Những cỗ quan tài treo trong hang núi ở Sơn La
Tại một số xã thuộc địa phận Mộc Châu hiện vẫn tồn tại những “hang ma”, những hang động chứa đầy mộ thuyền treo trên vách đá. Hang ít thì có một vài quan tài, hang nhiều có đến hàng chục. Sự tồn tại của các hang động này là một ẩn số chưa có lời giải với con người hiện đại.
Một số bô lão kể rằng những ngôi mộ táng trên các động kia đều là những mộ chứa xương của một bộ tộc ăn thịt người. Những bộ xương trong động là xương những người đã bị ăn thịt.
Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng: Cách đây hàng trăm năm, người Xá và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Do có sự tranh chấp về đất đai, họ chọn cách bắn tên để giải quyết. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này. Họ đã đứng ở núi Cắm Tên (xã Mường Sang bây giờ) bắn tên về Suối Bàng.
|
Những cỗ quan tài tại một hang ma ở xã Suối Bàng, Mộc Châu, Sơn La. Ảnh: ANTĐ.
|
Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên dính lại. Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi, giữ đúng lời giao ước là không được sinh sống hay săn bắn, trồng trọt nơi đây nữa. Khi chết, người Xá không dám chôn cất trên đất của người Thái, đành lấy những thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi giấu trên các vách đá cheo leo.
Các quan tài ở hang ma đều được làm bằng một thân cây khoét rỗng lòng theo hình cái bát, những chiếc lớn dài đến 2,5m. Những quan tài hình thuyền này trước đây hầu hết được kê gác lên các mỏm đá nhô sát với trần hang, phía dưới có những đoạn cột chống, đầu đẽo chạc, hoặc giá đỡ như chiếc sừng trâu một cách chắc chắn. Do có nhiều người tò mò đến xem đã tháo xuống và bật nắp ra xem nên các mộ thuyền bị vứt ngổn ngang, nhiều mộ đã bị vỡ. Trong nhiều mộ vẫn còn thấy các mẩu xương và cả sọ người.
Những hang ma này có từ bao giờ? Ai là chủ nhân của chúng? Tại sao và bằng cách nào những quan tài lớn như vậy có thể vận chuyển được lên những đỉnh núi, hang đá cao, độ dốc lớn? Làm sao để bảo vệ những cỗ quan tài cổ trước ánh mắt tò mò, dòm ngó của những kẻ chuyên săn tìm cổ vật, khỏi sự bào mòn của khí hậu, thời gian… vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Nghĩa địa người Tàu giữa khu dân cư ở Hà Nội
Trong một con ngõ nhỏ xíu, rất dốc, bên đường Hoàng Hoa Thám, giữa một khu dân cư đông đúc của Hà Nội, có một nghĩa địa cổ chôn toàn người Trung Quốc.
Nghĩa địa này rộng tới cả nghìn mét vuông, cỏ cây rậm rạp. Trên dưới trăm ngôi mộ ở nơi đây vẫn còn nguyên bia đá, với thành mộ bao quanh. Mộ to, mộ nhỏ thành hàng, thành lối, nhưng hầu như chỉ trồi nửa bia đá lên mặt đất, lại bị cỏ mọc phủ kín. Những tấm bia đá đều vẫn còn nguyên vẹn, với những dòng chữ Hán cổ sắc nét.
Một con đường bê tông nhỏ xuyên qua khu nghĩa địa, cắt nghĩa địa làm đôi. Hai bên đường chi chít bia mộ chữ Hán, với những cọng hương xiêu vẹo. Tất cả tạo ra cảm giác lạnh người chạy dọc sống lưng dành cho những vị khách thăm viếng nghĩa trang đặc biệt này.
|
Một ngôi mộ trong nghĩa địa người Tàu. Ảnh: VTC.
|
Cuối con đường là một ngôi đền thờ, bài trí theo phong cách Trung Quốc. Đó vốn là ngôi đền thờ thổ địa, hai bên có hai phòng, một phòng là chỗ để người thân đến viếng mộ, chuẩn bị đồ hành lễ, một phòng để cụ từ ở.
Trước kia, người Tàu thuê cụ từ ở tại nghĩa địa, trông nom, săn sóc nghĩa địa, trả tiền công hàng tháng, nhưng nhiều năm nay họ ít qua lại nghĩa địa này, nên bỏ quên luôn, chẳng còn ai săn sóc mộ, ngoài những hộ dân sống ở đây. Khu mộ gần như bỏ hoang.
Theo những người cao tuổi thì khu nghĩa địa của người Tàu hình thành từ thế kỷ 19. Ngày xưa, họ sinh sống, buôn bán ở Hà Nội khá đông, mua đất ở đây để chôn cất người chết. Nghĩa địa mỗi ngày một mở rộng, lúc đông nhất có tới vài trăm ngôi mộ ở nghĩa địa này.
Đến năm 1954, chính quyền không cho chôn cất ở đây nữa. Mấy chục năm nay nhà cửa mọc lên, phố xá mở rộng, lấn chiếm vào đất nghĩa địa, nên nhiều mồ mả chìm sâu dưới lòng đất. Nhiều bộ hài cốt cũng đã được đưa về Trung Quốc nên hiện chỉ còn khoảng 100 ngôi mộ có thể nhận dạng được trong nghĩa địa.
Xung quanh sự tồn tại của khu nghĩa địa này là những lời đồn nhuốm màu kì bí về chuyện người Tàu yểm bùa giữ của… Vì vậy mà người dân rất e dè khi đề cập đến những ngôi mộ ở nơi đây. Trước đây, khu nghĩa địa còn có một số cây ổi, bưởi, hồng xiêm, cây nào cũng sai quả trĩu trịt, tuy nhiên, chẳng ai dám hái quả để ăn, vì rất sợ.
Mặc dù sự tồn tại của nghĩa địa gây ra nhiều bất tiện, nhưng không ai dám đứng ra chủ trì việc cải táng, bốc chuyển mộ, bởi nhỡ đâu, tội vạ lại đổ lên đầu mình. Bởi vậy mà nhiều thập niên qua nghĩa địa vẫn tồn tại bất chấp những đổi thay chóng mặt của cuộc sống chung quanh.
Kho xương người vô thừa nhận giữa thủ đô
Theo báo Người Lao Động, giữa thủ đô Hà Nội có cả một kho chất đống những bộ xương người vô thừa nhận. Bước vào nơi này như bước vào một cõi khác, u ám và ghê rợn, nơi hàng nghìn khúc xương, sọ người hốc hoác được xếp đầy trên những giá gỗ hay chứa trong tủ kính…
Kho xương người ấy thuộc về Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an, nằm trên phố Nguyễn Tuân.
Theo lời của các cán bộ, hầu hết các bộ xương, mẫu xương không người đến lấy về mai táng này đều bị lạc trong các cánh rừng, dưới đáy giếng, trong lòng đất đã lâu, rồi một ngày nào đấy, ai đó đào lên và tá hỏa sợ hãi đi báo công an. Người ta đem đến Viện trưng cầu giám định, giám định để biết được rất nhiều thứ, nhưng với tất cả ngần ấy thứ nhiều khi cũng không đủ để gọi tên bộ xương đó là của người tên là gì, con cái nhà ai, sinh ra ở đâu. Thế là các ''vị" được nằm lại luôn ở Viện. Các "vị" quá cố cứ nằm đó và chờ... Cũng không biết chờ ai và chờ điều gì ở tương lai, bởi dường như chưa có tiền lệ nào cho việc giải quyết kho xương kiểu như thế này cả.
|
Ảnh minh họa.
|
Có nhiều hộp sọ bị vỡ toác, có hộp mất cả một miếng xương to, chứng tỏ trước khi chết, nạn nhân bị đánh hoặc bị va đập rất mạnh. Nhiều bộ xương bị cháy đen vì đã được người vùng cao phát hiện sau cuộc đốt nương phát rừng…
Có nhiều bộ xương khi phát hiện đã là xương thuần túy, tức là cái chết ấy đã diễn ra từ rất lâu, cái chết có thể do tai nạn, bệnh tật tình cờ hoặc có thể do rất nhiều vụ mưu sát đồi bại nào đó. Sức phá hủy của thời gian và sự câm lặng của bộ hài cốt đã khiến cho chúng ta không thể xác định được người nằm xuống là ai và chết trong hoàn cảnh nào nữa.
Thường thì người ta đến lấy xương về và tuyệt đối tránh để người thân của mình nằm xuống mà lại khuyết mất bất cứ mẩu thịt hay vụn xương nào; nhưng với các bộ xương vô thừa nhận thì sự việc lại không diễn ra như thế.
Nếu là mẫu vật khác thì có thể đem hủy bỏ sau một khoảng thời gian đã được quy định, nhưng đây là xương người, chẳng ai dám cất giấu hay vứt bỏ các ''vị" ở một nơi nào đó. Đây là vấn đề tâm linh, là đạo đức, là thuần phong mỹ tục. Bởi vậy mà nhiều bộ hài cốt và các mẫu xương đã lưu kho mấy chục năm ròng. Và cứ đến những ngày Rằm, Mùng một, lễ Tết, cán bộ của Viện lại đến thắp hương cho những bộ xương vô thừa nhận cảm thấy đỡ lạnh lẽo hơn…