Năm 1062, vua Lý Thánh Tông lo lắng tuổi đã cao mà chưa có con trai nối nghiệp nên ông thường xuyên đi lễ chùa cầu tự. Mối tình giữa vua và Nguyên phi Ỷ Lan nảy nở từ những chuyến đi ấy.
Mối tình cô gái hái dâu và vua Lý Thánh Tông
Một lần, nghe lời khuyên của thái giám hầu cận, vua đến thăm chùa Dâu ở Kinh Bắc đúng lúc nơi đây đang mở hội.
Khi qua Thổ Lỗi (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội), vua tình cờ nghe thấy tiếng hát trong trẻo vang lên từ ruộng dâu bèn cho người tìm hiểu. Đó là giọng hát của cô gái Lê Thị Yến Loan, làm nghề hái dâu chăn tằm, người làng Thổ Lỗi.
Vua cho gọi, hỏi vì sao không nghênh giá, nàng trả lời: "Thiếp là con nhà nghèo hèn, phải làm lụng đầu tắt mặt tối, phụng dưỡng cha mẹ, đâu có dám mong đi xem rước mà nhìn mặt rồng". Vua cảm mến đưa cô gái về cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân (chữ "ỷ lan" nghĩa là tựa gốc cây lan).
Việc này, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tục truyền, vua (Lý Thánh Tông) cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp chùa quán. Xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu phong làm Ỷ Lan phu nhân...".
Năm 1066, Ỷ Lan phu nhân có mang và sinh ra hoàng tử Càn Đức. Sau đó, vua lập tiểu hoàng tử làm hoàng thái tử, phong Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi, đổi tên hương Thổ Lỗi thành hương Siêu Loại, đại xá thiên hạ.
Năm 1068, Thần phi sinh thêm con trai nữa và được vua phong làm Nguyên phi, địa vị trong hậu cung chỉ sau Dương hoàng hậu.
Nguyên phi Ỷ Lan nổi tiếng là phụ nữ tài năng và hiểu biết. Ngay khi vào cung, bà không lo chăm nhan sắc mong chiếm được tình yêu của vua mà khổ công học hỏi, nghiền ngẫm thi thư, giúp vua chăm lo việc nước.
Một lần, nhân tiết trời thu mát mẻ, vua sai người mời Nguyên phi Ỷ Lan đến cùng uống rượu, ngắm hoa. Tuy nhiên, bà từ chối vì đang đọc dở cuốn thi thư. Vua cũng không trách mắng mà còn tỏ ý khen ngợi.
Cuối ngày hôm đó, bà đến mong vua thứ lỗi. Vua Lý Thánh Tông bèn hỏi bà về kế trị nước, an dân.
Bà đáp: “Thiếp thân nữ nhi, tầm nhìn hạn hẹp nhưng hoàng thượng đã hỏi thì cũng xin có đôi lời. Muốn nước giàu dân mạnh, điều quan trọng là phải biết nghe lời can gián của đấng trung thần. Lời nói ngay nghe chướng tai nhưng có lợi cho việc trị nước giống như thuốc đắng uống vào khó chịu nhưng chữa được bệnh. Điều hệ trọng thứ hai là phải xem quyền hành là thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người".
Bà cho rằng nước muốn mạnh, vua phải nhân từ với muôn dân. "Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo. Hội đủ những điều ấy, nước Đại Việt sẽ hùng cường”, Nguyên phi Ỷ Lan nói.
Lời tâu về kế trị nước của Nguyên phi Ỷ Lan khiến vua Lý Thánh Tông nể phục.
Nguyên phi giúp vua trị nước
Năm 1069, quân Chiêm Thành quấy rối ở biên giới phía Nam Đại Việt. Trước tình hình nguy cấp đó, để giữ yên bờ cõi, vua Lý Thánh Tông thân chinh dẫn quân đánh giặc và giao lại việc nước cho Nguyên phi Ỷ Lan.
Bà không quản ngại khó khăn, vất vả, đến nhiều nơi để hiểu được đời sống của muôn dân. Chính nhờ chuyến đi này, bà giúp dân thoát khỏi cơ cực cũng như trấn an dân chúng, củng cố triều cương.
|
Tượng hoàng thái hậu Ỷ Lan tại Đền thờ bà ở Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: VOV. |
Năm đó đại hạn, người dân đói kém, mất mùa phải tha hương cầu thực rất cực khổ. Sau khi dò hỏi, bà nghi ngờ quan lại địa phương ăn chặn phần gạo phát chẩn của triều đình, bèn sai người tìm hiểu.
Cận vệ bẩm báo trong vùng có phú hào họ Phạm là bà con thân thích của phủ nha, chúng thao túng lượng lớn gạo trong vùng rồi bán với giá cắt cổ. Chúng cũng thu mua, tích trữ gạo phát chẩn của phủ nha và triều đình.
Nguyên phi giận dữ, quyết tâm trừng trị tham quan ô lại, cường hào ác bá. Bọn chúng không những tham tiền của mà còn giết người không ghê tay nên để tránh đánh rắn động cỏ, bà quyết định âm thầm hành động.
Nguyên phi Ỷ Lan sai thị nữ về báo tin cho thái sư ở kinh thành. Bà cùng cận vệ và một thị nữ khác ở lại, đóng giả thương lái, mua bán lương thực, từng bước tìm đủ nhân chứng, vật chứng, chờ khi thị nữ kia trở lại cùng quan quân mới ra mặt trừng trị bọn cường hào, tham quan.
Dân chúng biết có người phát chẩn bèn kéo về nhận gạo. Bọn cường hào không bán được gạo liền tức tối, bẩm báo quan.
Quan địa phương cấu kết với gian thương, bắt bà về quan phủ, khép tội gây rối loạn giao thương, làm náo loạn trên phố, đòi phạt bà 50 trượng, tịch thu số gạo. Đúng lúc đó, thái sư Lý Đạo Thành dẫn quân đến, trừng trị đích đáng những kẻ cường quyền chuyên ức hiếp dân chúng.
Trong khi bà cai quản đất nước, muôn dân ấm no, sung túc, đội quân đi dẹp Chiêm Thành của vua Lý Thánh Tông gặp nhiều bất lợi. Để bảo toàn lực lượng, vua quyết định rút quân.
Tương truyền, trên đường rút qua châu Cư Liên, vua gặp người đốn củi bèn cho gọi ông ta lại và hỏi về tình hình cuộc sống người dân vùng đó. Người này đáp cuộc sống của dân no đủ, ai cũng vui mừng phấn khởi, chăm chỉ làm ăn.
Vua hỏi ra mới biết Nguyên phi Ỷ Lan hết lòng giúp đỡ dân chúng trong lúc hạn hán mất mùa, trừ gian diệt ác, trừng trị bọn cường hào ức hiếp dân lành, mang lại cuộc sống yên ấm an vui cho người dân khắp nước Đại Việt.
Biết rõ câu chuyện, vua Lý Thánh Tông thầm nghĩ: “Nguyên phi là phận nữ nhi yếu ớt mà còn làm được việc nước như thế. Ta là bậc thiên tử, chưa đánh đã vội ra lệnh lui quân, thật chẳng đáng hổ thẹn lắm sao?”.
Vua bèn hạ lệnh cho quân lính tiếp tục hành quân lên đường, quyết hạ Chiêm Thành.
Cuối cùng, nhờ có Nguyên phi Ỷ Lan giúp đỡ trị nước, nhà vua đem quân đánh thắng Chiêm Thành, đất nước Đại Việt trong ấm ngoài êm, nhân dân no đủ.