Tào Tháo hỏi Tư Mã Ý: "Tại sao bàn chân ngươi lại trắng hơn mặt và tay?".
Tư Mã Ý trả lời: "Tại hạ không biết".
Tào Tháo cười nói: "Vì nó luôn được che đậy!".
Câu hỏi này của Tào Tháo đã nhìn thấu tâm can của Tư Mã Ý.
Vào năm Kiến An thứ sáu, tức năm 201, Tào Tháo, đang giữ chức Tư không (một chức quan trong triều đình nhà Hán), đã mời Tư Mã Ý phục vụ trong phủ của mình. Tuy nhiên, Tư Mã Ý đã không đồng ý.
Tư Mã Ý sinh ra trong thời loạn, hành sự quả quyết, anh dũng mưu lược. Lúc bấy giờ, Tào Tháo ép Hoàng đế hạ lệnh chiêu mộ các chư hầu tài đức để mưu việc lớn, nhiều lần tuyển Tư Mã Ý vào phủ nhậm chức. Tư Mã Ý không muốn làm quan với Tào Tháo vì cho rằng ông thuộc dòng dõi hoạn quan và có dã tâm cực lớn.
Tư Mã Ý thậm chí còn cao ngạo cho rằng, dòng dõi Tư Mã của ông danh tiếng bao đời phải xứng ở vị trí cao, chứ không thể dưới quyền của Tào Tháo được.
Thế là Tư Mã Ý giả vờ thân mang đầy bệnh, nói rằng mình bị phong hàn. Tào Tháo sai người đến kiểm tra, Tư Mã Ý nằm bất động trên giường nên Tào Tháo đành bỏ cuộc, không còn ý định chiêu người về dưới trướng.
7 năm sau, Tào Tháo tấn công Nhị Viên (Viên Thiệu, Viên Thuật), chiếm Từ Châu, chinh phục Ô Hoàn (tộc du cư cổ đại miền Bắc Trung Quốc), thống nhất trung và hạ lưu sông Hoàng Hà, được phong là Thừa tướng của nhà Hán.
Lúc này, Tào Tháo lại chiêu mộ Tư Mã Ý, nếu không nhậm chức thì dọa bắt ngay. Tư Mã Ý đành phải tuân lệnh. Tào Tháo rất đa nghi, Tư Mã Ý đã cố gắng che giấu tâm cơ của mình. Tuy nhiên, vàng luôn tỏa sáng, Tào Tháo dần nhận ra Tư Mã Ý có "khí phách anh hùng" và cũng có "bóng hình lang sói".
Tào Tháo và Tư Mã Ý đã có một cuộc trò chuyện như vậy.
Tào Tháo đi chân đất trên đường và hỏi Tư Mã Ý: "Ngươi nói vì sao bàn chân ngươi trắng hơn tay và mặt?". Tư Mã Ý trả lời rằng ông không biết, và Tào Tháo nói tiếp: "Bởi vì bàn chân luôn được che đậy!".
Câu hỏi của Tào Tháo đương nhiên chứa đựng ẩn ý sâu xa. Chúng ta đều biết lòng bàn chân luôn lõm vào và có thể giấu giếm một cái gì đó. Thế sự vô thường, lòng người phức tạp, nhìn vậy mà không phải vậy, mỗi người đều có phần tối và bí mật riêng. Ở đây, Tào Tháo đang ám chỉ Tư Mã Ý có dã tâm và tham vọng riêng.
Đồng thời, bàn chân trắng hơn mặt và tay là vì thường xuyên mang giày, che khỏi ánh nắng. Tào Tháo hỏi câu này với dụng ý cảnh cáo lòng trung thành của Tư Mã Ý. Tư Mã Ý làm việc dưới trướng của Tào Tháo; Tư Mã Ý là bàn chân, còn Tào Tháo chính là đôi giày cho bàn chân xỏ vào.
Nếu Tào Tháo không cho đôi chân ấy mang giày nữa thì xem như Tư Mã Ý không còn được che chở, bảo hộ. Tào Tháo muốn cảnh báo cho Tư Mã Ý rằng sống dưới quyền của ai thì phải biết thân biết phận, từ bỏ dã tâm, nếu không hậu họa ập đến trở tay không kịp.
Nhận ra được ý nghĩa phía sau câu hỏi của Tào Tháo, Tư Mã Ý mới hạ mình phủi bụi trên nền đất, dọn đường cho Tào Tháo bước đi. Hành động này thể hiện việc Tư Mã Ý đã thấu hiểu dụng ý của chủ nhân, Tào Tháo thấy thế thì hài lòng bước về xe ngựa.
Phục vụ dưới trướng Tào Tháo, Tư Mã Ý mang tham vọng to lớn nhưng ông biết nhẫn nại suốt 3 đời Tào thị. Mặc dù biết bản chất thâm sâu khó lường của Tư Mã Ý nhưng Tào Tháo vẫn sử dụng con người này, vì ông biết rằng chỉ có Tư Mã Ý mới giúp mình chống lại Ngọa long Gia Cát Lượng của nước Thục.
Tào Tháo qua đời, sau một thời gian dài nhẫn nhịn Tào Sảng để chờ thời cơ, Tư Mã Ý đã thực hiện một cuộc lật đổ Tào thị vào năm 249, từ đó giành được vị trí cao nhất trong triều đình nhà Ngụy.
Vị trí cầm đầu này tiếp tục được nắm giữ bởi hai người con của ông là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu. Sau thời gian thâu tóm quyền lực triệt để, cháu của Tư Mã Ý là Tư Mã Viêm chính thức soán ngôi nhà Ngụy, thành lập nhà Tấn, chấm dứt thời kỳ Tam Quốc.
Tào Tháo trong thời Tam quốc là một người cực kỳ có năng lực, cùng với đó là bản tính đa nghi. Ông cho rằng ai cũng có thể trở mặt với mình, nên "thà rằng bản thân đi trước một bước, còn hơn bị người khác đâm sau lưng".
Tào Tháo hỏi câu này với dụng ý cảnh cáo, thế nhưng ông không thể ngờ sức nhẫn nại của Tư Mã Ý lại lớn đến thế, để rồi nhà Ngụy đã sụp đổ trong điêu tàn.