Còn về mộ táng, lần đầu tiên ghi nhận trường hợp mộ được mai táng song song trong tư thế nằm co bó gối thuộc văn hóa Hòa Bình. Muốn biết chính xác niên đại tuyệt đối còn phải chờ kết quả phân tích C14, nhưng ít nhất cho đến thời điểm này, giới chuyên môn có thể đồng thuận bước đầu niên đại di cốt của cư dân người Việt cổ mới phát hiện ở vùng lõi Tam Chúc vào khoảng 12.000-10.000 năm trước.
Ngoài di cốt người Việt cổ, các nhà khoa học còn thu được xương động vật tại các ngôi mộ cổ.
Những phát hiện mới
Tháng 4/2023, nhóm các nhà khảo cổ tại hang Đội 4 gồm TS Phạm Thanh Sơn, Ths Đỗ Văn Hiến, TS Nguyễn Gia Đối, GS Ben Marwick, PGS.TS Nguyễn Lân Cường…. tiến hành khai quật lần thứ nhất tại hang Đội 4. Qua 24 lớp đào cho thấy một số vị trí của hang cũng bị xáo trộn nhưng cơ bản đó chỉ là những hiện tượng có tính chất cục bộ. Nguyên nhân của sự xáo trộn đó có thể bắt nguồn từ hoạt động đào xới bề mặt lấy phân dơi hoặc khi đặt bẫy thú, một số vị trí sát vách hang được đào để đặt bẫy. Ngoại trừ lớp mặt thì tầng văn hóa ở đây ổn định và có thể phân chia thành 13 lớp khác nhau.
Ngoài nhóm hiện vật đá, trong các lớp văn hóa muộn đã phát hiện các di tích mộ táng và di cốt xương răng động vật phân bố khắp các độ sâu trong hố khai quật. Mộ táng M1a (chú thích của nhóm khai quật) xuất lộ ở độ sâu khoảng 45cm so với bề mặt của hố khai quật. Sau khi xử lý và làm sạch, vị trí di cốt nằm sâu nhất so với bề mặt có thể hơn 50cm. Mộ M1a xuất hiện trong lớp đất xám nâu, vị trí phía cẳng chân, đất có màu hơi nâu hồng với kích thước đo được là 97cmx46cm. Đây là mộ được chôn nằm co bó gối với đầu được đặt ở phía Bắc, chân ở phía Nam và mặt nhìn về hướng Đông. Tư thế di cốt, mặt quay về phía bên phải và hai tay co chạm cằm. Tình trạng của di cốt tương đối đầy đủ nhưng xương khá mủn và trật tự các xương theo tư thế giải phẫu. Gần vị trí xương chày, mác trái và xương bàn chân trái lần lượt xuất hiện các xương chi thú nhỏ, mảnh sọ cháy và mảnh tước.
"Từ các chỉ số đo và tình trạng di cốt ở các vị trí khớp đầu xa của xương đùi phải chưa liền cho thấy đây là cá thể bắt đầu trưởng thành. Độ tuổi dao động từ 17-20 mặc dù đã mọc răng hàm số 3 hàm dưới bên phải. Di cốt M1a có góc xương chậu là góc nhọn và thân hàm dưới tương đối cao, có thể gợi ý đây là cá thể nam. Tuy nhiên, do sọ bị vỡ và mất các răng cửa hàm trên, nên không đủ các đặc điểm để nhận biết về chủng tộc của cá thể", nhóm khai quật nhận định.
Tại mộ táng thứ hai, ký hiệu M1b, phát hiện ở độ sâu khoảng 48cm so với bề mặt của hố khai quật, được mai táng theo tư thế nằm co bó gối. Di cốt được đặt với đầu ở phía Bắc và chân ở phía Nam và mặt cũng ngửa nhìn về hướng Nam. "Điều đặc biệt là, M1b được đặt nằm trong lòng cánh tay trái của mộ M1a. Quy mô của mộ dài 61.5cm x rộng 28cm. Tình trạng di cốt còn tương đối đầy đủ và cơ bản nằm cùng bình diện với M1a trong lớp đất mùn nâu và xám. Quá trình xử lý cho thấy, M1b được song táng cùng M1a", nhóm khai quật nhận định.
Hiện trường khai quật hang Đội 4.
Về bệnh lý, răng của M1b có hiện tượng giảm sản men răng dạng đường rất rõ ở răng cửa, nanh và răng tiền hàm của hàm trên ở di cốt. Điều đó cho thấy cá thể bé gái này đã chịu đựng một thời kì ốm dài hoặc bị cai sữa sớm. Đây cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tử vong của M1b ở giai đoạn niên thiếu. Với tình trạng của di cốt ở các vị trí như gờ mắt phải sắc cho thấy nhiều khả năng là nữ. Hơn thế nữa, dựa vào độ mọc răng (mầm răng vĩnh viễn của răng hàm M1b bên trái vừa nhú) có thể xác định đây là bé gái khoảng 5-6 tuổi. Tuy nhiên, cũng giống như M1a, để nhận định về chủng tộc của di cốt vẫn còn thiếu dữ liệu.
Tại mộ thứ 3, ký hiệu M2, cũng xuất hiện ở lớp đào 4 và 5, với độ sâu dao động từ khoảng 48cm - 56cm ở ô H12. Các xương nằm không theo tư thế giải phẫu và tập trung thành cụm dài 46.2cm x rộng 44.0cm. Do vị trí xương nằm không theo tư thế giải phẫu nên không thể xác định được hướng của di cốt được mai táng. Di cốt còn lại bao gồm 2 xương đùi nằm gần nhau, trong đó đùi trái nằm dưới sọ và cánh tay trái M1b. Một phần cánh tay, xương trụ, xương quay phải, xương đòn, xương bả, một số đốt sống ngực và xương thắt lưng nằm rải rác khắp mộ. Nhóm xương sườn, hàm dưới và phần chậu cũng ở trong tình trạng tương tự. Ngoài ra, ở vách đông nam của hố khai quật cách mộ M2 về phía Tây Bắc khoảng 10cm là một công cụ rìa ngang, được chế tác từ cuội sông, suối. Có lẽ, hiện vật này là đồ tùy táng và được chôn cùng với tử thi. Và với tình trạng xương như vậy, đây có lẽ là mộ cải táng.
"Mộ M2 có lẽ được chôn trước hai mộ M1a - M1b và là mộ cải táng", nhóm khai quật cho hay. Ngoài ra, với tình trạng của các xương đùi tương đối lớn và có gờ bám cơ nổi rõ, cùng các xương đã cốt hóa, có thể kết luận di cốt tại mộ M2 là nam trưởng thành. Tuy nhiên, cũng như các mộ M1a-M1b, dữ liệu trên công trường không cho phép để nhận định về chủng tộc của di cốt.
Với di tồn xương răng động vật tại hang Đội 4 cho thấy, đa số di cốt động vật phát hiện trong hố khai quật đều là các loài thú nhỏ. Chúng là một trong những nguồn thức ăn quan trọng của cư dân cổ trong quá khứ tại di tích. Thêm vào đó, thông qua các dữ liệu về cổ động vật sẽ giúp chúng ta hiểu hơn và quá trình khai thác môi trường tự nhiên của cư dân cổ nói chung. Nhóm thú ghi nhận sự có mặt của hươu, hoẵng, xương bàn chân của thú ăn thịt (hổ, gấu), răng khỉ và đặc biệt khá nhiều mảnh xương, sọ và hàm của họ chuột Muridae, chuột Cộc Eothenomys...
Điều đáng nói là tại hang Đội 4, một số sọ, hàm dưới của chuột Cộc cũng được phát hiện. Một số răng hàm không có chân răng, mọc không ngừng và có mặt nhai phẳng dạng men răng hình díc dắc phức tạp. Đây là lần đầu tiên loài này được ghi nhận trong di chỉ khảo cổ học tiền sử, do đó có thể là tư liệu quý để bổ sung vào nghiên cứu khu vực phân bố của loài chuột này ở khu vực tỉnh Hà Nam trong quá khứ. Bởi vì trong các tài liệu về động vật hiện đại, nhóm loài này mới chỉ được ghi nhận có mặt ở khu vực tỉnh Lào Cai. Đối với các di tích cổ sinh, loài này hiện nay chỉ được ghi nhận trong trầm tích Pleistocene muộn ở Lạng Sơn. Ngoài ra, trong hố khai quật cũng phát hiện mảnh công cụ xương dạng mũi nhọn.
Cần có thêm những phân tích khoa học
Cuộc khai quật hang Đội 4 khẳng định đây là một di tích có cấu trúc địa tầng khá phức tạp mặc dù chưa được đào tới sinh thổ (nền đá) do khi xuống sâu thì mật độ đá vôi tảng xuất lộ nhiều hơn. Điều đó khiến cho diện tích hố khai quật bị thu hẹp đáng kể. Cấu trúc địa tầng ở đây là sự đan xen một số lớp văn hóa có độ dày, mỏng và màu sắc khác nhau nhưng có tính ổn định cao. Trong trật tự địa tầng, ở giai đoạn cư trú muộn nhất, cư dân cổ tại hang Đội 4 đã biết đến kỹ thuật mài. Tuy nhiên, mảnh rìu mài lưỡi phát hiện được cho thấy mức độ mài trên rìa tác dụng còn khá hạn chế. Có lẽ, sự xuất hiện của kỹ thuật này cũng chỉ ở mức độ sơ khai.
Theo nhóm khai quật, với những dữ kiện từ cuộc khai quật đưa đến nhận định rằng, trong giai đoạn muộn, mật độ cư trú tại di chỉ và môi trường có sự sống khác biệt rất đáng kể so với giai đoạn sớm. Tuy nhiên, sự khác biệt cụ thể diễn ra như thế nào thì phải đợi các kết quả nghiên cứu về cổ môi trường và cổ khí hậu.
Đối với di tích mộ táng tại hang Đội 4 ghi nhận ở đây tồn tại 2 hình thức mai táng thuộc lớp văn hóa giai đoạn muộn. Nếu như M2 ở giai đoạn sớm là mộ được cải táng thì M1a-M1b lại là mộ được chôn lần đầu ở tư thế nằm co bó gối. Tuy nhiên, điều đặc biệt của mộ M1a- M1b chính là dạng mộ song táng được chôn theo tư thế nằm co bó gối. Đây cũng là lần đầu tiên kiểu táng thức mộ song táng nằm co bó gối được ghi nhận trong văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và ở khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là táng thức đặc trưng của cư dân văn hóa Hòa Bình nói chung… Như vậy, từ các dữ liệu thu thập được trong hố khai quật bước đầu có thể nhận định hang Đội 4 là một di chỉ cư trú, mộ táng.
Trong khi chờ đợi các kết quả phân tích niên đại tuyệt đối, nhóm khai quật bước đầu có những nhận định, đánh giá sơ bộ về thời điểm xuất hiện và hình thành di chỉ: Các dữ liệu địa tầng, loại hình hiện vật phân bố tương ứng với cấu trúc địa tầng có thể cho thấy quá trình chiếm cư của cư dân cổ tại đây có lẽ bắt đầu từ trong giai đoạn cuối của thế Pleistoncene muộn và giai đoạn đầu của Holocene sớm.