"Có thờ có thiêng, có kiêng có lành", việc thờ cúng ông bà tổ tiên vốn đã là nét văn hóa đẹp đẽ trong đời sống tinh thần của người Việt ngàn đời qua. Việc thờ cúng ấy, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà nó còn là sự gợi nhắc, tưởng nhớ đến công ơn người đã khuất, duy trì truyền thống "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp của người Việt.
Lau dọn, sắp xếp bàn thờ tổ tiên là việc quan trọng để chuẩn bị đón Tết cổ truyền.
Chẳng thế mà, một trong những việc quan trọng nhất chuẩn bị đón Tết cổ truyền chính là lau dọn, sắp xếp bàn thờ tổ tiên. Nhưng theo các quan niệm dân gian, bát hương trên bàn thờ không được tùy tiện xê dịch, chỉnh sửa, vì sẽ gây ảnh hưởng, xào xáo đến cuộc sống hiện tại của gia đạo. Và việc thay cát/tro bát hương hay tỉa bớt chân nhang cũng phải tuân theo một vài quy tắc.
Theo quan niệm ở một số vùng nông thôn, người ta thường dùng rơm nếp tươi ở mùa gặt cuối năm rồi đem phơi sạch sẽ, hóa tro và dùng tro này để thay tro cũ cho bát hương vào mỗi dịp Tết đến. Trước khi đốt thành tro thì dùng nước hoặc rượu gừng vẩy lên rơm để tẩy uế. Còn ở thành phố, người ta thường dùng cát sạch, tro sạch mua sẵn ở tiệm đồ thờ cúng để thay.
Nếu dùng cát cắm bát hương thì một thời gian cát đông cứng và khó cắm hương. Do đó lời khuyên của các nhà tâm linh là nên dùng tro nếp hoặc tro rơm là tốt nhất.
* Thông tin trong bài mang tính chất tham khảo