Chuyện các vị vua nước Việt tuyển chọn, kết hôn với một số phi tần có nguồn gốc từ các dân tộc, các quốc gia khác không phải là chuyện hiếm thấy, nhưng lại không được sử sách chính thống ghi chép lại nhiều. Riêng Lê Thánh Tông, cũng có thuyết nói rằng trong hậu cung của vua có một phi tần người Chiêm.
Chính sử không có dòng nào ghi chép điều này, còn trong dã sử và một vài truyền tụng dân gian thì cho biết rằng, trong một lần đi Nam chinh đánh Chiêm Thành, vua Lê Thánh Tông có nạp một người phụ nữ Chiêm vào làm tỳ thiếp và đặt tên cho nàng theo tên họ của người Việt là Phạm Thị Ngọc Độ (còn gọi là Ngọc Đô), có tài liệu chép tên nàng phi tần này là Phan Thị Ngọc Đô.
Đối chiếu chi tiết Nam chinh ấy với sử sách thì quả là có chuyện đó, theo chính sử vào đầu năm Tân Mão (1471) vua Lê Thánh Tông đích thân dẫn đại quân hơn 70 vạn người tấn công đánh vào đất Chiêm. Việc binh nhung lần này có mục đích là nhằm diệt mầm họa chiến tranh ở biên cương phía Nam khi mà trước đó vua Chiêm là Trà Toàn liên tục cho quân quấy nhiễu, cướp bóc dân biên giới, có ý định xâm lấn lãnh thổ Đại Việt và âm mưu cấu kết với nhà Minh để uy hiếp nước ta. Đến đầu tháng 3 năm đó, kinh đô Vijaya (Chà Bàn) thất thủ, vua Chiêm là Trà Toàn cùng hơn 3 vạn người bị bắt sống. Đạt được mục đích chính, sau khi chia nước Chiêm Thành ba nước nhỏ là Chiêm Thành, Hoa Anh và Nam Bàn thần phục Đại Việt, Lê Thánh Tông rút quân về ca khúc khải hoàn.
Sử chép, trước khi Trà Toàn bị bắt và kinh đô Vijaya (Chà Bàn) bị hạ, vua Lê Thánh Tông đã có nghiêm lệnh đối với quân tướng khi hành xử với vua nước Chiêm như sau: “Tất cả kho tàng, của cải trong thành đều phải niêm phong giữ kín, không được đốt cháy, Trà Toàn nước Chiêm phải bắt sống đưa về viên môn, không được giết chết” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Nhờ lệnh đó mà Trà Toàn giữ được tính mạng, sử sách cũng viết rằng khi Trà Toàn bị bắt giải đến trước mặt Lê Thánh Tông, có nói với Trà Toàn rằng: “Trong đám gươm giáo, ta sợ ngươi bị hại, nay may mà còn sống đến đây, ta thực yên lòng”.
Trà Toàn chịu quy hàng, cùng gia đình vợ con bị quân Đại Việt bắt về nước. Trên đường đi, đến Nghệ An, ông lo lắng thành bệnh qua đời. Theo mô tả của sách sử thì ông vua Chiêm này là người hiếu thắng, “hung bạo làm càn, dối thần ngược dân, ngạo mạn kiêu căng” và cũng là người hiếu sắc, rất nhiều thê thiếp, phi tần, đông đến nỗi khi bị bắt về Đại Việt, vua Lê Thánh Tông phải cho đi riêng thành nhiều thuyền: “Vua thấy thuyền Trà Toàn đi chật hẹp, không chứa được hết vợ cả, vợ lẽ của hắn, sai cho chọn hai người cùng đi. Còn những người khác, khi về đến kinh sư, sẽ trả lại cả. Vợ của Trà Toàn là con gái Bí Cai, cùng với cháu gái đều là vợ của Bàn La Trà Duyệt là anh Toàn. Thế mà Trà Toàn thông dâm cả” (Đại Việt sử ký toàn thư).
|
Hoàng đế Lê Thánh Tông. (Hình minh họa – Nguồn: nghiencuulichsu.com). |
Chuyện vua Lê Thánh Tông mở cuộc Nam chinh đánh Chiêm Thành là sự kiện lịch sử có thật, tuy nhiên chuyện trong chuyến đánh trận này ông có thêm một phi tần trong hậu cung và mỹ nhân đó lại là người Chiêm, điều này khó có thể đoán định được thực hư.
Có thuyết nói khi dừng chân tại đất Chiêm, vua tình cờ trong thấy một cô gái người Chiêm xinh đẹp, thùy mị nên đón vào hành tại, sau khi về Thăng Long thì đưa nàng vào hậu cung phong làm phi.
Thuyết khác lại nói nàng là một trong số nhưng người đẹp được vua Chiêm tuyển chọn để dâng cống cho Lê Thánh Tông, vậy vua Chiêm ở đây là ai? Chắc chắn không phải là Trà Toàn vì lúc đó ông vua này đã trở thành tù binh; như vậy nếu chuyện dâng cống mỹ nữ này là có thật thì ông vua Chiêm đã làm việc đó là Bô Trì Trì. Theo sách sử ghi chép: “Trà Toàn bị bắt, tướng là Bô Trì Trì chạy đến Phiên Lung [nay là Phan Rang], giữ lấy đất ấy, xưng là vua Chiêm Thành. Trì Trì lấy được 1 phần 5 đất của nước Chiêm, sai sứ sang xưng thần tiến cống. Vua phong cho làm vương” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Dựa vào đoạn ghi chép này của chính sử, có thuyết nói rõ hơn rằng cô gái Chiêm này là vợ của Trà Toàn, bị vua Chiêm mới là Bô Trì Trì bắt đem dâng lên Lê Thánh Tông cùng nhiều bảo vật cống nạp khác để tỏ lòng thần phục, quy thuận. Lại có tư liệu cho rằng trong số những người vợ bị bắt cùng với ông vua bại trận Trà Toàn, có một người sau đó số phận đưa đẩy trở thành vợ của ông vua thắng trận là Lê Thánh Tông. Không rõ Lê Thánh Tông gặp nàng vào hoàn cảnh nào, có thể là khi vợ con Trà Toàn bị bắt vào trình diện, vua đã rung động trước sắc đẹp mỹ miều, diễm lệ của nàng nên mới quyết định để người đẹp trở thành phi tần mới ở chốn hậu cung của mình với những nét quyết rũ riêng biệt, khác lạ của người đẹp chốn phương Nam.
Mỹ nhân người Chiêm đó tên thật là gì, sử sách không ghi chép lại, chỉ biết rằng theo truyền tụng, sau khi thành vợ của Lê Thánh Tông, nàng được ban họ tên theo người Việt, gọi là Phạm Thị Ngọc Đô.
Vua Lê Thánh Tông rất yêu quý, sủng ái người phi tần gốc Chiêm này không chỉ bởi nàng xinh đẹp, nết na mà còn vì tài khéo tay, giỏi thêu thùa, đặc biệt là có tài canh cửi dệt vải lĩnh. Vào cung một thời gian, vì thấy những quan điểm khắt khe của Nho giáo, nhất là đối với việc một cô gái dị tộc lại trở thành phi tần được nhiều sủng ái nên Lê Thánh Tông e là không tiện nên mới quyết định để cho Ngọc Đô ở riêng biệt. Vua lấy một phần đất của làng Trích Sài (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) lập thành trang trại đặt tên là Thiên Niên (Thiên Niên Trang), cho dựng phủ đệ để cung phi Ngọc Đô cùng 24 thị nữ Chiêm và tùy tùng cư ngụ; lại dựng một ngôi chùa gọi là chùa Thiên Niên để họ đến lễ Phật.
Tại trang Thiên Niên, cung phi Ngọc Đô đã khuyến khích việc trồng dâu, nuôi tằm, lại đem nghề dệt vãi lĩnh theo cách thức của người Chiêm dạy cho dân chúng trong vùng Bưởi thuộc các làng Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân… Dần dần hình thành nên một vùng dệt có tiếng, nổi danh cả nước với các sản phẩm đẹp, đặc biệt là lĩnh hoa.
Chuyện kể rằng bà phi Ngọc Đô sinh nở một lần nhưng chẳng may không thuận, cả mẹ lẫn con đều mất. Dân làng Trích Sài nhớ công ơn của bà đã cùng nhau góp công, góp của dựng lên ngôi miếu thờ và quen gọi là miếu Bà chúa dệt lĩnh ở bên Hồ Tây. Trong miếu hiện nay vẫn giữ được tấm bia ký ghi lại công đức của bà chúa và đôi câu đối ca tụng như sau:
Chức nữ cơ ty truyền mĩ nghệ
Cung nhân uẩn tảo phụng ty phường.
Nghĩa là:
Cô gái dệt tơ truyền cho nghề quý
Người trong cung cấm giúp dân làng.
|
Tượng thờ Bà Chúa dệt lĩnh Ngọc Đô. (Hình minh họa - Nguồn: langvietonline.vn). |
Câu chuyện về bà Ngọc Đô và xuất xứ nghề dệt lĩnh ở vùng Bưởi bên Hồ Tây được dân bao đời nay truyền tụng, nhưng sự thực bà có phải người gốc Chiêm hay không thì thật khó biết. Đó là chưa kể đến một thuyết khác cũng liên quan đến việc Nam chinh của Lê Thánh Tông và chuyện vợ chồng vua Chiêm thất trận.
Theo ngọc phả đình làng Vĩnh Hưng (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) thì thành hoàng được thờ tại đây là một ông vua Chiêm tên là Nhã Cát, theo ghi chép thì vua Lê Thánh Tông đi đánh phương Nam, quân Chiêm chống không nổi thua chạy, vua Chiêm là Nha Cát bị bắt sống, một viên tướng Chiêm hàng phục tâu với quan quân nhà Lê rằng:
- Vợ của Nha Cát là Nguyệt Nga và mấy trăm cung nữ rất giỏi múa hát, nên cho theo về để phủ dụ nhân dân.
Vua Lê Thánh Tông nghe theo, sau khi ca khúc khải hoàn thắng trận trở về, vua có đem theo tù binh gồm vua Chiêm cùng vợ con, người hầu… Khi đoàn thuyền về đến sông Lý Nhân thì vua Chiêm vì sợ hãi sinh bệnh mà chết, đang đêm vợ ông là Nguyệt Nga đến thuyền rồng xin vào ra mắt, nàng đến trước vua Lê mà tâu rằng:
- Phong tục được là vợ vua một nước cũng là sống vinh, chẳng may vì vận nước thì tuy chết cũng là vinh chứ đâu dám tham sống, lẽ nào vì chút tình nữ nhi mà quên đi niềm phẫn uất.
Nói xong, nàng lấy chăn quấn vào người rồi nhảy xuống sông tự vẫn, quan quân ngăn không kịp. Vua Lê Thánh Tông thấy vậy kinh hãi than rằng:
- Phong tục người nước ấy lại có sự trung hậu, trinh tiết đến như vậy sao?
Nói rồi vua sai tìm vớt thi hài, làm lễ an táng chôn cất tử tế. Khi về đến Thăng Long, Lê Thánh Tông thấy những vùng đất công ven kinh đô còn để hoang, bèn cho những tù binh người Chiêm đến đó khai khẩn, trong đó có vùng phía Tây huyện Thanh Đàm. Tại đây, vua còn cho phép người dân được lập đền thờ vua cũ của mình là Nha Cát nhưng vì chữ Nha trùng với tên một phi tần của vua nên đổi chữ Nha thành Nhã, Lê Thánh Tông còn ban sắc phong cho Nguyệt Nga là Trinh Thiên phu nhân. Nơi người Chiêm khai phá, lập ra thôn ấp mới nên nhà vua đã đặt tên là trang Vĩnh Hưng (sau này được đổi thành Vĩnh Tuy).
Trong bản ngọc phả này có một số chi tiết phù hợp với chính sử, đó là chuyện Nam chinh đánh Chiêm, chuyện vua Chiêm bị bắt, trên đường giải về Thăng Long vì sợ hãi mà sinh bệnh rồi chết. Thế nhưng vua Chiêm đó tên là Trà Toàn chứ không phải là Nhã Cát, chính sử cũng không ghi gì chuyện một phi tần của vua Chiêm giữ tiết hạnh mà tự vẫn, nhưng nội dung này lại thấy ở chuyện đời Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, vua Chiêm là Sạ Đẩu bị giết, nhiều cung tần bị bắt, đưa về Thăng Long, khi đến vùng Lý Nhân (thuộc Hà Nam ngày nay), vua Lý cho gọi vợ vua Chiêm là Mỵ Ê sang thuyền để hầu chuyện nhưng nàng từ chối rồi nhảy xuống sông tự vẫn. Vua khen ngợi là phụ nữ trung liệt, sai lập đền thờ cúng, các triều vua sau đều ban sắc khen ngợi, truy phong mỹ hiệu.
Vậy là giữa chính sử và dã sử có những chi tiết thực hư đan xen thật mờ ảo, vừa có vừa không, vừa đúng vừa sai cho nên chuyện có hay không một bà phi người Chiêm trong hoàng cung Đại Việt vẫn là một câu hỏi khó có câu trả lời chính xác.