Danh y nổi tiếng thời Đông Hán, Quách Ngọc từng nói: “Bệnh của người giàu thường khó điều trị hơn”. Vị thần y nổi tiếng Biển Thước cũng từng đưa ra quan điểm này. Về sau, quan điểm này được nhiều người biết đến và lưu truyền rộng rãi. Vậy vì sao, các danh y thời cổ đại lại đưa ra kết luận này?
Khó chữa được bệnh cho người giàu
Thời Đông Hán, Quách Ngọc là một ngự y của triều đình. Ông được mọi người ca ngợi là có tài nghệ cao siêu. Ông thường xuyên được Hoàng Đế ngợi khen và tán thưởng.
Mặc dù thân là một ngự y, nhưng Quách Ngọc không bao giờ từ chối chữa bệnh cho người nghèo. Hễ có người dân nghèo khổ đến cầu cứu chữa trị là ông không cự tuyệt, thậm chí hiệu quả trị liệu cũng vô cùng tốt.
Nhưng, điều khiến mọi người khó hiểu là hiệu quả trị liệu của Quách Ngọc khi chữa bệnh cho những người giàu hoặc có quyền thế thường không bao giờ được tốt như vậy. Ngay cả Hoàng đế cũng cho rằng đó là một sự bất thường. Bởi vậy, Hoàng đế đã nghĩ ra một cách đó là lệnh cho những người trong cung ăn vận rách rưới rồi mời Quách Ngọc đến chữa bệnh. Quả nhiên, bệnh của họ rất mau khỏi.
Hoàng đế thấy vậy trong lòng rất bất bình liền triệu kiến Quách Ngọc vào cung hỏi cho ra nguyên nhân.
Quách Ngọc đáp:
“Nguyên tắc cơ bản của trị bệnh là phải tập trung tinh thần, không nghĩ ngợi nhiều thì bệnh mới mau khỏi. Đối với những người bệnh giàu sang, khi trị bệnh có 4 khó khăn: Thứ nhất, họ thường không tôn trọng lời khuyên của thầy thuốc. Thứ hai cuộc sống của họ thường không có quy tắc, phóng túng và không có chừng mực. Thứ ba là họ có thể chất yếu nên khó dùng thuốc. Thứ tư là ham hưởng lạc, hưởng thụ mà lười vận động, lao động.”
Quách Ngọc trầm ngâm một lát, rồi nói tiếp:
“Ngoài bốn cái khó khăn này ra, họ có thái độ cao ngạo đối với thầy thuốc, thường là ‘lên mặt dọa nạt’ người. Vì thế các thầy thuốc khi gặp họ dễ có tâm sợ hãi, nên sẽ mất tập trung hơn.
Ví dụ, khi tiến hành châm cứu, người ta phải hoàn toàn tập trung tinh thần vào công việc. Kim châm bị lệch đồng nghĩa với thất bại. Những người giàu thường gây tâm lý lo âu thấp thỏm cho các thầy thuốc và do đó khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.”
Sau khi nghe lời giải thích của ông, Hoàng đế gật đầu tỏ vẻ đồng ý và ra lệnh cho những người trong cung thay đổi cách cư xử và những thói quen xấu của mình trong cuộc sống hàng ngày. Câu nói “Thật khó để chữa bệnh cho người giàu” cũng bắt đầu lan truyền rộng rãi từ đây.
Nguyên tắc chữa bệnh của thần y Biển Thước
Danh y Quách Ngọc không phải là trường hợp độc nhất có quan điểm này mà thần y Biển Thước thời Chiến Quốc cũng có quan điểm tương tự.
Biển Thước đã đi đến nhiều quốc gia khác nhau và dùng tài năng và kinh nghiệm của mình để làm dịu bớt đau khổ cho người dân. Mặc dù y thuật của Biển Thước rất cao minh, nhưng ông có một nguyên tắc về khám chữa bệnh.
Ông đưa ra nguyên tắc trong đó gồm có sáu kiểu người là ông khó trị được bệnh. Đó là những người dựa vào quyền thế, kiêu ngạo và hống hách. Những người yêu tiền của hơn cả tính mạng con người. Những người ăn uống vô độ. Những người bệnh nặng, nhưng không chịu điều trị từ sớm. Những người thể chất quá yếu không thể dùng thuốc. Những người tin vào yêu thuật, thầy mo, không tin y đạo.
Những nguyên tắc này của thần y Biển Thước được thể hiện rõ trong một giai thoại kể về việc ông chữa bệnh cho Tần Vũ Vương.
Một lần, Biển Thước bái kiến Tần Vũ Vương, Tần Vũ Vương kể lại bệnh tình của mình cho thần y nghe. Biển Thước nghe xong lập tức đề nghị Tần Vũ Vương nên nhanh chóng điều trị. Nhưng đại thần thân cận bên Tần Vũ Vương lại nói: “Bệnh của Đại Vương ở giữa tai và mắt, cho dù có chữa trị cũng chưa chắc đã khỏi. Nếu xử lý không thỏa đáng còn có thể khiến cho tai bị điếc và mắt bị mù”.
Tần Vũ Vương đem ý kiến của vị đại thần này nói với Biển Thước. Vị thần y liền nói: “Đại vương đã vấn hỏi người hiểu biết về y học rồi mà lại nghe lời kẻ không hiểu biết về y học nói lời loạn bậy. Vậy thì bệnh của Đại vương sao có thể khỏi được đây? Nếu dùng cách này để thống trị Tần Quốc, ở thời khắc trọng đại mà Đại vương chần chừ không quyết được thì e rằng Tần quốc sẽ nhanh chóng tiêu vong".