Hòa Thân (1750-1799) là một vị quan đại thần của triều Mãn Thanh thời vua Càn Long. Xuất thân là một công tử Mãn Châu, khi 10 tuổi ông được đưa vào cung học. Khi mới gia nhập triều đình, Hòa Thân giữ chức vụ thị vệ. Sau được vua Càn Long sủng ái cùng với năng lực bản thân, Hòa Thân đã giữ nhiều trọng trách trong triều đình.
Tinh thông nhiều thứ tiếng
Thuở nhỏ Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học cùng xuất thân Bát kỳ khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế.
Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.
Nhờ tinh thông Tứ thư, Ngũ kinh và nhiều thứ tiếng nên dù không tiến thân bằng gia thế hay từ công danh khoa bảng. Hòa Thân sau đó vẫn được thăng tiến dần lên các chức hàm quan trọng trong triều đình như: Đại học sĩ, Quân cơ đại thần, Cửu môn đề đốc.
Càn Long là một trong những vị hoàng đế thọ nhất Trung Quốc, ông truyền ngôi cho con khi đã qua 60 năm cầm quyền, thoái vị trở thành Thái thượng hoàng. Nhưng ở tuổi 89, Càn Long vẫn minh mẫn giúp vua Gia Khánh xử lý triều chính, ra mệnh lệnh hết sức chính xác, khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc.
Có giai thoại kể lại về câu chuyện thoái vị của Càn Long. Trong 1 lần thiết triều, vua Càn Long đột nhiên viết 1 chữ "Thiện" trước mặt tất cả bá quan văn võ triều đình. Trong triều mọi người đều cười bởi nghĩ Càn Long ám chỉ ý "Thiện" là thiện ý, thế nhưng duy nhất chỉ có 1 mình Hòa Thân đứng sững, mặt mày tái mét.
Vì chính Hòa Thân hiểu rõ nhất ẩn ý thực sự của Càn Long phía sau chữ "Thiện" này là ý tứ muốn nhường ngôi – thiện vị!
Càn Long sùng bái nhất là ông nội Khang Hy, tình cảm của Càn Long và Khang Hy đôi khi còn sâu đậm hơn với Ung Chính. Theo đó, Càn Long lúc sinh thời đã thề rằng sẽ không ở ngôi lâu hơn ông nội của mình. Và sự thật là ông đã nhường ngôi sau khi tại vị được 60 năm, còn Khang Hy đã ở trên ngai vàng tới năm thứ 61. Nhiều người cho rằng việc chủ động nhường ngôi này là vì Càn Long không muốn bất kính với tổ phụ (ông nội).
Hòa Thân ỷ vào quyền cao chức trọng vơ vét của cải, không coi ai ra gì, quan hệ với các hoàng tử cũng rất kém. Càn Long nhường ngôi, hoàng tử nào lên làm hoàng đế cũng sẽ khiến Hòa Thân phải đối mặt với những sóng gió trước mắt, bởi vậy y mới tỏ ý lo lắng và sợ sệt.
Quả đúng vậy, ngay sau khi Càn Long qua đời, vua Gia Khánh đã xử tội đại quan tham Hòa Thân. Ngày 12/2/1799, Hòa Thân bị bắt cùng với Phúc Trường An. Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản.
Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông tự vẫn tại phủ và ân xá tha cho đại gia đình Hòa Thân.