Cảm xúc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày 30/4/1975

Google News

“Thời điểm hạnh phúc nhất trong đời chiến đấu là khi từ mặt trận báo về tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh cho quân đội của ông ngừng bắn”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói.

Nhà báo người Pháp Jean Claude Pomonti, phóng viên tờ Le Monde (Thế Giới), trong cuốn sách chân dung tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn mang tựa đề Một người Việt trầm lặng (NXB Thế giới, 2017, Nguyễn Văn Sự dịch), đã viết về cảm xúc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày Sài Gòn giải phóng.
“Nhân kỷ niệm 25 năm giải phóng Sài Gòn, tôi gặp lại ông, cùng một số nhà báo. Ông đã đọc lời phát biểu, nhắc lại thời điểm hạnh phúc nhất trong đời chiến đấu là khi từ mặt trận báo về tướng Dương Văn Minh đã ra lệnh cho quân đội của ông ngừng bắn để tránh cho Sài Gòn một cuộc tắm máu”.
Đại tướng cũng khẳng định: “30/4 là ngày thắng lợi hoàn toàn của một nước thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, một thắng lợi thần kỳ”.
Cam xuc cua Dai tuong Vo Nguyen Giap trong ngay 30/4/1975
Những diễn biến chi tiết về hoạt động tại Tổng hành dinh được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại chi tiết trong cuốn hồi ức. 
Không khí hân hoan ở Tổng hành dinh trong giờ toàn thắng
Trong cuốn hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân đại thắng (Phạm Chí Nhân thể hiện, NXB Chính trị Quốc gia, 2000), đại tướng kể lại diễn biến khi đón nhận tin chiến thắng:
10h sáng. Đồng chí Nguyễn Thanh, Trưởng phòng 70 Cục Tình báo vào báo cáo tin vừa nhận được. Theo Đài Phát thanh Nhật Bản, Quân giải phóng miền Nam có xe tăng dẫn đầu, đang tiến vào Sài Gòn. Mấy phút sau, có tin thêm Dương Văn Minh đề nghị ngừng bắn để thương lượng.
Mọi người cùng nói: "Chỉ có đầu hàng vô điều kiện. Còn gì đâu mà thương lượng".
Tôi viết ngay một bức điện, lệnh cho các cánh quân tiếp tục tiến công. Nội dung bức điện được đọc lên, tất cả đều nhất trí. Cùng lúc đó, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh cũng điện cho các quân đoàn và đoàn 232 không vì có tin ấy mà dừng lại.
10h50. Cục Tình báo báo cáo quân ta đã vào dinh Tổng thống nguỵ. Ngay sau đó, các đài phát thanh phương Tây cũng đưa tin này.
11h30. Đồng chí Nguyễn Duy Phê, Cục phó Cục Cơ yếu, mang vào phòng họp bức điện của anh Lê Trọng Tấn, báo cáo một đơn vị thuộc cánh quân phía đông đã cắm cờ lên Dinh Độc Lập.
Mọi người vây quanh tấm bản đồ chiến sự. Tin từ các hướng tới tấp điện về. Năm cánh quân của ta hợp điểm giữa Sài Gòn.
Quân đoàn II chiếm Dinh Tổng thống. Quân đoàn IV chiếm Bộ Quốc phòng, cảng Bạch Đằng và Đài phát thanh. Quân đoàn I chiếm Bộ Tổng Tham mưu và khu vực các bộ tư lệnh các binh chủng. Quân đoàn III chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Đoàn 232 chiếm Biệt khu thủ đô và Tổng nha cảnh sát. Kế hoạch tác chiến chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành thắng lợi.
Trong không khí hân hoan, hội nghị sôi nổi trao đổi về những biện pháp cuối cùng. Tôi điện ngay vào chiến trường thông báo ý kiến của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương:
"Có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách Tổng thống mà với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân. Đã nhận tin ta cắm cờ lên dinh Độc Lập lúc 11h. Các anh trong Bộ Chính trị rất vui, rất vui".
Bức điện gửi đi lúc 12h25.
Hội nghị ngừng họp.
Các đồng chí lãnh đạo ra cả ngoài hành lang. Tiếng cười nói rộn ràng, vui vẻ. Phấn khởi, nghẹn ngào, xúc động đến trào nước mắt.
Đại tướng đã chỉ thị cho Cục Tuyên huấn thuộc Tổng cục Chính trị điện ngay cho Việt Nam Thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam kịp thời truyền tin thắng lợi, và chuẩn bị viết thông cáo chiến thắng.
Chỉ 15 phút sau, đài đã ngừng buổi phát thanh thường lệ, phát đi phát lại những dòng tin phấn khởi mà muôn vạn con tim Việt Nam đón đợi: Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Lẫn vào tiếng loa phóng thanh, tiếng reo hò, hoan hô chiến thắng vang dậy khắp phố phường.
12h50. Thiếu tướng Cao Văn Khánh, Phó tổng Tham mưu trưởng, Đại tá Lê Hữu Đức, Cục trưởng Cục tác chiến, đại tá Nguyễn Trọng Yên và thượng tá Phạm Chí Nhân, Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn có mặt tại sở chỉ huy.
Không ai chú ý đến nghỉ ngơi, cơm nước. Được sống trong giờ phút lịch sử của dân tộc, ai cũng muốn được ghi lại hình ảnh kỷ niệm vô giá này.
Trước tấm bản đồ thành phố Sài Gòn - Gia Định, mọi người đứng dậy, chăm chú nhìn theo hướng tay tôi chỉ.
Thượng uý Nguyễn Tiến Trỗ, cán bộ bảo vệ thường xuyên đi với tôi, nhà nhiếp ảnh nghiệp dư với chiếc máy ảnh hiệu Kiev, đã bấm liền 3 kiểu ở góc độ thích hợp.
Cam xuc cua Dai tuong Vo Nguyen Giap trong ngay 30/4/1975-Hinh-2
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh tại Tổng hành dinh trong ngày toàn thắng. Ảnh tư liệu. 
Nhớ Bác trong ngày toàn thắng
Những dòng hồi ký cho biết rõ hơn về cảm xúc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi chiều lịch sử năm ấy:
Mặt trời đã khuất bóng sau rặng cây xà cừ trên đường Hoàng Diệu. Hà Nội đã lên đèn. Còn lại một mình trong phòng làm việc với niềm vui náo nức, mà sao nước mắt tôi cứ trào ra. Giá như còn Bác.
Tư tưởng cách mạng và tư tưởng quân sự của Bác đã mang về thắng lợi trọn vẹn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Câu thơ xuân "đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào" đã vạch đường đi nước bước để có thắng lợi hôm nay.
Tôi lên xe đi một vòng quanh Hà Nội. Cả một rừng cờ hoa dậy lên tự lúc nào. Người đi chật phố, chật đường, vui như trảy hội. Đêm nay, thủ đô đốt pháo hoa mừng toàn thắng. Đêm nay, Hà Nội, cả nước vui với Sài Gòn, vui với miền Nam.
Trở lại cửa tây, tôi vào Sở chỉ huy tiếp tục làm việc. Hình ảnh các anh lãnh đạo, chỉ huy bộ đội ở chiến trường lúc này hiện về rõ nét.
Chắc các anh đã nhiều đêm không ngủ. Chắc các anh cũng hân hoan, xúc động như chúng tôi ở ngoài này. Dưới sự chỉ huy của các anh, quân ta đã "tiến vào Sài Gòn" ca vang câu hát: "Đồng bào ơi, ta đã về đây" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, như ngày nào bộ đội ta từ năm cửa ô tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội, ca vang bài hát của nhạc sĩ Văn Cao.
Trong điện gửi anh Văn Tiến Dũng và các đồng chí trong Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh, thay mặt Quân uỷ Trung ương, tôi tuyên dương công trạng các lực lượng vũ trang ta đã cùng đồng bào Tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giành thắng lợi vang dội, làm nức lòng quân và dân cả nước và bè bạn 5 châu.
Một khuôn mặt trìu mến, thân quen chợt hiện lên trong tôi: Trung tướng Lê Trọng Tấn, người chỉ huy cánh quân đầu tiên tiến vào Dinh Tổng thống nguỵ quyền.
Tôi viết ngay một bức điện vượt ra ngoài khuôn phép thông thường về quân sự: "18h30. Anh Tấn ơi! Làm ăn tốt quá! Phấn khởi quá! Chúc các anh rất khoẻ và chuyển lời mừng chiến thắng của mình cho các tướng trong đó. Ký tên: Văn".
Theo Lê Tiên Long/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)