Cúng ông Công ông Táo trước 1 ngày có được không?
Theo quan niệm truyền thống dân gian Việt Nam lưu truyền từ bao đời nay, cứ nhằm ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về thiên đình để trình báo mọi việc của gia đình dưới hạ giới xảy ra trong một năm với Ngọc hoàng. Vì thế mà có lễ cúng ông Công ông Táo về chầu trời.
Dân gian cho rằng, mỗi năm chỉ duy nhất một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo. Táo quân nào lên thiên đình sớm thì cũng phải đợi ngày thiết triều. Táo quân lên muộn thì đã bãi triều rồi nên không gia đình nào cúng sau 23 tháng Chạp.
|
Ảnh minh họa. |
Ngày nay, trong thời kỳ hiện đại, các gia đình đi làm công sở cả ngày hoặc vướng bận chuyện công việc,… nên khó có thể thu xếp thời gian để cúng đúng ngày.
Các chuyên gia phong thủy cho rằng, tùy theo điều kiện thời gian mà mỗi gia đình có thể chọn ngày, giờ cúng khác nhau. Các gia đình có thể cúng ông Táo trước 1-2 ngày đều được, nhưng tốt nhất nên cúng trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất có thể tiến hành cúng bắt đầu từ trưa hoặc tối ngày 22 tháng Chạp để ông Táo thảnh thơi về chầu trời. Bởi họ quan niệm, đợi đến 23 nhà nào cũng cúng nên sợ ông Táo “tắc đường” không về kịp thiên đình. Việc cúng này tùy theo gia cảnh của mỗi gia đình và quan trọng là sự thành tâm, không nên quá câu nệ, rườm rà mà mất đi ý nghĩa tốt đẹp và cái tâm hướng thiện của mình.
Cúng ông Công ông Táo ở bếp hay ban thờ gia tiên?
Nhiều người thường thắc mắc việc cúng ông Công ông Táo ở bếp hay ban thờ gia tiên là đúng cách. Cũng có người thắc mắc rằng có nhất thiết phải cúng ở bếp hay chỉ cúng ở ban thờ gia tiên vì không phải nhà nào cũng có ban thờ ông Táo riêng ở bếp.
Theo nhà nghiên cứu lý học Đông phương Nguyễn Vũ Tuấn Anh, lễ cúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường cúng trên ban thờ gia tiên với cách gọi nôm na là cúng ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà. Còn ông Táo là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên ban thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.
Như vậy, trong ngày này phải làm 2 mâm lễ cúng: một là mâm lễ cúng ông Công trên ban thờ gia tiên, hai là mâm lễ cúng ông Táo ở dưới bếp, bất kể các gia đình có ban thờ ông Táo riêng hay không.
Theo đó, việc làm lễ cúng ông Công, ông Táo có thể là cỗ chay hay cỗ mặn.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo
Mâm lễ cúng ông Công ông Táo có thể là cỗ mặn hoặc chay.
Mâm cỗ chay gồm:
|
Ảnh minh họa. |
- Ba bộ mũ áo gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Mỗi Táo quân cần thêm hia, hài.
- Một hoặc ba cá chép sống để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời.
- Bánh kẹo, trầu, cau, rượu, hương, đèn (nến), lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng. Các món chay.
Mâm cỗ mặn gồm:
- Ba bộ mũ áo gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Mỗi Táo quân cần thêm hia, hài.
- Một hoặc ba cá chép sống để các ông và các bà Táo có phương tiện về chầu trời.
- 1 đĩa gạo; 1 đĩa muối; 5 lạng thịt vai luộc; 1 đĩa xào thập cẩm; 1 đĩa giò; 1 bát canh mọc; 1 đĩa chè kho; 1 đĩa xôi gấc; 1 đĩa hoa quả; 1 ấm trà sen; 5 chén rượu; 1 quả cau, lá trầu; 1 lọ hoa tươi; tiền, vàng mã, hương, đèn (nến), hương.