Nhắc đến huyện Quan Hóa, Thanh Hóa chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, gắn liền với nhiều lễ hội, danh lam thắng cảnh, luật tục độc đáo của đồng bào. Ở đó có di tích hang Ma (hang Phi), từ lâu gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ, bí ẩn.
Khám phá vẻ đẹp huyền ảo
Nằm trên đường 20 ( Hồi Xuân – Mường Lát) cách thị trấn Quan Hóa gần 3.000m, quần thể di tích, thắng cảnh Hang Phi hiện lên như một bức tranh thủy mặc, mang vẻ đẹp huyền bí, kì ảo, bao bọc xung quanh bởi dòng sông Luồng uốn lượn, những núi đá vôi, rừng nguyên sinh xanh tốt. Do độ chảy của dòng sông Luồng có độ chênh lớn, nên trải qua hàng triệu năm, nước đã bào mòn hai vách đá ở bờ sông tạo thành hai vòm hang lớn (hang Phi nhỏ và hang Phi lớn).
Bao quanh hang Phi là dòng sông Luồng uốn lượn, những vách đá dựng đứng, những bãi cát vàng, cánh rừng nguyên sinh hòa quện vào nhau.
|
Một góc hang Phi kỳ vĩ. |
Dưới hang Phi có bãi cát vàng, với diện tích hơn 5.000m2, có thể chứa hàng nghìn người vui chơi, ngắm cảnh, cạnh bờ sông có nhiều hòn đá lạ mắt, có hòn giống một chiếc phản lớn, có hòn trông tựa “ buồng tiên nữ”, hay còn gọi là hang Xá Pắm Xá, nghĩa là người Khơ Mú vật người Khơ Mú.
Tương truyền, tộc người Khơ Mú rất giỏi vỏ, họ thường xuyên chọn những cảnh quan đẹp để thi thố. Trong một lần, xuôi bè từ mường Xia, thuộc xã Sơn Thủy về mường Ca Da, ngang qua hang Phi thấy cảnh quan đẹp, họ dừng lại lập lán trại, tổ chức thi vật, họ vật nhau lâu đến nỗi, thân thể như tôi luyện thành thép, có thể chui lọt qua các hốc đá, các hốc đá ngày càng rộng thêm, và Xá Pắm Xá là một minh chứng.
Ở cuối hang Phi lớn, nếu mực nước sông Luồng dâng cao, khi xuôi bè thường bị mắt kẹt, trượt ngã, thậm chí có người bị tan bè rơi xuống sông. Thế nên, người dân nơi đây thường truyền tai nhau về sự xuất hiện của ma quỷ. Hang Phi từ đó càng mang đậm tính chất huyền ảo, kỳ bí.
Thiên nhiên ban tặng cho hang Phi mang một vẻ đẹp thơ mộng, huyền bí, nhưng có lẽ đẹp nhất là trên trần của vòm hang. Có chỗ những nhũ đá lởm chởm như răng quỷ, có chỗ như đầu voi, sư tử. Dòng chảy có độ chênh lớn đã tạo ra những âm thanh của nước khi va đập vào vách hang, có lúc như giai điệu khèn bè gọi người yêu, có lúc như tiếng trống chiêng trong ngày hội làng, có lúc réo rắt như tiếng sáo…
Những câu chuyện nhuộm màu liêu trai kỳ bí
Nhắc tới hang Phi hay hang Ma, nhiều du khách sẽ không khỏi tò mò về những câu chuyện thực thực hư hư nhuốm màu bí ẩn được người dân bản địa kể lại. Theo lời chia sẻ của người dân sống quanh khu vực hang Ma, một số người làm nghề chài lưới trên sông Luồng từng bắt gặp hai cô gái mặc áo trắng ngồi chải tóc ở bến sông. Thậm chí, có người còn nghe thấy tiếng binh khí, tiếng hò hét xung trận của nghĩa quân Lam Sơn…
Cứ thế, những câu chuyện kể mang đầy màu sắc liêu trai được truyền tai nhau qua bao thế hệ. Không ai dám chắc tính thực hư của những câu chuyện ấy, nhưng vô tình yếu tố tâm linh ma mị trong các câu chuyện kể đã làm nên nét hấp dẫn lạ kỳ cho hang Phi và thôi thúc bước chân khám phá của những du khách hiếu kỳ muốn tìm hiểu.
|
Cầu treo dẫn vào hang Phi hấp dẫn bước chân du khách. |
Những năm trước đây, hang Phi còn có tên gọi khác là hang Tiêu Hậu, theo truyền thuyết kể lại, cách đây cũng đã lâu lắm rồi, ở dưới Chiềng Ca Da có vợ chồng Tiêu Hậu lên khai khẩn đất hoang, đánh cá tại đây, do có vòm hang rộng, có thể che nắng, che mưa, nên gọi là “ nhà”, từ đó người dân Mường Ca Da mới đạt tên hang Tiêu Hậu.
Dưới thời giặc Minh xâm lược, đồn Tùng Hóa thuộc trại Quan Da là một cứ điểm lớn của quân Minh (nay thuộc bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa). Từ cứ điểm này, quân giặc thường xuyên càn quét, quấy nhiễu, cướp bóc người dân các bản làng. Mất nhà, mất cửa nhiều người chỉ còn cách chạy vào rừng ẩn nấp, tránh sự truy sát của kẻ thù.
Vào tháng 6 năm 1420, vua Lê Lợi cắt cử Thượng tướng Thống lĩnh quân Lò Khằm Ban và tướng Lê Sát, Lê Hào dẫn quân đánh quân Minh tại cứ điểm Tùng Hóa và trại Quan Da. Trận tiến công đồn Tùng Hóa diễn ra căng thằng, quyết liệt, quân ta giành thắng lợi, nhưng nhiều binh sĩ bị giết và thương vong.
Ngay sau trận đánh, quân ta đã gom thi hài binh sĩ tử trận chôn cất tại khu rừng ngay cạnh hang Tiêu Hậu phía hữu ngạn sông Luồng, đồng thời lập đàn tế hương hồn các binh sĩ tử trận tại đây. Cũng từ đó, hang Tiêu Hậu được đổi tên thành hang Phi.
Trước đây, đường đi tuyến sông Luồng, mùa nước to thì phải đi thuyền, nước nhỏ người lội qua, đồng thời ghé thăm nghĩa địa – nơi an nghỉ của tướng sĩ Lam Sơn, sau đó mới lên được vùng trên. Qua thời gian, con đường hang Phi được mở mang, tu sửa, nhân dân đi lại làm ăn, buôn bán thuận tiện hơn.
Năm 1942, vua Bảo Đại có ghé thăm vùng đất này. Ông đến hang Phi thắp nhang thành kính tưởng nhớ hương hồn các tướng sĩ tử trận của nghĩa quân Lam Sơn. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, hang Phi trở thành cứ điểm quan trọng, nhằm mai phục, chặn đánh các cuộc hành quân của địch từ thượng nguồn sông Luồng, hạ nguồn sông Mã.
Phía hạ nguồn sông Luồng khoảng 300m có hang Mó Tôm, ở bên kia sông, ngước nhìn lên, một ngọn núi sừng sững hiện lên trước mặt, đó là núi Pha Cáng, dưới lưng chừng núi có một hang lớn và hai hang nhỏ liền kề nhau, gọi là hang Lụng Mu, cao hơn so với mặt sông Luồng 200m. Từ bờ sông trèo ngược khoảng 300m là đến hang Lụng Mu.
Ngay cửa hang, hàng chục chiếc quan tài bằng gỗ nằm la liệt, với nhiều hướng khác nhau, nhưng không thấy di cốt bên trong. Quan tài được chế tạo bằng những tấm gỗ cứng sẵn có ở địa phương, đi dần vào bên trong chứa khá nhiều quan tài gỗ, phần lớn bị mục nát theo thời gian. Theo các cụ cao nhân tại đây cho hay, nơi đây người xưa đã chôn cất trên 70 bộ quan tài. Hiện, trên địa bàn huyện Quan Hóa chưa có con số thống kê cụ thể bao nhiêu hang đá có chứa quan tài gỗ, và với đường lên hang có độ dốc cao, đá tai mèo vô cùng hiểm trở, đi lại vô cùng khó khăn, việc chuyển những cỗ quan tài nặng cả trăm cân lên vách núi đá dựng đứng quả thực kỳ lạ.
Xung quanh hang Phi có khá nhiều câu chuyện liêu trai, huyễn hoặc được người dân thêu dệt, tuy nhiên xung quanh những cỗ quan tài bằng gỗ được xếp đặt trên những hang động này là cả một bí ẩn cần lời giải...