Những ngày qua, công ty Monsanto trở thành cái tên khiến dư luận Việt Nam cũng như thế giới vô cùng quan tâm. Cụ thể, trong họp báo thường kỳ ngày 23/8, bà Nguyễn Phương Trà, phó phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam phát biểu công ty Monsanto cũng phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam về những tác hại từ chất diệt cỏ mà công ty này đã cung cấp.
Công ty Monsanto sản xuất chất làm rụng lá cây, còn gọi là chất da cam, mà quân đội Mỹ dùng rải xuống Việt Nam thời kỳ chiến tranh. Độc chất dioxin trong chất da cam là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm cho con người khi tiếp xúc như ung thư, dị tật bẩm sinh. Monsanto là một trong số 37 công ty hóa chất Mỹ cung cấp thuốc diệt cỏ cho quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong những năm chiến tranh.
|
Monsanto gây ra thảm họa chất độc da cam ở Việt Nam. |
Không chỉ Việt Nam, công ty Monsanto cũng phải đối mặt với hàng ngàn đơn kiện ở các nước, trong đó có Mỹ. Vào ngày 10/8 vừa qua, Tòa cấp cao San Francisco ra phán quyết buộc công ty hoá chất Monsanto thuộc Bayer AG của Mỹ phải bồi thường 289 triệu USD cho thợ làm vườn Dewayne Johnson vì thuốc diệt cỏ gây ung thư. Dewayne Johnson đã đâm đơn kiện Monsanto vì từng sử dụng 2 loại thuốc diệt cỏ của Monsanto là Roundup và Ranger Pro trung bình 30 lần/năm trước khi phát hiện bị ung thư hạch bạch huyết năm 2014.
Theo Tòa cấp cao San Francisco, Monsanto đã không cảnh báo khách hàng về rủi ro ung thư khi sử dụng những loại thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate của công ty này.
Phán quyết của Tòa cấp cao San Francisco được cho là phán quyết lịch sử khi có tới 4.000 vụ kiện khác được đệ đơn lên tòa án Mỹ. Những nguyên đơn trong các vụ kiện này cáo buộc họ bị ảnh hưởng bởi chất độc glyphosate từ thuốc diệt cỏ Roundup của Monsanto.
|
Nguyên đơn Dewayne Johnson mới nhận được phán quyết thắng kiện Monsanto của Tòa cấp cao San Francisco. |
Công ty Monsanto còn từng gây rúng động dư luận khi xảy ra một vụ nổ lớn ở nhà máy tại Nitro ngày 8/3/1949. Khi ấy, một van áp nổ tung trên thùng chứa đang sản xuất một mẻ thuốc diệt cỏ. Theo đó, một luồng hơi và khói thoát ra ngoài thị trấn. Trong vòng vài ngày sau khi xảy ra sự cố, các công nhân làm việc tại nhà máy của Monsanto bị rộp hết da. Về sau, nhiều người bị ảnh hưởng bởi sự cố trên được bác sĩ chẩn đoán bị chứng ban clor.
Đến năm 1981, một số cựu nhân viên ở nhà máy tại Nitro đệ đơn kiện Monsanto lên tòa án liên bang. Trong đơn kiện, các nguyên đơn cáo buộc Monsanto đã cố ý tiếp xúc với hóa chất gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài, trong đó có căn bệnh ung thư và bệnh tim.
Mời độc giả xem video: Người mẹ của những em nhỏ nhiễm chất độc da cam (nguồn: VTV1)
Đêm trước của một phiên tòa diễn ra năm 1988, Monsanto đồng ý giải quyết hầu hết các trường hợp ở nhà máy tại Nitro bằng cách thực hiện một khoản thanh toán một lần là 1,5 triệu USD.
Nhà máy của Monsanto ở Anniston sản xuất biphenyls polychlorinated, được gọi là PCB, cũng gây ra ô nhiễm đất gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Nhiều người đã khiếu nại Monsanto vì tiếp xúc với chất độc PCB. Cuối cùng, Monsanto trả 550 triệu USD cho 21.000 người dân ở Anniston tiếp xúc với PCB.