Có lẽ khi nói đến cái tên Mộ Dung Long Thành thì nhiều bạn đọc truyện Kim Dung chưa chắc đã biết tới, nhưng nếu nói đến Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục thì chắc chẳng ai xa lạ gì, đây là hai nhân vật trong tiểu thuyết Thiên long bát bộ của cố nhà văn Kim Dung, họ là hậu duệ của nước Yên thời Thập Lục Quốc.
Mộ Dung Bác trong phim Thiên long bát bộ 2003.
Mộ Dung Bác là cha của Mộ Dung Phục. Ông chia sẻ ảo tưởng phục quốc với con trai và là kẻ dàn xếp vụ mai phục tại Nhạn Môn quan dẫn đến cái chết của vợ Tiêu Viễn Sơn.
Sau đó Mộ Dung Bác giả chết và trốn vào chùa Thiếu Lâm trong nhiều năm, bí mật học các bí kíp võ công trong thư viện của chùa. Ông được nhà sư quét rác cứu sống và quyết định từ bỏ tham vọng phục quốc và trở thành học trò của nhà sư.
Ông nổi tiếng với các tuyệt kĩ võ công như Đẩu chuyển tinh di có bản dịch là Đấu chuyển tinh di (chưa đạt tới mức thượng thừa) nhà Mộ Dung, Nhiên mộc đao của Thiếu Lâm, Tham hợp chỉ.
Mộ Dung Phục trong phim Thiên long bát bộ 2003.
Mộ Dung Phục được cha đặt cho cái tên “Phục” với ý nghĩa nhắc nhở việc khôi phục nước Yên, phần nào khiến cuộc đời sau này của hắn chỉ toàn đau khổ.
Võ công của Mộ Dung Phục không hề tệ, được xếp ngang hàng với Kiều Phong (Nam Mộ Dung, Bắc Kiều Phong) song chỉ vì mục đích mà Mộ Dung Phục sẵn sàng làm đủ mọi cách để được trở thành hoàng đế. Mộ Dung Phục thành thạo nhiều loại võ thuật nhưng không tập trung vào một thứ, hắn thích sử dụng tuyệt chiêu của đối thủ để chống lại họ. Nhưng buồn thay Mộ Dung Phục lại chưa phát huy được 100% tiềm lực của tuyệt kỹ Đẩu chuyển tinh di do Mộ Dung Long Thành tạo ra. Chính vì thế, mọi ý định của Mộ Dung Phục cho tới cuối cùng lại đổ bể, cuối cùng hắn trở nên điên mà luôn mơ tưởng là mình là hoàng đế, cùng A Bích sống đời nhàn vi.
Có thể thấy Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục tuy đều học Đẩu chuyển tinh di nhưng chưa thể khai thác hết sức mạnh của tuyệt kỹ này như Mộ Dung Long Thành năm xưa.
Mộ Dung Phục luyện Đẩu chuyển tinh di chưa thông, chỉ biết "chuyển" mà chưa biết "phản".
Nguyên tổ tiên Mộ Dung thuộc dòng họ Tiên Ty đời xưa. Hồi loạn Ngũ Hồ, họ Mộ Dung năm xưa ở Trung Nguyên đánh Đông dẹp Bắc oai phong lừng lẫy, dựng ra những triều đại Tiền Yên, Hậu Yên, Nam Yên và Tây Yên.
Sau nhà Bắc Nguỵ diệt con cháu họ Mộ Dung, họ tản cư đi khắp nơi nhưng vẫn truyền đời dặn con cháu hoài bão ý niệm trung hưng phục quốc. Nhưng trải qua các triều đại Tùy , Đường họ Mộ Dung ngày càng suy yếu, nên nguyện vọng khôi phục nước Đại Yên ngày càng mờ mịt.
Mãi đến cuối đời Ngũ Đại, trong họ Mộ Dung bỗng sản sinh ra Mộ Dung Long Thành, một nhân vật kỳ tài, trăm đời hiếm thấy. Ông sáng tạo ra Đẩu chuyển tinh di, tuyệt học võ công “lấy gậy ông đập lưng ông” đầy ảo diệu.
Bất luận đối phương sử dụng loại công phu, binh khí, ám khí nào, đều có thể phản kích đến đối phương tự thân. Người ra tay võ công càng cao, chết kiểu này càng là xảo diệu, chính thức công phu ở chỗ, đem đối thủ binh khí quyền cước chuyển đổi phương hướng, làm đối thủ tự làm tự chịu. Đẩu chuyển tinh di có rất nhiều nét tương đồng với Càn khôn đại na di của Minh giáo, đem lực của địch trả lại cho địch.
Với tuyệt học này, Mộ Dung Long Thành nhanh chóng trở thành cao thủ không ai địch nổi, vang danh thiên hạ. Ông ta cũng không quên di huấn của tổ tiên, quyết một phen làm đại nghiệp, phục hưng lại nước Yên. Nhưng thế lớn thiên hạ phân ly có ngày tất đi đến chỗ thống nhất giang sơn. Triệu Khuông Dẫn dựng lên nhà Đại Tống rồi bốn bể thanh bình, lòng người thịnh trị. Ông tuy võ công cao cường, rút cục cũng không gây dựng lên đại nghiệp do đó buồn bực mà chết.
Cảnh trong phim Thiên long bát bộ.
Dù chỉ được nhắc tới rất ít nhưng Mộ Dung Long Thành vẫn được đánh giá cao so với nhiều đại cao thủ khác của truyện cố nhà văn Kim Dung. Bởi công phu chuyển hoán đòn tấn công nghe thì đơn giản nhưng lại rất vi diệu. Người sử dụng cần có thân pháp rất cao đồng thời cũng cần am hiểu nhiều môn võ khác để có thể lựa đúng lúc tấn công mà phản đòn. Nếu như Độc Cô Cầu Bại với những đường kiếm tấn công khiến địch khó mà toàn mạng thì Mộ Dung Long Thành lại được ví như bức tường phòng thủ độc dị nhất, địch đánh vào như tự đấm bản thân, thế mới thấy được mức độ ghê gớm.
Tiếc thay, cuộc đời của Mộ Dung Long Thành khá ngắn ngủi, chưa kịp tranh hùng với thiên hạ thì lại cay đắng rời xa thế gian. Có lẽ đây phần nào là số phận của nhà Mộ Dung, cứ khao khát tìm về một thứ đã quá xa trong quá khứ mà bỏ quên đi hiện tại.
Nếu như thay vì phục quốc, họ Mộ Dung suy tính nhiều hơn về giang hồ thì có lẽ, họ Mộ Dung đã trở nên uy chấn hơn nhiều lần. Mộ Dung Bác và Mộ Dung Phục cũng có thể chuyên tâm luyện Đẩu chuyển tinh di để có thể phô diễn hết toàn bộ tinh hoa của tuyệt kỹ này như Mộ Dung Long Thành.