Bốn quả đấm cho trận thắng cuối cùng

Google News

(Kiến Thức) - Trước giờ nổ súng Tổng công kích vào TP Sài Gòn - Gia Định, các binh đoàn chủ lực của ta đã hành quân thần tốc, tập trung lực lượng...

Các đơn vị pháo bố trí trận địa trên núi cao, quân đoàn quyết định để pháo lại cho địa phương. Bộ đội chuyển sang dùng pháo thu được của địch. Các chiến sĩ lái xe, thợ sửa chữa, tích cực thu hồi, tìm kiếm phụ tùng thay thế và sửa chữa, đưa vào sử dụng 487 xe vận tải và xe kéo pháo. 
Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến
Nhân dân Huế, Đà Nẵng giúp quân đoàn hơn 100 xe vận tải cùng với người lái. Bộ Tổng Tham mưu tăng cường cho quân đoàn Trung đoàn 83 công binh cầu phà để mở đường và một số tàu biển để cơ động bộ đội từ Đà Nẵng vào Quy Nhơn. Được sự giúp đỡ của Quân khu 5, Cục Hậu cần của quân đoàn sử dụng một tổ đi trước xét nghiệm và thu hồi xăng dầu của địch, phục vụ hành quân.
Ngày 7/4/1975, sau khi để lại Sư đoàn 324 bảo vệ Huế, Đà Nẵng và làm lực lượng dự bị, cánh quân Duyên Hải gồm đại bộ phận lực lượng Quân đoàn 2 được tăng cường Sư đoàn 3, Tiểu đoàn 3 thiết giáp Quân khu 5, hành quân theo đường số 1 tiến về phía nam. Đội hình hành quân kéo dài hàng trăm km gồm 2.276 xe chở bộ đội và chở hàng, 89 xe tăng, thiết giáp, 223 xe kéo pháo (87 khẩu pháo mặt đất và 136 khẩu pháo cao xạ). Nhân dân vùng mới giải phóng vô cùng phấn khởi, tin tưởng khi được tận mắt chứng kiến sự hùng mạnh của quân đội, tinh thần chiến đấu dũng cảm và phẩm chất cách mạng của cán bộ, chiến sĩ ta.
Thực hiện “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, toàn bộ lực lượng của quân đoàn bố trí đội hình hành quân và tiến công trong hành tiến bằng sức mạnh hiệp đồng binh chủng. Khối đi trước có sức đột phá mạnh gồm bộ binh, xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ, có thể đập tan các khu vực phòng ngự của địch và có lực lượng công binh mạnh, gồm công binh của Bộ, công binh Đoàn 559 tăng cường và của quân đoàn, sẵn sàng khắc phục những trở ngại trên đường tiến quân. Khối đi giữa có trung tâm chỉ huy, hoả lực chi viện và các lực lượng tăng cường. Phía sau là lực lượng dự bị hùng hậu gồm bộ binh và các binh chủng.
Bon qua dam cho tran thang cuoi cung
 Ảnh minh họa.
Bao vây từ nhiều mặt
Được sự giúp đỡ của đảng bộ và nhân dân các địa phương, quân đoàn đã sửa chữa 8 cầu bị địch đánh hỏng, mở mới hàng chục km đường quân sự  làm gấp, đưa tốc độ hành quân ngày cao nhất lên 185km. Vừa hành quân, cán bộ, chiến sĩ vừa rút kinh nghiệm trận chiến đấu ở Huế - Đà Nẵng; đồng thời tranh thủ học tập, sử dụng các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật thu được của địch hiện đang chiếm một tỷ lệ khá lớn trong số vũ khí trang bị của quân đoàn, thực hiện “lấy của địch đánh địch”.
Ngày 11/4, bộ phận đi đầu của quân đoàn vào tới Cam Ranh. Ngày 16/4, toàn quân đoàn tới cửa ngõ Phan Rang, nơi địch đang dồn sức lập tuyến phòng thủ nhằm ngăn chặn bộ đội ta từ xa.
Phía Tây - Nam Sài Gòn, để thực hiện chia cắt chiến lược giữa Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời tạo thế đưa lực lượng áp sát Sài Gòn từ hướng này, ngay từ đầu năm 1975, căn cứ vào chủ trương của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh đã chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Miền, đưa một bộ phận chủ lực xuống hoạt động ở chiến trường Khu 8. Tháng 2/1975, Đoàn 232 được thành lập gồm Sư đoàn 5, Sư đoàn 3 bộ binh, các đơn vị binh chủng và được tăng cường thêm Sư đoàn 9 Quân đoàn 4. Đồng chí Lê Đức Anh được cử làm Tư lệnh, đồng chí Lê Văn Tưởng làm Chính uỷ. Giữa tháng 4, Sư đoàn 3 và Sư đoàn 9 đã mở được khu vực An Ninh - Lộc Giang, tạo bàn đạp mới rất thuận lợi để tiến đánh Sài Gòn.
Như vậy là, trước giờ nổ súng Tổng công kích vào TP Sài Gòn - Gia Định, các binh đoàn chủ lực của ta đã hành quân thần tốc, tập trung lực lượng, tạo được thế trận bao vây thành phố từ nhiều mặt với bốn quân đoàn, bốn quả đấm cho trận thắng cuối cùng. 
TS Nguyễn Thành Hữu

>> xem thêm

Bình luận(0)