh Châu
Nguyên nhân thứ nhất: Đông Ngô không thể đơn độc kháng Tào
Đầu tiên, Tôn Quyền là người hiểu rõ hơn ai hết việc Đông Ngô không có cách nào một mình đơn độc đối kháng với Tào Tháo.
Bấy giờ, quân Tào dù thảm bại trong trận Xích Bích,nhưng nếu tính về lãnh thổ, Tào Tháo vẫn chiếm cứ tới sáu, bảy phần mười diện tích Trung Hoa.
Do đó nếu không cho Lưu Bị mượn Kinh Châu, Đông Ngô sẽ chỉ còn cách một mình đối đầu tới Tào Ngụy. Đối với việc này, Tôn Quyền không thể nắm chắc phần thắng.
Hơn nữa bấy giờ, Lưu Bị vừa có trong tay nhiều võ tướng cường hãn, lại vừa nhận được sự ủng hộ của người kế thừa Kinh Châu danh chính ngôn thuận là Lưu Kỳ - con trai của Lưu Biểu.
Vì vậy Tôn Quyền nếu như muốn thu về toàn bộ Kinh Châu, hẳn là vẫn phải quyết chiến 1 trận cùng Lưu Bị.
Trận đánh này dù thắng thì phân nửa cũng chỉ là "thảm thắng". Sau đó bất luận là tiếp quản một Kinh Châu với nội bộ rối bời hay đối đầu trước áp lực từ phe Tào Ngụy, Tôn Quyền hẳn đều sẽ phải đau đầu.
Nguyên nhân thứ hai: Cho Lưu Bị mượn Kinh Châu là việc đã nằm trong kế hoạch
Trong hoạch định của một số ít các thủ hạ, cụ thể là Lỗ Túc, việc cho Lưu Bị mượn Kinh Châu là điều sớm đã nằm trong kế hoạch.
Lỗ Túc từ sớm đã đưa ra kế hoạch giúp Tôn Ngô chia hai thiên hạ. Mặc dù sau này vì thế cục phát triển ngoài dự liệu, hoạch định nói trên hẳn không thể đạt được, thế nhưng trên phương diện đưa ra đối sách kháng Tào, ông vẫn nhận được sự tín nhiệm trọn vẹn của Tôn Quyền.
Sau đại chiến Xích Bích, Lỗ Túc đã đề ra kế hoạch liên hiệp với Lưu Bị để đối kháng với Tào Tháo. Kế sách này cũng được Tôn Quyền tương đối coi trọng.
Ngay sau khi Chu Du mất, Tôn Quyền đã phong Lỗ Túc làm Thái thú Nam quận, đóng quân ở Giang Lăng. Lúc này, Lưu Bị lại một lần nữa thương lượng với Tôn Quyền về việc xin mượn Giang Lăng.
Cuối cùng, Tôn Quyền nghe theo lý lẽ của Lỗ Túc và đồng ý cho mượn, từ đó mượn sức Lưu Bị cho đỡ gánh nặng phía tây Giang Đông, đồng thời cũng khiến cho Tào Tháo có thêm kẻ thù.
Nguyên nhân thứ ba: Quyết định nhất thời hồ đồ của Tôn Quyền
Vào thời điểm Chu Du đại chiến với Tào Nhân ở Giang Lăng, Tôn Quyền từng dẫn đại quân đi tấn công Hợp Phì, kết quả là bị số quân ít ỏi của Trương Liêu đánh cho tan tác.
Cho nên điểm mạnh của Tôn Quyền là nằm ở thủ đoạn thâu tóm quyền lực, còn những phương diện khác thì ít nhiều có phần thua kém.
Trong khi đó, từ sau chiến thắng ở trận Xích Bích, Tôn Quyền cũng không cần dốc sức cầm quân xông pha sa trường nữa mà chỉ cần tập trung vào việc duy trì thành quả.
Cho nên có giả thiết cho rằng, đối với việc cho Lưu Bị mượn Kinh Châu, Tôn Quyền khi ấy thấy việc này không tạo cho bản thân thêm áp lực nào, vì vậy đã nhất thời hồ đồ mà đồng ý.
Kết quả là nhiều năm sau, trong một lần trò chuyện với Lục Tốn, vị quân chủ Đông Ngô ấy đã than rằng:
"Lỗ Túc vẫn có một cái sai, đó chính là cho Lưu Bị mượn Kinh Châu".
Kỳ thực đây chỉ là thái độ không cam lòng của Tôn Quyền. Bởi năm xưa khi Lỗ Túc đưa ra đề xuất nói trên, chính Tôn Quyền mới là người tán thành và thực hiện nó.
Cho nên cũng rất có thể việc đồng ý cho Lưu Bị mượn Kinh Châu có thể xuất phát từ nhiều cân nhắc và toan tính chính trị, hoặc cũng có thể đó chỉ là một quyết định lầm lỡ trong lúc nhất thời hồ đồ của Tôn Quyền mà thôi!