Phạm Công Trị (gọi vua Quang Trung là cậu) được chọn đóng vai vua Quang Trung. Theo ý Phúc Khang An thì từ thượng tuần tháng Ba, An Nam quốc vương bắt đầu ra đi từ Nghệ An, đến ngày 26 tháng ấy sẽ đến Nam Quan. Ở đây, Tổng đốc Lưỡng Quảng và Thang Hùng Nghiệp đã tề tựu đón tiếp.
Theo kế của Phúc Khang An, phía Đại Việt sẵn sàng cử một An Nam quốc vương giả sang Yên Kinh triều cận vua Càn Long. Còn về phía nhà Thanh, do có chủ trương của Phúc Khang An và Thang Hùng Nghiệp nên triều đình đã sẵn sàng đón tiếp An Nam quốc vương giả với mọi nghi lễ đón một quốc vương thật sự. Phạm Công Trị (gọi vua Quang Trung là cậu) được chọn đóng vai vua Quang Trung. Theo ý Phúc Khang An thì từ thượng tuần tháng Ba, An Nam quốc vương bắt đầu ra đi từ Nghệ An, đến ngày 26 tháng ấy sẽ đến Nam Quan. Ở đây, Tổng đốc Lưỡng Quảng và Thang Hùng Nghiệp đã tề tựu đón tiếp. Theo lệnh của triều đình nhà Thanh, Phúc Khang An phải cùng An Nam quốc vương từ Nam Quan đến Yên Kinh. Trên đường đi, nếu An Nam quốc vương theo đường thủy thì phải có thuyền, đi bộ phải có kiệu hoặc ngựa. Đoàn vua đi đến đâu, nơi đó phải treo đèn kết hoa hoan nghênh và phải cung cấp kiệu, ngựa, thuyền, dân phu cần thiết. Tiền dùng để mua thức ăn, vật dụng ở dọc đường đều do triều đình nhà Thanh đài thọ.
|
Ảnh minh hoạ. Báo Bình Phước.
|
Đoàn vua Quang Trung giả gồm 159 người, ngoài vua giả là Phạm Công Trị và con vua Quang Trung là Nguyễn Quang Thùy, Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chấn, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn... Trong kế hoạch là ngày 29 tháng Ba năm Canh Tuất đoàn giả vương đến Nam Quan, nhưng thực ra đến ngày 15 tháng Tư đoàn mới từ Nam Quan tiến lên phương Bắc cùng 2 thớt voi, quế Thanh Hóa và nhiều cống phẩm khác. Đoàn lên đường được vài ngày thì Nguyễn Quang Thùy mắc bệnh, Phúc Khang An phải cho người đưa về nước điều trị. Vừa đỗ thuyền ở bến Nam Ninh, đoàn đã được viên quan ở đó mở tiệc chiêu đãi. Liền đó, đoàn được biết khi đoàn vào thành Nam Ninh, tuần phủ Nam Ninh sẽ đặt tiệc khoản đãi, đoàn đã từ chối.
Ngày 23 tháng Tư năm Canh Tuất, được tin Quang Trung đã lên đường đi triều cận, vua Càn Long phấn khởi liền xuống chiếu phong cho Quang Thùy làm thế tử. Đoàn đi đến đâu cũng được quan lại địa phương đón tiếp rất trọng thể và tặng nhiều phẩm vật địa phương. Đến Quảng Châu đoàn trú tại lâu đài làm trên sông. Trên đường đi, đoàn nhận được thơ ngự chế và ngọc như ý của vua Càn Long gửi tặng An Nam quốc vương.
Tại Tử Cấm Thành ở Yên Kinh, nhà bếp chế được một loại bánh sữa dâng lên vua. Lập tức Càn Long cho ngựa chạy trạm đem một hộp bánh đưa cho An Nam quốc vương. Trong khi đoàn đang tiến lên phía Bắc, Càn Long biết Nguyễn Quang Thùy không phải là con trưởng, ông lại xuống chiếu đổi phong cho Quang Toản làm thế tử, còn ngọc như ý trước ban cho Quang Thùy thì vẫn ban như cũ. Đến Hồ Bắc, đoàn lại nhận được quà của vua Càn Long gửi tặng, do ngựa chạy trạm mang đến. Sau đó ít ngày lại có ngựa chạy trạm mang quà của Càn Long đến: 5 tấm đoạn ngoài, 5 tấm đoạn trong, 4 tấm gấm, 4 tấm đoạn bóng, 4 tấm đoạn vây, 1 đôi hà bao lớn, 2 đôi hà bao nhỏ và nhiều vóc đoạn khác.
Tháng Bảy năm Canh Tuất, đoàn đến Yên Kinh vào lúc lễ vạn thọ đã cử hành, vua Càn Long đã đi nghỉ mát ở Nhiệt Hà. Ông cho mời đoàn đến Nhiệt Hà và tiếp đãi rất trọng hậu rồi ban thưởng cho rất nhiều. Quang Trung giả được tặng một viên ngọc như ý, một tòa ngọc phật và nhiều phẩm vật quý lấy từ kho thượng phương. Càn Long còn tặng cho cả đoàn một vạn lạng bạc. Những người đi theo đều được ban thưởng mũ áo. Đại tư mã Ngô Văn Sở được thưởng một cái mũ san hô tam phẩm.
Tháng 11, khi vua Quang Trung giả vào bệ kiến vua Càn Long lần cuối cùng trước khi về nước, ông được Càn Long mời vào ngồi bên giường ngự, rồi lấy tay vỗ vai, ân cần an ủi. Sau đó sai thợ vẽ một bức chân dung để tặng vua Quang Trung. Ngày 29 tháng 11 năm Canh Tuất, đoàn giả vương lên đường về nước. Trên đường về, đoàn vẫn được tiếp đón long trọng hệt như lúc đi. Theo Đại Thanh thực lục, triều đình nhà Thanh đã phải bỏ ra 800 ngàn lạng bạc để chi tiêu vào việc đón tiếp vua Quang Trung giả, trung bình mỗi ngày phải chi chừng 4.000 lạng.
Lời bàn về việc vua giả đi sứ
Sau khi Nguyễn Huệ được phong vương, triều đình nhà Tây Sơn đã đưa vua "Quang Trung giả" sang Yên Kinh triều cận vua Càn Long nhà Thanh, một chuyến đi mà dọc đường người Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc. Trong ngoài ai cũng biết là giả dối, mà không ai dám nói. Đó là một chuyến bang giao chưa từng có trong lịch sử nước nhà mà theo lời Phan Huy Ích, một thành viên trong phái đoàn kể lại, thì từ trước đến giờ, người mình đi sứ Trung Quốc chưa có lần nào lạ lùng và vẻ vang như thế.
Thắng lợi trên là kết quả của tư tưởng ngoại giao dựa trên cơ sở chính nghĩa và sức mạnh quân sự của nhà Tây Sơn. Với những lập luận sắc bén và đanh thép, với những lời lẽ khéo léo, hợp tình hợp lý, Ngô Thì Nhậm đã góp phần đáng kể vào thắng lợi ngoại giao của triều đại Tây Sơn và đứng vào hàng ngũ những nhà ngoại giao lỗi lạc trong lịch sử dân tộc. Những thắng lợi đó còn bắt nguồn từ đường lối ngoại giao đúng đắn, hợp tình hợp lý của vương triều Tây Sơn với những tư tưởng ngoại giao đặc sắc và đã để lại cho hậu thế những bài học lịch sử quý giá. Những trang sử ngoại giao hào hùng của thời Tây Sơn không chỉ làm chúng ta hôm nay tự hào, ngưỡng mộ mà còn làm chúng ta càng yêu thêm đất nước, thêm tin tưởng ở tương lai và tiền đồ tốt đẹp của dân tộc.