Chuyện kể rằng: Cô Trần Thị Tần năm đó vừa tuổi đôi chín. Một ngày nắng đẹp, cô được cha mình là ông Trần Ôn cho lên Kinh thành Thăng Long chơi. Cô gái quê làng Hoa Thiều có nước da trắng hồng, gương mặt sáng như trăng rằm và luôn nở nụ cười rạng rỡ.
Nhân lúc cha mình bận việc, cô tha thẩn dạo chơi một mình trong vườn phủ quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Vườn rộng và nhiều hoa nên cô Tần thoả thuê thưởng hoa, ngắm cảnh. Cô nhẩn nha bước chân, vừa ghé ngửi hoa thơm vừa se sẽ hát mấy câu quan họ.
Chợt quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm tình cờ ngang qua. Dáng thanh thanh của người con gái lạ và đặc biệt là tiếng hát hồn nhiên giữa vườn hoa đã khiến quan Tể tướng phải ngưng bước dừng lại xem. Cô Tần không hề hay biết, cô vẫn vô tư dạo bước vườn hoa và hồn nhiên hát.
Bước thêm vài bước và dừng nấp sau một khóm hồng bạch, quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm chăm chú lắng nghe, giọng thanh nữ khẽ vẳng dặt dìu. Sau hồi lặng người, cuối cùng thì quan tể tướng Nguyễn Nghiễm bước lại gần cô Tần nhưng ngài ý tứ chạm người vào cành lá để cành lá phát lên tiếng động.
Hành động ấy những mong báo cho cô Tần biết có người đang đến. Cô Tần hơi thoáng giật mình, cô đã nhận ra quan Tể tướng. Không chút sợ hãi hay e dè, cô Tần nhoẻn một nụ cười thay câu chào rồi cô hát tiếp.
Rồi cả hai người cùng yên lặng. Bấy giờ cô Trần Thị Tần mới biết mình như đã “phạm” vào một điều gì đó, cô kéo vạt khăn lên che miệng và cất câu chào. Quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm cười vui, ngài xua tay như ý bảo rằng cô gái trẻ kia ơi, cô không có gì sai cả. Rồi quan Tể tướng quay người bước đi.
Thì ra ông Trần Ôn, người quê ở làng Hoa Thiều, vốn là hậu thế của Tiến sĩ Trần Phi Nhỡn, làm Câu kê (kế toán) trong Phủ Tể tướng Nguyễn Nghiễm. Ông rất được Tể tướng tin dùng. Có lẽ nhờ vào tình cảm ấy mà quan Câu kê Trần Ôn vào một ngày cuối xuân đã dẫn cô con gái yêu của mình là Trần Thị Tần lên Kinh thành chơi rồi được tới vườn Phủ Tể tướng. Và rồi như duyên trời định cô đã gặp quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm.
Tuy năm đó Tể tướng Nguyễn Nghiễm tuổi đã cao và đã có hai bà vợ nhưng ông lại đem lòng “ngẩn ngơ” trước cô thôn nữ hồn nhiên. Bỏ qua lễ nghi, bỏ qua chức phận quan trên người dưới, Tể tướng Nguyễn Nghiễm đã hỏi cô Trần Thị Tần về làm trắc thất (vợ ba). Thật đúng như là “trai anh hùng gặp gái thuyền quyên”. Về sau này người dân Kim Thiều đã có câu “Trai Tiên Điền tinh anh Hồng Lĩnh/Gái Kinh Bắc thanh sắc Tiêu Tương”.
Cũng chọn một ngày cuối xuân của năm Nhâm Dần này tôi tìm về làng Hoa Thiều xưa và nay là tổ dân phố Kim Thiều, phường Hương Mạc, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Con đường mang tên người Tổng Bí thư trẻ nhất của Đảng, đường Nguyễn Văn Cừ nối trung tâm thành phố Từ Sơn tới phường Phù Khê rộng thênh thang như tín hiệu vui về một tương lai mà người con làng Phù Khê đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình. Giờ làng Phù Khê cũng đã lên phường, phường Phù Khê.
Xưa nơi đây thuộc huyện Đông Ngàn (Từ Sơn, Đông Anh ngày nay) xứ Kinh Bắc; thôn Kim Thiều, xã Hương Mạc đã trải qua các tên gọi. Và mỗi một tên gọi như đánh dấu bước chuyển của làng.
Ông Trần Đình Phùng, người trông coi Nhà thờ họ Trần làng Kim Thiều, sau khi rót nước mời chúng tôi thì trầm ngâm đọc: “Nghĩa Lập bánh đúc cháo khê/Tấn Bào nung ngói/Phù Khê chạm rồng/Kim Bảng nấu rượu ngon nồng/Đồng Kỵ giết lợn ăn lòng sớm mai/Đồng Hương buôn bán phát tài/Mai Động làm ruộng kém ai trên đời/Kẻ Thời đóng cối đan thời/Me Cả dệt vải cho người ta mua/Làng Mấc bán chuối suốt mùa”.
Cứ theo câu ấy thì làng Mấc có lẽ là nghèo khó nhất và kém tài nhất. Sau này kha khá lên thì làng đổi tên thành Hoa Thiều nghe cho nó sang nghe cho nó nở rồi đến Kim Thiều bây giờ.
Mà làng nở, làng phát phúc thật, bằng chứng là người họ Trần đã liên tiếp có 6 đời làm quan trong Triều. Vào đời thứ 5 thì dòng họ Trần ở đây chợt lên hương khi người con của làng là Trần Ngạn Húc, đỗ Tiến sĩ năm 35 tuổi, khoa Mạc Tuất, dưới thời vua Mạc Đại Chính năm 1538. Đến đời thứ 6 thì người con thứ của Tiến sĩ Trần Ngạn Húc là Trần Phi Nhỡn cũng đậu Tiến sĩ khi 41 tuổi, khoa Kỷ Sửu, đời vua Mạc Mục Tông năm 1589.
Đền thờ hiện nay của họ Trần thôn Kim Thiều được xây dựng trên đất có tên gọi xưa là “vườn chùa”, có diện tích hơn 300m2, có lẽ vào đời thứ 7, nhằm để thờ các vị Tiến sĩ của dòng họ. Hướng vào bức đại tự treo chính giữa điện thờ ông Trần Đình Phùng mặt mày hớn hở.
Dòng chữ “Tiến sĩ từ - Đền thờ các vị Tiến sĩ họ Trần” chạm khắc sơn son thếp vàng nổi bật cùng đôi câu “Nhiếp chính hữu niên lưu quốc sử - Trong họ có người làm quan được ghi vào sử sách” và “Nguy khoa hiển hậu trấn gia thanh – Tiếng tăm của dòng họ có người đậu đạt cao”.
Làm vợ quan Tể tướng Nguyễn Nghiễm cũng vài năm nhưng mãi đến năm 1765, khi 25 tuổi, thì cô Tần, mới sinh hạ được một người con trai. Cậu bé chào đời đem lại niềm vui ngập tràn trong Phủ và được cha mình đặt tên là Nguyễn Du.
Chuyện sinh con đẻ cái có lẽ chỉ dừng lại như vậy, rất bình thường nếu như không có câu chuyện nhân duyên tiếp đó; Phu nhân Trần Thị Tần không chỉ sinh cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền một người trai nối dõi tông đường, không chỉ sinh cho dòng họ Trần Kim Thiều một người cháu ngoại khôi ngô mà thực sự bà đã thai nghén một nhân tài rực rỡ - Đại thi hào Nguyễn Du của nước Việt Nam.
Thời thơ ấu, Nguyễn Du tuy sống ở Kinh Thành trong Phủ của cha nhưng hay được mẹ dắt về thăm quê ngoại. Những lần về thăm quê ngoại ngắn ngủi đã gieo vào lòng thi nhân tương lai những xúc cảm, những mối tương tư. Trong tâm hồn thi nhân tương lai đã in đậm những câu ca lời hát quan họ dìu dặt đêm trăng. Trong tâm hồn thi nhân tương lai đã khắc sâu tình thôn nghĩa lúa.
Chỉ tiếc là cha rồi mẹ mất khi mới hơn mười tuổi nên Nguyễn Du không có nhiều cơ hội để “thâm nhập” sâu hơn vào “không gian văn hóa Kinh Bắc” nhưng chừng ấy cũng đủ để ảnh hưởng sâu sắc đến một thiên tài bởi tất cả đã ngấm từ trong bụng mẹ và khi sinh ra rồi lớn lên những thanh âm quê hương cứ ngày ngày gieo vào lòng nhờ những người kẻ ăn người ở trong Phủ Tể tướng đều là dân Kinh Bắc. Họ đã hát, họ đã kể cho cậu bé Nguyễn Du nghe.
Khi trác tuyệt “Truyện Kiều” ra đời, người đọc đã thấy ở trong đó những dư âm của quan họ Kinh Bắc. Chúng ta thấy trong Truyện Kiều những câu thơ giống câu Quan họ đến ngỡ ngàng, như “Ngọn đèn khi tỏ khi mờ/Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu” hay “Khi tựa gối, khi cúi đầu/Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”.
Nguyễn Du đã vận dụng thành công lời ca Quan họ vào Truyện Kiều một cách tự thân, một cách không thể ngọt hơn “Sinh rằng: Hay nói dè chừng/ Lòng đây lòng đấy chưa từng hay sao?” hoặc là “Nữa khi giông tố phũ phàng/ Thiệt riêng đấy cũng lại càng cực đây”.