Theo sách "Đại Nam Nhất thống chí", danh tướng Lê Văn Linh là khai quốc công thần của nhà Lê và là nguyên lão đại thần của ba triều: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Ông là người có bản tính điềm tĩnh, đã giàu mưu lược lại rất am hiểu chính sự, ý kiến bàn bạc ở triều đình thường rất sáng suốt.... Lê Văn Linh sinh năm Đinh Tỵ, là người làng Hải Lịch, huyện Lôi Dương (nay là xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), mất vào tháng Chạp năm Mậu Thìn - 1448, hưởng thọ 71 tuổi.
Tương truyền vào thời ông còn trẻ, đất làng Hải Lịch vẫn thường bị cọp hoành hành, dân làng rất lấy làm khổ sở. Sử cũ chép rằng: Ông vốn là người có khí tiết cao. Lúc ấy, dân trong làng thường khổ vì nạn cọp. Ông liền nhân đó viết bức thư trách cọp. Từ đó, cọp bỏ đi hết. Vì lẽ ấy, người ta ví ông như Hàn Thuyên là người đã làm thơ đuổi cá sấu đi nơi khác.
Thời nhà Hồ (1400-1407), Lê Văn Linh nổi tiếng là người văn hay chữ đẹp của huyện Lôi Dương nhưng không thấy sử chép gì về việc thi cử của ông. Khi Lê Lợi chuẩn bị khởi nghĩa, Lê Văn Linh là một trong những người đầu tiên nhiệt liệt hưởng ứng. Và ông là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai, tổ chức vào năm 1416. Là người có tiếng hay chữ, nên Lê Văn Linh thường được Bộ chỉ huy Lam Sơn và Bình Định vương Lê Lợi sử dụng như một văn thần. Dẫu vậy, những ý kiến xuất sắc của ông đối với hoạt động của lực lượng vũ trang luôn luôn được đánh giá rất cao. Sử xưa xếp ông vào hàng những nhà quân sự có tài.
Năm Mậu Tuất (1418), vua Lê Thái Tổ dấy nghĩa binh, ông thường cùng Nguyễn Trãi luôn ở bên cạnh Lê Thái Tổ để bàn mưu, bày kế thần diệu trong màn trướng. "Khi vua vây thành Đông Quan, ông bàn mưu kín mà lấy được thành, khiến cho người Minh cuối cùng phải xin hàng, Vương Thông phải rút về, nước nhà nhờ đó mà thái bình yên ổn" (Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Nhân vật chí). Năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, danh tướng Lê Văn Linh được xếp vào hàng khai quốc công thần, tước Hương Thượng Hầu. Đó là tước vị thuộc hàng cao nhất mà vua Lê Thái Tổ đã ban cho những người từng đồng cam cộng khổ và có nhiều công lao trong sự nghiệp đánh đuổi quân Minh.
Về những cống hiến của Lê Văn Linh trong thời kỳ tham gia khởi nghĩa Lam Sơn, sử cũ có chép: Châu Ngọc Ma ở phía Tây Nghệ An, phía Đông của Ai Lao. Ở đó, Cầm Quý có hơn 1 vạn quân. Khi vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa, Cầm Quý đã từng đem quân tới giúp và từng được trao hàm Thái úy. Ít lâu sau, Cầm Quý tỏ ý ngờ vực, hối hận mà rút quân về. Đến khi dẹp xong giặc Ngô, Cầm Quý lấy làm hổ thẹn và lo sợ, nhưng hắn vẫn cậy có đất hiểm, lại ở chốn xa xôi nên không chịu thần phục. Cầm Quý là tên tham lam và tàn bạo, không cho dân được trồng trọt tranh với mình. Hắn cho xây cung thất lớn, đúc đồng làm cột. Hắn bắt dân đóng góp nặng, nói láo là để nạp cống, nhưng thực là để vơ vét cho riêng mình. Vua Lê Thái Tổ định giết hắn, nhưng vì lúc bấy giờ đang có nhiều việc, chưa rảnh mà hỏi đến. Tới đây, vua Lê Thái Tông sai đi đánh, bắt được Cầm Quý đóng cũi, đem về kinh sư.
Trong trận đánh vào Châu Ngọc Ma nói trên, với cương vị là Tham đốc, danh tướng Lê Văn Linh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Người đương thời cho ông là bậc đa tài, vào triều là tướng văn, ra ngoài là tướng võ, không việc gì không đảm đương được. Nhưng, cũng đúng năm 1435, vì có lời can vua không nên xử quá nặng đối với quan Đại Tư đồ Lê Sát, ông bị giáng xuống hàm bộc xạ. Phải khá lâu sau đó, danh tướng Lê Văn Linh mới được phục chức, trải thăng dần lên đến hàm Thái Phó. Sau khi ông mất, triều đình truy tặng hàm Khai Phủ và được ban tên thụy là Trung Hiến.
Lời bàn:
Cũng theo sách trên, về sau con cháu của Lê Văn Linh đều hiển đạt và có danh vọng lớn, trong đó nổi bật hơn cả là ba nhân vật: Lê Hoẵng Dục (con) làm quan được phong tới hàm Thái Bảo, tước Quận công. Lê Cảnh Huy (con), làm quan tới chức Thượng thư, hàm Thái Phó, tước Quận công. Lê Năng Nhượng (cháu) làm quan tới chức Chưởng Lục Bộ, hàm Thái Bảo, tước Quốc công. Điều đáng để người đương thời cũng như hậu thế vô cùng trân trọng là con cháu của Lê Văn Linh đều là những người văn võ hiền tài. Người giữ chức quan võ cao nhất là Lê Cảnh Huy. Năm 1470, ông được phong chức Hữu Đô đốc, cùng với vua Lê Thánh Tông đi đánh quân Chiêm Thành.
Người xưa vẫn thường nói, con, cháu đời sau nối được nghiệp cha ông là không chỉ gia đình, mà cả gia tộc hưởng đại phúc. Tuy nhiên, phúc đức không phải từ trên trời rơi xuống và cũng chẳng phải từ dưới đất chui lên. Bởi thế, muốn có phúc, đức thì không phải chỉ có đời ông, đời cha tu thân, mà con cháu cũng phải biết tích đức thì mới có. Tiếc rằng, hậu thế sau này không phải ai cũng biết điều này. Bởi thế có không ít người mang của thiên hạ về làm của mình và cuối cùng là con cháu sẵn có tiền nên cứ ăn chơi rồi sớm trở thành những kẻ nghiện ngập. Thế mới hay rằng, của bất nghĩa sẽ tạo ra kẻ bất nhân là vậy.