Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, miền Bắc vẫn là mục tiêu tối quan trọng đối với Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Để theo dõi mọi động thái quân sự, chính trị, ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), dưới đất họ tung ra miền Bắc hàng chục toán biệt kích, ngoài biển là lớp lớp tàu trinh sát thuộc Hạm đội 7, còn trên trời là máy bay do thám U2.
Tuy nhiên, những tin tức thu lượm được chưa làm hài lòng giới cầm quyền nước Mỹ. Vì thế, năm 1972, CIA đã thực hiện một kế hoạch liều lĩnh: Đó là cử một nhóm biệt kích gồm 2 người xâm nhập tỉnh Nghệ An để cài đặt thiết bị nghe lén vào đường dây điện thoại…
Kỳ 1: Chuẩn bị phương tiện
1. Trong suốt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, tin tức về miền Bắc Việt Nam do các cơ quan tình báo Mỹ như tình báo Lục quân, Hải quân, Không quân, CIA, NSA… thu được rất ít ỏi. Một phần vì quân dân miền Bắc không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác.
|
Chiếc trực thăng Hughes 500 số hiệu N351X tại căn cứ PS-44, Pakse, Lào trước ngày xâm nhập tỉnh Nghệ An. |
Mặt khác, các nhà lãnh đạo Hà Nội hạn chế sử dụng sóng vô tuyến trong thông tin liên lạc đến mức tối đa vì họ biết hệ thống trinh sát điện tử của người Mỹ đặt tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, các trạm thu tin trên đất Lào và các tàu mã thám thuộc hạm đội 7 thường xuyên lảng vảng ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ có thể dễ dàng bắt được tần số của các sóng này, và đội ngũ chuyên viên giải mã của Mỹ đều là những người giỏi.
Vì vậy, phần lớn mệnh lệnh chỉ huy chiến đấu của Quân đội nhân dân, của Lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đều thông qua mạng lưới điện thoại hữu tuyến.
Điều này có cái bất lợi là phải rải dây - lắm khi dài cả trăm kilômét, xuyên qua đèo cao, dốc thẳm, rừng già…, đồng thời phải thường xuyên túc trực một đội quân vừa đề phòng biệt kích phá hoại, vừa làm nhiệm vụ bảo trì, sửa chữa, thay thế nếu chẳng may nó bị đứt hoặc hở mạch.
Tuy nhiên, ưu điểm do đường dây hữu tuyến mang lại là đối phương khó có thể nghe lén vì nếu muốn nghe lén, người Mỹ phải cử kỹ thuật viên đến tận nơi, sờ tận tay nhưng đó là chuyện không tưởng, chưa kể khi bộc lộ phần lõi bằng đồng hoặc bằng kim loại khác bên trong sợi dây để kết nối thiết bị nghe lén, nó sẽ tạo ra nhiễu - dù chỉ một thời gian rất ngắn nhưng vẫn có thể khiến người trực tổng đài nghi ngờ.
2. Đầu tháng 2/1971, trong một phi vụ do thám trên bầu trời miền Bắc Việt Nam, máy bay U2 đã chụp một loạt ảnh tại một khu vực cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 46km về phía tây nam.
Phân tích những bức ảnh này, chuyên viên không ảnh ở căn cứ Clark, Philippines nhận thấy có một đường dây điện thoại được mắc trên những thanh ngang, đóng vào những cây cột bằng gỗ cao khoảng 4m, nhìn như những cây thập giá.
Cạnh đó là một con đường đất nhỏ, có lẽ dành cho xe đạp chạy song song với những cột điện thoại. Đường dây ấy kéo dài đến gần con sông Lam rồi đi lên một sườn núi.
Đến đoạn này, con đường đất kết thúc, có lẽ do địa hình quá dốc đối với xe đạp, còn những cột điện thoại thì tiếp tục đi sâu vào trong núi. Tại đây, có một căn nhà nhỏ, xây bằng gạch không tô, nằm ẩn khuất dưới những tán lá. Và do rừng quá rậm rạp nên những bức ảnh không cho biết đường dây điện thoại ấy còn kéo dài đến đâu.
Từ lâu, CIA đã biết Nghệ An là một trong những điểm tập kết người, vũ khí cùng hàng tiếp liệu chi viện cho chiến trường miền Nam bằng cách qua Lào rồi đi vào một tỉnh nằm ở bắc Tây Nguyên là Kon Tum.
Trong hồ sơ "Im lặng số 1 - Những bí mật của cuộc chiến Việt Nam - Quiet One - The Secrets in Vietnam War", báo cáo của sĩ quan do thám điện tử McTunler gửi Lầu Năm Góc đã viết: "Đây chắc chắn là hệ thống thông tin liên lạc, chỉ đạo những cuộc hành quân sang Lào và đây cũng là địa điểm lý tưởng để đặt thiết bị nghe lén".
Liên tục trong suốt tháng 2, máy bay do thám U2 chụp thêm hàng trăm tấm ảnh về đường dây điện thoại.
Qua phân tích, các chuyên viên không ảnh nhận thấy việc tuần tra bảo vệ không tuân theo quy luật nào. Có khi là hai người đàn ông trên một chiếc xe đạp, vai đeo súng trường CKC, sáng sớm chạy đến cạnh con sông Lam thì dừng lại, ở đó khoảng nửa tiếng rồi quay về. Cũng có khi một tốp vài người có vũ trang, từ căn nhà trên sườn núi đi bộ xuống vào buổi chiều.
|
Biệt kích Lào thực tập lắp thiết bị nghe lén. |
Đặc biệt nhất là những tấm ảnh chụp một nhóm kỹ thuật viên sửa chữa đường dây. Họ dùng hai chiếc thang bằng tre chụm vào nhau theo hình chữ V ngược rồi một người trèo lên, còn vài người giữ thăng bằng ở phía dưới.
Các bức ảnh cho thấy những đoạn dây cần sửa chữa đều nằm ở giữa hai cột, bị đứt do nhánh cây rừng rơi xuống hoặc do lâu ngày, dưới tác động của sức nóng mặt trời, lớp nhựa bọc dây lão hóa, bong tróc ra. Khi gió thổi mạnh, hai sợi dây thỉnh thoảng lại chập vào nhau gây đoản mạch.
Thời điểm này, Ngoại trưởng Mỹ là Henry Kissinger đã có những cuộc gặp riêng với đại diện Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thủy nên Tổng thống Richard Nixon cũng như Lầu Năm Góc và CIA rất muốn biết các động thái của Quân Giải phóng trên chiến trường miền Nam Việt Nam, nhất là nếu Hiệp định Paris được ký kết. Vì vậy, việc nghe lén điện thoại lại càng thêm cấp thiết.
Theo chuyên gia phân tích của CIA là Dustin Kane thì: "Biết trước được những hành động của đối phương sẽ giúp chúng ta có lợi thế hơn nếu cần phải đánh phủ đầu, cũng như trong đàm phán".
Đến tháng 4/1971, một kế hoạch đã được CIA lập ra. Đó là một tấm pin mặt trời đường kính chỉ 10cm sẽ được lắp vào một đỉnh cột điện thoại để cung cấp năng lượng cho một máy thu, phát sóng cũng chỉ nhỏ bằng nửa bao thuốc lá đặt kế bên. Tất cả đều ngụy trang cho giống với màu sắc cây cột và nếu chỉ nhìn lướt qua, rất khó phát hiện.
Do máy thu, phát sóng nhỏ, công suất yếu, CIA sẽ thiết lập một trạm khuếch đại tín hiệu trên đất Lào rồi từ trạm này, những cuộc đàm thoại nghe lén được sẽ chuyển tiếp về Thái Lan.
Vẫn theo sĩ quan do thám điện tử McTunler: "Kế hoạch hoàn hảo đến nỗi chúng tôi tưởng như việc đặt thiết bị nghe lén sẽ chẳng gặp một trở ngại gì, giống như bạn leo lên nóc nhà mình để dựng một ăng ten thu tín hiệu truyền hình vậy".
(Còn nữa)...