Con voi dừng lại một chút. Quanh nó, đám đông kiên nhẫn chờ đợi, dõi theo. Nhưng Topsy không bước nữa, như thể nó hiểu rằng những người vây xung quanh đang chuẩn bị mang cái chết đến với mình. Đó là vào ngày 4/1/1903, Topsy bị điện giật trong một cái chết đầy thương tâm trước mắt đám đông hiếu kỳ và giới truyền thông.
Bất chấp những hành động kháng cự cuối cùng, Topsy vẫn bị điện giật chết, thậm chí để đảm bảo cho kết cục đó, người ta đã cho nó ăn cả cà rốt tẩm xyanua. Khán giả chứng kiến khói bốc lên từ da thịt con voi xiếc. Trong im lặng, họ đứng nhìn chú voi đổ người về phía trước và ngã lăn ra đất.
Nhưng tại sao con voi Topsy lại bị giết? Và thiên tài khoa học Thomas Edison, "cha đẻ" của bóng đèn điện, có liên quan gì đến cái chết của nó không?
Topsy - chú voi làm xiếc
Voi Topsy có lẽ chào đời vào khoảng năm 1875. Nhưng nó không được hưởng thụ cuộc sống nơi hoang dã được bao lâu vì từ nhỏ đã bị những kẻ buôn lậu bắt đi.
Theo mô tả của tác giả Michael Daly trong cuốn “Câu chuyện đáng kinh ngạc của chú voi đuôi cong và Phù thuỷ người Mỹ, Thomas Edison”, Topsy có khả năng đã bị đưa lên tàu vượt Đại Tây Dương trong cô độc. Và nó chắc chắn rằng không có khái niệm về những gì đang chờ đợi mình ở một “khu rừng” kiểu khác - Thành phố New York.
Tại đó, Topsy được ông trùm rạp xiếc Adam Forepaugh đón về. Forepaugh đưa chú voi ra phô diễn và tuyên bố giả dối rằng ông ta tìm thấy con voi đầu tiên sinh ra ở Mỹ.
Topsy đã ngoan ngoãn vâng lời những người chủ mới của mình mà không gặp sự cố nào trong nhiều năm. Nhưng rồi vào ngày 28/5/1902, Topsy đã giết chết một nhân viên rạp xiếc tên là J. Fielding Blount. Kể từ đó nó được coi là một con voi “xấu”.
Không rõ chính xác chuyện gì đã xảy ra giữa Blount và Topsy. Có vẻ như anh ta đã vào chuồng voi lúc sáng sớm, châm một điếu thuốc lá và dí vào miệng Topsy. Con voi có thể tấn công vì sợ hãi hoặc tức giận khi một người lạ say rượu đến gần như vậy. Dù lý do là gì thì Topsy đã phản ứng lại sự hiện diện của người gác rạp xiếc bằng cách dùng vòi túm lấy anh ta quật xuống đất.
Sau khi mang tiếng là "voi xấu”, Topsy nhanh chóng bị rạp xiếc Forepaugh điều chuyển tới Công viên Luna ở Đảo Coney, New York City.
Tại đây, Topsy lại phải chịu đựng sự lạm dụng dưới bàn tay của một huấn luyện viên khắt khe là William “Whitey” Alt. Có lần, Alt đã thúc Topsy tuân lệnh bằng cách xỉa một cái đinh ba mạnh đến mức “máu bắt đầu chảy xuống mặt và hai bên sườn của nó”.
Là nạn nhân của sự ngược đãi, Topsy trở nên khét tiếng hung hăng, sẵn sàng tấn công lại những người định làm tổn thương nó. Theo một số nguồn tin, con vật đã giết tổng cộng ba người trong những khoảnh khắc hoang dã của mình.
Sau loạt sự cố, Công viên Luna Park đã sa thải huấn luyện viên Whitey và quyết định sẽ giết chết voi Topsy.
Cái chết dữ dội
Ban đầu, ban quản lý Công viên Luna muốn treo cổ Topsy trước sự chứng kiến của khán giả. Tuy nhiên, trước sự phẫn nộ từ các nhóm bảo vệ quyền động vật, họ đã đồng ý xử tử bằng giật điện. Một "bản án" như vậy chưa từng được thực hiện, nên sự kiện thu hút một đám đông khá lớn đến Công viên Luna mới khai trương.
Ngày 4/1/1903 là ngày định mệnh của Topsy. Nhưng khi bị đưa qua một cây cầu dẫn đến địa điểm tử hình, con voi bỗng dừng lại. Người ta không làm thế nào để bắt nó đi tiếp, kể cả dùng những cú thúc mạnh vào người.
Giới chức công viên quyết định mang tất cả hệ thống dây điện tới. Điều ngạc nhiên là khi họ bắt đầu điều chỉnh dây điện để chuẩn bị cho cái chết thì Topsy lại ngoan ngoãn tuân theo mọi mệnh lệnh. Chú voi giơ chân lên khi được yêu cầu để người ta lồng vào một “đôi dép” bằng đồng, giúp thực hiện cú sốc điện tốt hơn.
Để chắc chắn rằng Topsy phải chết, những người tiến hành vụ hành hình trước tiên đã cho chú voi ăn cà rốt tẩm xyanua. Khi nó nuốt xong viên thứ ba, ai đó hét lên "Được rồi!" và một dòng điện 6.600 volt đột ngột chạy qua cơ thể con vật đáng thương.
Topsy lắc người dữ dội, nhào nghiêng về phía trước. Nhưng màn hành hình khủng khiếp vẫn chưa kết thúc. Để đảm bảo đã giết con voi đúng cách, những người thực thi sau đó đã vòng một chiếc thòng lọng quanh cổ Topsy và giữ chặt nó trong 10 phút.
Thomas Edison có liên quan đến cái chết của Topsy?
Trong nhiều thập kỷ, đã tồn tại một lời đồn đoán bí ẩn đã rằng chính thiên tài khoa học Thomas Edison đã giết Topsy.
Điều này xuất phát từ một thực tế là Edison đã giết một số động vật. Trong “Cuộc chiến Dòng điện” với đối thủ Nikola Tesla, Thomas Edison - "cha đẻ" của điện một chiều - đã cố gắng chứng minh sự nguy hiểm của “dòng điện xoay chiều” mà Tesla phát minh ra bằng cách dùng nó để giật điện chết chó, bê, thậm chí cả ngựa.
Nhưng sự thực là Edison không giết Topsy. Vào thời điểm con voi qua đời, "Cuộc chiến Dòng điện" giữa Edison và Tesla đã kết thúc từ lâu. Và mặc dù đoàn làm phim của Edison đã ghi lại hình ảnh cái chết của Topsy bằng máy quay, nhưng bản thân ông không tham gia vào việc chú voi bị điện giật. Một tờ báo thời đó cho biết công ty điện lực Edison được cho là đã cung cấp điện cho vụ hành quyết voi. Tuy vậy, Thomas Edison không liên quan gì đến việc thành lập hoặc quản lý công ty này.
Topsy có thể không có liên quan gì tới những di sản của Edison, nhưng nó đã để lại một dấu ấn khác. Hai năm sau cái chết của nó, một con voi có tên Fanny lại được Công viên Luna mua về. Có lần con vật đã sợ hãi đến mức đã bơi qua hồ đến Đảo Staten.
Tại sao vậy? Người ta kể lại rằng Fanny đã vùng lên bỏ chạy ngay khi đi qua vị trí mà Công viên Luna đã chôn cái đầu của Topsy.
Một số ước tính báo cáo rằng 1.500 khán giả đã chứng kiến cuộc hành quyết voi Topsy. Vào thời điểm đó, một sự kiện như vậy gây tò mò lớn đối với công chúng. Tuy nhiên, ngày nay, mọi người lại nhìn nhận sự kiện này như là "một khoảnh khắc đáng xấu hổ trong lịch sử Đảo Coney" - theo nhận định của tờ The Economist.
Năm 2003, một thế kỷ sau khi con voi qua đời, một đài tưởng niệm dành cho Topsy đã được khánh thành tại Bảo tàng Đảo Coney để tưởng nhớ không chỉ cuộc đời và cái chết của con vật, mà còn cả những đóng góp của nó - dù không tự nguyện- cho cộng đồng khoa học thời bấy giờ.