Lúc sinh thời, nhà văn Kim Dung từng thiết kế chữ khắc trên mộ chí cho chính mình: "Có một người đang nằm ở đây. Từ thế kỷ 20 đến thế kỷ 21, người đó đã viết hơn mười mấy bộ tiểu thuyết kiếm hiệp. Tiểu thuyết của người đó được hơn mấy trăm triệu người thích...".
Hấp dẫn và lôi cuốn, không ngạc nhiên khi tiểu thuyết Kim Dung liên tục được dàn dựng thành phim trong khoảng 40 năm qua, nhưng chủ yếu là phim truyền hình. Hầu như năm nào cũng có ít nhất một tác phẩm của ông tái xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, bởi đơn giản, còn người xem thì nhà đài còn tiếp tục sản xuất.
|
Kim Dung - một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại đã qua đời vào ngày 30/10, hưởng thọ 94 tuổi.
|
Trang Sohu viết, ngay cả khi chưa đọc qua tác phẩm gốc của Kim Dung, nhiều người ắt hẳn đã xem những bộ phim chuyển thể từ nguyên tác của ông. Trong lòng nhiều người trẻ thuộc thế hệ 9x, 8x và cả 7x đều bồi hồi, dậy sóng trong lòng khi thoáng nghe đâu đó khúc tiêu réo rắt giữa bầu trời thảo nguyên Mông Cổ, hay cánh cung kiêu hùng bắn rơi chim điêu giữa đại mạc bao la trong phiên bản điện ảnh năm 2003 của danh tác "Anh hùng xạ điêu". Có lẽ, giữa thời đại mà phim bộ Trung Quốc đã phát triển quá đà với những Diên Hi công lược, Như Ý truyện hay nhiều bộ phim sắc hiệp đội lốt võ lâm thì đôi khi người ta lại nhớ về cái thời xưa cũ ấy, khi những tác phẩm kiếm hiệp của "nhất đại tông sư" - nhà văn Kim Dung được chuyển thể thành phim - mộc mạc mà cuốn hút dữ dội. Tuổi thơ của chúng ta, có lẽ ít ai không lớn lên cùng với những Thiên Long Bát Bộ, Xạ Điêu tam bộ khúc, Tiếu ngạo giang hồ hay Lộc Đỉnh ký, với những trưa hè và đêm muộn ôm chiếc TV đen trắng, xoay tới xoay lui chiếc anten để nhìn cho rõ nội công tâm pháp của các anh hùng hào kiệt Trung Nguyên năm nào.
Tiểu thuyết Kim Dung giúp nửa làng giải trí nổi tiếng, sáng tạo nên những anh hùng kỳ hiệp và giai nhân tuyệt sắc
Trong bài đăng ngày 30/10, South China Morning Post gọi Kim Dung là "người khổng lồ" dùng cả đời để cống hiến cho văn học Trung Quốc. Trang này tôn vinh tác giả tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ là nhà sử thi vĩ đại nhất trong thế kỷ 20, một người vẽ nên thế giới muôn hình vạn trạng của võ thuật, văn hóa Trung Hoa thông qua từng dòng truyện, trang sách. Từ 1955 đến 1972, trong suốt 17 năm, Kim Dung đã dùng trí tưởng tượng phong phú viết nên tổng cộng 15 tác phẩm với 1500 nhân vật. Dưới thời đại mà Anh Quốc cai trị Hong Kong, người dân vùng đất này phải di cư đến Đại lục, hình ảnh giang hồ, thiên hạ, quốc gia do Kim Dung khắc họa nên đã trở thành thế giới tưởng tượng của độc giả, diễn viên, nhà làm phim.
Năm 1958, việc cải biên Xạ điêu anh hùng truyện thành phim đã giúp Kim Dung được công nhận là võ lâm minh chủ. Câu chuyện về cậu bé ngu ngơ, thuần hậu Quách Tĩnh trở thành cao thủ võ lâm, một đại hiệp vì dân vì nước chinh phục hoàn toàn độc giả. Ông vượt qua Lương Vũ Sinh, trở thành ngọn cờ đầu của tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Đến nay, khi thời gian vừa tròn 60 năm, màn ảnh ghi nhận 36 phim điện ảnh, 66 phim truyền hình, 1 phim hoạt hình, 11 bộ truyện tranh, 33 bộ game. Xạ Điêu Anh Hùng Truyện cũng trở thành tác phẩm được cải biên nhiều nhất.
Năm 1983 khi lên sóng đài TVB, Anh hùng xạ điêu của Huỳnh Nhật Hoa và Ông Mỹ Linh tạo nên cơn sốt hâm mộ trên khắp châu Á. Cả hai được đánh giá là cặp đôi kinh điển nhất cho 2 nhân vật Quách Tĩnh và Hoàng Dung. Hình tượng Hoàng Dung hoạt bát tinh ranh do Ông Mỹ Linh thể hiện như bước ra từ cuốn sách gốc.
Thần điêu đại hiệp cũng là bộ trong những bộ tiểu thuyết được chuyển thể nhiều nhất của Kim Dung từ trước đến nay. Với 9 lần tái bản khác nhau nhưng đối với khán giả mà nói chỉ có Thần điêu đại hiệp dưới sự thể hiện của Cổ Thiên Lạc và Lý Nhược Đồng mới có thể trở thành kinh điển khi sở hữu cho mình vẻ đẹp tuyệt sắc giai nhân cùng những cảnh quay khi thi triển võ công vô cùng đẹp mắt. Và cũng chính bản Thần điêu đại hiệp năm 1995 này được đánh giá là bản sát với nguyên tác nhất với tạo hình nhân vật phù hợp, phạm vi ngoại cảnh cũng rất nhiều.
Khi Lý Nhược Đồng nghe tin nhà văn Kim Dung qua đời, cô xúc động: "Tiểu Long Nữ dưới ngòi bút của ông đã mang đến cho tôi mọi thứ". Ngoài Lý Nhược Đồng, khán giả cũng dễ dàng nhận thấy, Lưu Diệc Phi, Huỳnh Hiểu Minh, Dương Mịch đạt được nhiều thứ, bước lên hàng sao hạng A khi góp mặt vào phiên bản năm 2006.
|
"Thần Điêu Hiệp Lữ" phiên bản Cổ Thiên Lạc, Lý Nhược Đồng.
|
Ỷ Thiên Đồ Long Ký, Lộc Đỉnh Ký, Thiên Long Bát Bộ là ba bộ tiếp theo của Kim Dung được làm đi làm lại. Đặc biệt, Ỷ thiên đồ long ký là cuốn cuối cùng trong bộ tiểu thuyết Xạ điêu tam khúc của nhà văn Kim Dung từng được 8 lần chuyển thể. Đa số những bộ phim được chuyển thể của Ỷ thiên đồ long ký đều nhận được sự đánh giá cao của khán giả như bản TVB của Ngô Khải Hoa hay Lương Triều Vỹ... Nhưng đến với bản mới của Tô Hữu Bằng và Giả Tịnh Văn cùng sự phát triển của công nghệ bằng những cảnh quay hoành tráng, dàn diễn viên nổi tiếng, xinh đẹp đã giúp cho bộ phim ghi đậm dấu ấn trong lòng khán giả. Nhân vật Triệu Mẫn của Lê Tư và Giả Tịnh Văn cũng trở thành hình tượng yêu thích của biết bao thế hệ.
Đầu những năm 1990, khi phim hài chiếm lĩnh thị trường Hong Kong, lan sang cả Đại Lục, tạo ra ảnh hưởng đến cách sống của thế hệ trẻ lúc bấy giờ, Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung cũng nhập cuộc, trở thành tác phẩm khuynh đảo màn ảnh. Châu Tinh Trì, Lương Triều Vỹ, Trần Tiểu Xuân, Trương Vệ Kiện đều là Vi Tiểu Bảo bất diệt trong lòng khán giả mỗi giai đoạn, mỗi độ tuổi.
Về phần Thiên Long Bát Bộ, báo giới Hoa ngữ nhận xét đây là tác phẩm chế tạo nên những ngôi sao. Phiên bản điện ảnh năm 1994 của Củng Lợi, Trương Mẫn, Lâm Thanh Hà đã giúp họ vang danh màn bạc. Vương Phi cũng nổi đình nổi đám khi phụ trách nhạc phim.
Người mê tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung hầu như đều biết đến đến đôi câu thơ chữ Hán ghép từ chữ đầu 14 tiểu thuyết của ông. "Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc/Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên". (Tạm dịch là Tuyết bay liền trời bắn hươu trắng/ Sách cười thần hiệp dựa uyên xanh).
Các từ trong câu thơ là lần lượt nói về các tác phẩm sau: Phi hồ ngoại truyện (1960), Tuyết sơn phi hồ (1959), Liên thành quyết (1963), Thiên long bát bộ (1963), Xạ điêu anh hùng truyện (1957), Bạch mã khiếu tây phong (1961), Lộc Đỉnh ký (1969-1972), Tiếu ngạo giang hồ (1967), Thư kiếm ân cừu lục (1955), Thần điêu đại hiệp (1959), Hiệp khách hành (1965), Ỷ Thiên Đồ Long ký (1961), Bích huyết kiếm (1956), Uyên ương đao (1961).
Bộ thứ 15 của Kim Dung chính là Việt Nữ Kiếm, ý định ban đầu của ông là sáng tác ngắn nên không có trong chuỗi tác phẩm trên.
Các tác phẩm của Kim Dung phổ biến đến nỗi lúc bấy giờ ông được ca ngợi rằng: "Bất cứ nơi nào có người Hoa, nơi đó sẽ có độc giả của Kim Dung". Giang hồ, thiên hạ, quốc gia dưới ngòi bút của ông không chỉ là thế giới tâm hồn của bao độc giả mà còn là bệ phóng giúp nửa giới giải trí thành danh.
Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Lương Triều Vỹ, Lý Liên Kiệt, Cổ Thiên Lạc, Lâm Thanh Hà, Củng Lợi, Trương Mẫn, Khâu Thục Trinh... giờ đây đều là tên tuổi hàng đầu, là anh cả chị hai của giới nghệ thuật. Các thế hệ diễn viên tiếp theo như Trần Tiểu Xuân, Trương Vệ Kiện, Lâm Tâm Như, Châu Tấn, Huỳnh Hiểu Minh, Lưu Diệc Phi, Dương Mịch, Trần Nghiên Hy, Trần Hiểu, Hồ Ca, Lâm Y Thần... cũng là sao đình đám của màn ảnh Hoa ngữ.
Kim Dung qua đời, thời đại võ thuật vang danh năm nào cũng chính thức khép lại
Khi Kim Dung qua đời vì bệnh tật ở tuổi 94 vào chiều 30/10, nhà văn Nghê Khuông nhận điện thoại từ truyền thông, bàng hoàng hỏi: "Tin tức này đến từ đâu?".
Mặc dù đã có tuổi, sinh lão bệnh tử là lý lẽ thường tình nhưng sự mất mát của Kim Dung vẫn khiến cho người trong giới cảm thấy lúng túng ngạc nhiên. Trong bài viết mới nhất của trang BBC tiếng Trung có ca ngợi Kim Dung là "một hiện tượng văn học kiệt xuất của Trung Quốc". "Ông dường như là một người đại diện riêng cho một thể loại văn học - tiểu thuyết kiếm hiệp. Từ Hong Kong đến Đại Lục, từ khán giả xem truyền hình đến độc giả đọc báo, từ tầng lớp bình dân đến những nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước, từ những nhà trí thức trong nước đến các học giả Âu-Mỹ, không ai có thể phủ nhận được tầm ảnh hưởng của Kim Dung đối với nền văn học hiện đại của nước nhà", BBC nói về vai trò của cố nhà văn trong bài viết mới nhất.
|
Kim Dung không chỉ là tiểu thuyết gia võ hiệp mà còn là nhà báo kiệt xuất.
|
Sự nghiệp sáng tác của Kim Dung có thể nói là thăng hoa từ khá sớm. Năm 1955 (khi ông 31 tuổi), lúc đang làm việc tại Tân Văn Báo (Hong Kong), Kim Dung cho ra mắt cuốn tiểu thuyết võ hiệp đầu tay là Thư Kiếm Ân Cừu Lục. Năm 1972 khi kết thúc việc sáng tác văn học, ông đã có trong tay 15 tác phẩm được xếp vào dạng kinh điển. Năm 35 tuổi (1959), ông và người vợ thứ 2 Chu Mai cùng nhau thành lập tờ Minh Báo rồi xuất bản Thần Điêu Hiệp Lữ trên đây. Ở thời kỳ đỉnh cao, ông không chỉ duy trì việc ra chương mới mà còn dành thời gian viết bình luận xã hội mỗi ngày. Công việc bận rộn như vậy nhưng ông vẫn đều đặn tiến hành trong 10 năm, thúc đẩy Minh Báo trở thành một trong những trang báo có ảnh hưởng nhất nhì Hong Kong.
Trong khoảng thời gian này cũng xảy ra một chuyện thú vị, đó chính là việc Kim Dung nhờ Nghê Khuông viết hộ Thiên Long Bát Bộ. Vì tác phẩm mỗi ngày phải ra chương mới trên Minh Báo nhưng Kim Dung bị gián đoạn mạch viết do không ít lần phải rời Hong Kong nên ông đã ủy thác việc sáng tác cho bạn mình. Tình tiết A Tử bị Đinh Xuân Thu hại mù mắt là do tiểu thuyết gia kiêm biên kịch này chắp bút. Sau này, Kim Dung đã dùng cách đổi mắt, giúp A Tử nhìn thấy trở lại.
Năm 48 tuổi, sau khi kết thúc cuốn Lộc Đỉnh ký (1969-1972), ông nghỉ viết tiểu thuyết. Năm 1993, ông tuyên bố rời chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Minh Báo, chính thức cáo biệt tờ báo do một tay ông gây dựng. Sau đó, ông bán lại trang báo cho một người tâm huyết bằng tuổi con trai cả của mình.
Năm 2007, Kim Dung từ chức Hiệu trưởng Học viện Nhân văn thuôc Đại học Triết Giang. Ba năm sau, ở tuổi 86, ông hoàn thành bằng tiến sĩ tại Đại học Cambridge. Không chỉ ở lĩnh vực văn học, người ta còn ngưỡng mộ Kim Dung bởi thời đại mà ông sống chứng kiến vô số sự kiện lịch sử của Trung Quốc thế kỷ trước. Những năm cuối đời, Kim Dung vẫn tiếp tục con đường học vấn, tiếp thu văn hóa thời đại để rồi trở thành nhân vật quan trọng trong văn hóa Trung Quốc.
Trang Sohu bày tỏ: "Kim Dung ra đi, giống như cú hạ màn của kỷ nguyên võ thuật", trích lời một người từng hỏi Kim Dung: "Nên trải qua cuộc đời này thế nào?". Ông đáp: "Đại náo một trận, lặng lẽ rời đi".