Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922-23/11/2022), TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương có chia sẻ về những dấu ấn và sự đóng góp của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Hành động đột phá của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Thưa ông, được biết khi còn công tác ông có thời gian được làm việc, được gần gũi với Thủ tướng Võ Văn Kiệt (nhiệm kỳ 1992-1997), ông thấy ấn tượng nhất điều gì khi nói về Thủ tướng Võ Văn Kiệt?
- Thủ tướng Võ Văn Kiệt là một nhà lãnh đạo xuất sắc, ông đã làm được rất nhiều việc quan trọng cho đất nước trong thời gian công tác, đặc biệt trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Chính ông Phạm Văn Đồng- người có 32 năm Thủ tướng cũng đã nói "Đồng chí Võ Văn Kiệt đã làm được rất nhiều việc trong thời gian làm Thủ tướng".
Ông là người đã quyết định đường dây 500KV; quyết định xây dựng đường Bắc Thăng Long - Nội Bài, cao tốc Láng - Hòa Lạc, xây kè đê Yên Phụ cho Hà Nội rồi đường Hồ Chí Minh, cầu Mỹ Thuận… Các dự án chương trình lớn, như: Chương trình khai thác và phát triển KT-XH Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, Chương trình Thoát lũ ra biển Tây, Chương trình ngọt hóa bán đảo Cà Mau, Nhà máy lọc dầu Dung Quất... đều mang đậm dấu ấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Về đối ngoại, ông hết sức nỗ lực để Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thúc đẩy việc Việt Nam ra nhập ASEAN. Có thể nói đóng góp của ông Võ Văn Kiệt trong quá trình bình thường hóa và hội nhập của nước ta là rất lớn.
Ông là vị lãnh đạo rất gần dân, gần doanh nghiệp, luôn lắng nghe ý kiến nhân dân và doanh nghiệp. Chúng tôi chỉ cần báo cáo với ông có vấn đề này, vấn đề kia của doanh nghiệp, ông nói ngay chúng ta xuống tận nơi để lắng nghe.
Một điểm nữa mà tôi muốn nhấn mạnh là ông Võ Văn Kiệt rất coi trọng trí thức. Ông là vị Thủ tướng đầu tiên lập ra Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong Tổ đó có mời cả những vị trí thức trước đây đã có thời gian làm việc dưới chế độ Sài Gòn, ví dụ như TS Nguyễn Xuân Oánh, bà Dương Quỳnh Hoa, luật sư Trương Thị Hòa. Trong số những trí thức được mời có những người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, ví dụ như GS Trần Văn Thọ (ở Nhật Bản), TS Ngô Quang Việt (ở Mỹ).
Có thể thấy quyết định trên của ông Võ Văn Kiệt là việc từ trước tới lúc đó trong Bộ Chính trị chưa có ai làm cả. Ông Võ Văn Kiệt còn gặp "nhóm thứ sáu" ở TP.HCM, nhóm gồm những anh em chuyên gia từng làm việc trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng của chính quyền Sài Gòn. Ông gặp gỡ thường xuyên và lắng nghe góp ý những người này, không hề có một thành kiến gì đối với họ.
Có thể nói hành động có tính chất đột phá trên của ông Võ Văn Kiệt là những đóng góp rất quan trọng trong việc chúng ta sử dụng trí thức; hàn gắn vết thương chiến tranh trong lòng dân tộc. Theo tôi đó là những đóng góp rất quan trọng.
"Có chai rượu quý được Thủ tướng Trung Quốc biếu, ông cũng mang ra chia sẻ"
Trong quá trình làm việc, cá nhân ông có kỷ niệm gì đáng nhớ nhất với Thủ tướng Võ Văn Kiệt?
- Thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, tôi là Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cũng nằm trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nên có điều kiện gần gũi với ông. Tôi còn nhớ một kỷ niệm, hồi đó khoảng năm 1995, lúc 5 giờ chiều khi tôi đang làm việc ở cơ quan thì nhận được điện thoại từ Văn phòng của Thủ tướng nói có việc mời tôi sang lúc 5 giờ rưỡi chiều.
Tôi chưa biết có việc gì nhưng thu xếp công việc rồi đi Đến nơi, tôi thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mời một số anh em thân thiết và một số người trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng. Thủ tướng Võ Văn Kiệt chậm rãi bảo: Vừa được Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng gửi tặng 2 chai rượu Mao Đài. Uống rượu một mình thì cực thân nên tôi mời anh em vào đây, chúng ta cùng nhau nhâm nhi và trao đổi, bàn công việc.
Qua câu chuyện đó chúng tôi thấy Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất gần gũi, chân tình với mọi người. Có chai rượu quý được Thủ tướng của Trung Quốc biếu, ông cũng mang ra chia sẻ với chúng tôi. Còn anh chị em chúng tôi sau này có việc gì khó khăn thì ông sẵn sàng mời đến hỏi. Ông bảo, cậu có điều gì khó khăn thì vào đây với mình, chúng mình cùng làm việc.
Ông Võ Văn Kiệt là người mẫu mực thể hiện tinh thần, tác phong làm việc theo tấm gương của Bác Hồ, đại đoàn kết toàn dân, luôn gần dân hiểu rõ những khó khăn của dân, có hành động cải cách và hội nhập để đưa đất nước đi lên.
Có câu chuyện chính trị duy nhất từ trước tới nay, đó là việc ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt cùng ứng cử chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ). Sau đó ông Đỗ Mười trúng cử chức danh trên, còn ông Võ Văn Kiệt tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng và có cộng tác rất tốt với Đỗ Mười. Câu chuyện đó càng toát lên ông Kiệt luôn là người vì lợi ích chung, thưa ông?
- Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa VIII diễn ra tháng 6/1988, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới sau khi ông Phạm Hùng đột ngột qua đời. Theo thông lệ, Ban chấp hành Trung ương giới thiệu người ứng cử vào chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, cụ thể lúc đó Trung ương giới thiệu ông Đỗ Mười, lúc này ông đang là Thường trực Ban Bí thư.
Sau khi ra Quốc hội, nhiều đại Quốc hội đồng ý với giới thiệu của Trung ương nhưng có nhiều Đoàn đã đề nghị giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt. Sau khi xem xét, cân nhắc các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhất trí với ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội là có hai ứng viên để Quốc hội bầu. Mặc dù ông Võ Văn Kiệt tha thiết xin rút tên vì Trung ương đã giới thiệu ông Đỗ Mười, nhưng Quốc hội không đồng ý.
Sau khi Quốc hội bầu, với số phiếu cao hơn ông Đỗ Mười trúng cử chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, còn ông Võ Văn Kiệt tiếp tục làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng. Thời điểm đó có nhiều người tỏ ra lo ngại rằng không biết hai ông sẽ làm việc với nhau như nào. Trên thực tế thì giữa ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt làm việc với nhau rất đoàn kết, công việc trôi chảy chứ không hề có vấn đề gì.
Thời gian này, tôi làm việc ở Vụ tổng hợp của Văn phòng Trung ương Đảng được cử làm đặc phái viên của Văn phòng Trung ương Đảng sang bên Chính phủ làm việc. Tôi được tham gia các cuộc họp, các phiên thảo luận, hội ý của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười với Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt và các thành viên Chính phủ khác để về báo cáo Tổng Bí thư (lúc đó là ông Nguyễn Văn Linh) nên được chứng kiến những gì đã diễn ra.
Qua những gì đã chứng kiến tôi thấy rất cảm kích khi nói về mối quan hệ giữa ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt. Việc phải ra ứng cử cùng với ông Đỗ Mười, kết quả ông Đỗ Mười trúng cử nhưng quá trình sau đó ông Võ Văn Kiệt không mảy may bận tâm gì về việc này. Ông cộng tác tốt với ông Đỗ Mười cũng như các thành viên khác một cách chân thành vì lợi ích chung, chứ không vướng chút cá nhân nào trong đó.
Xin cảm ơn ông (!)
Ông Võ Văn Kiệt (1922 - 2008) tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân, nơi sinh Vĩnh Long. Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi trong phong trào Thanh niên phản đế (1938), ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11/1939.
Trong quá trình công tác ông từng giữ chức Chủ tịch UBND TP.HCM; Bí thư Thành ủy TP.HCM; Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; Thủ tướng Chính phủ; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.