Là một trong những người có chỉ số IQ cao nhất mọi thời đại, thiên tài vật lý Albert Einstein là người phát triển thuyết tương đối tổng quát - một trong hai trụ cột của vật lý hiện đại. Nhà vật lý này được biết đến nhiều nhất qua phương trình về sự tương đương khối lượng - năng lượng E = mc2 (được xem là phương trình nổi tiếng nhất thế giới).
Bộ não thiên tài
Albert Einstein là một trong những trí tuệ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 khi có những đóng góp to lớn cho kiến thức nhân loại. Trên thế giới, tên họ của ông - “Einstein” - đã trở thành từ đồng nghĩa của “thiên tài”. Bởi lẽ, ông không chỉ là một thiên tài trong lĩnh vực vật lý mà còn thông minh, tài năng hơn người khi nói được nhiều ngôn ngữ, chơi đàn giỏi và mắc chứng tự kỷ.
Nhiều người cho rằng nhờ bộ não thiên tài, Albert Einstein đã có những thành tựu nổi tiếng mà không phải ai cũng có thể làm được. Trước vấn đề này, không ít người tò mò bộ não của ông khác biệt thế nào so với người bình thường. Thậm chí, khi còn sống, Einstein cũng đã từng tham gia vào những nghiên cứu để làm rõ sự khác biệt giữa bộ não của ông với những người khác.
Chính vì vậy, sau khi qua đời, trái với nguyện vọng của Einstein là được hỏa táng, toàn bộ thi thể của ông được làm theo ý nguyện của nhà vật lý thiên tài này trừ bộ não.
Cụ thể, trong quá trình giải phẫu tử thi, thực hiện tại bệnh viện Princeton, nhà giải phẫu bệnh Thomas Harvey đã tách bộ não của Einstein và giữ chúng để nghiên cứu. Về sau, Harvey xẻ bộ não của Einstein ra làm 240 mảnh để bảo quản trong celloidin và nghiên cứu não bộ. Đến năm 1998, Thomas Harvey đã trao 170 phần não cho bác sĩ Elliot Kraus, Đại học Y Trung tâm Princeton.
Kể từ đó cho đến nay, nhiều nghiên cứu được giới chuyên gia thực hiện nhằm tìm hiểu những điểm khác biệt trên bộ não Einstein có quan hệ mật thiết với tài năng của ông hay không.
Một trong những kết quả nghiên cứu đáng chú ý là của chuyên gia Britt Anderson tại ĐH Alabama, Mỹ. Năm 1996, chuyên gia Anderson công bố một nghiên cứu về vỏ não trước của Einstein với phát hiện số lượng nơ-ron trong não nhà vật lý này không khác biệt so với với não người bình thường. Tuy nhiên, nơ-ron trong não của Einstein được xếp gần nhau hơn, do đó xử lý thông tin nhanh chóng hơn.
Thêm nữa, nhà nhân chủng học Dean Falk phát hiện điểm nổi bật nhất là não Einstein có thêm một vạch kẻ rộng ở thùy giữa trong não, vốn được dùng để lên kế hoạch và ghi nhớ. Người bình thường chỉ có 3 vạch nhưng Einstein lại có tới 4. Thêm nữa, thùy đỉnh não của Einstein bất đối xứng rõ rệt và bộ não cũng có một phần nhô lên trên dải nếp nhăn. Đây được gọi là "dấu hiệu omega", phổ biến ở những nhạc công thuận tay trái. Điều này được cho là lời giải vì sao Einstein chơi đàn violin giỏi.
>> Mời quý độc giả xem video thiên tài đỗ đại học trước khi học xong tiểu học (nguồn: VTC):
“Con người được phú cho vừa đủ trí thông minh”
Bên cạnh những điều đáng chú ý về bộ não thiên tài của Albert Einstein, nhà vật lý lỗi lạc này còn khiến nhân loại bất ngờ bởi nhận định sâu sắc về trí thông minh của con người.
"Là con người, chúng ta được phú cho vừa đủ trí thông minh để có thể quan sát rõ ràng rằng trí tuệ của mình thiếu thốn đến mức khi đối diện với những gì tồn tại trong thế giới này", Albert Einstein nói.
Theo Einstein, mỗi con người được phú vừa đủ trí thông minh để quan sát mọi việc xảy ra trên thế giới và nhận thấy trí tuệ của bản thân chưa đủ xuất sắc để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống.
Vì vậy, nhà vật lý Einstein cho rằng, sự bí ẩn vĩnh hằng của thế giới chính là điều lớn lao nhất mà chúng ta có thể hiểu. Việc con người có thể tìm hiểu về thế giới chính là điều kỳ diệu.