Điển tích xưa kể rằng, thủ lĩnh bộ tộc Chu là Tây Bá Hầu Cơ Xương khi đi săn, gặp Khương Thái Công (hay còn gọi là Lã Vọng) đang ngồi câu cá ở phía bắc sông Vị. Sau cuộc gặp gỡ, Tây Bá Hầu rất hài lòng và ngưỡng mộ tài năng của Khương Thái Công. Tây Bá Hầu cảm thấy rằng Khương Thái Công không hề tầm thường, ông như thể là một vị Thánh nhân, vậy nên quyết định đích thân đến nhà mời Khương Thái Công làm quân sư trợ giúp mình. Nhưng Khương Thái Công lại muốn Cơ Xương tự mình kéo xe mới bằng lòng chấp nhận.
Tây Bá Hầu Cơ Xương luôn trọng người hiền tài đức độ, không nói gì thêm liền mời Khương Thái Công lên xe. Hậu nhân sau này thường có câu thơ rằng:
"Lễ sỹ tôn hiền ấy Văn Vương
Dựng nghiệp nhà Chu tám trăm năm.
Bề tôi trên xe ngồi ngắm cảnh,
Quân vương kéo xe chạy trên đường".
Có người nói 301 bước đầu tiên Văn Vương bước đi rất thận trọng vững chắc, thế nên “Tây Chu” dân giàu nước mạnh, phồn vinh hưng thịnh 301 năm; 507 bước sau đó thì lảo đảo nghiêng ngả, cho nên trong lịch sử 507 năm thời Đông Chu mới xuất hiện “Chiến quốc thất hùng”, “Xuân Thu Ngũ Bá”.
Chu U Vương (771 - 781 TCN) là vị quân vương cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của triều đại Tây Chu, từ đây mở màn cho thời kỳ Xuân Thu, Thiên tử suy yếu, chư hầu hưng thịnh: Chu Vương thất thế binh lực suy yếu, quyền uy không còn nên không thể chấn chỉnh thiên hạ và hiệu triệu chư hầu. Vậy nên một số nước chư hầu hùng mạnh vì tranh đoạt thiên hạ mà mở ra thời kỳ tranh bá đoạt vị vô cùng quyết liệt, cùng nhau liên kết tung hoành ngang dọc, đánh Đông dẹp Bắc, trong đó có một số chư hầu lần lượt trở thành bá chủ mỗi phương.
Theo “Sử ký” ghi chép, “Xuân Thu Ngũ Bá” là: Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tần Mục Công, Sở Trang Vương, Tống Tương Công. Dĩ nhiên các phiên bản khác nhau cũng có chỗ khác biệt.
1. Tề Hoàn Công biết cách trọng dùng người tài nhưng đến cuối đời lại tín dùng kẻ tiểu nhân, để rồi nhận lấy kết cuộc bi thảm
Tề Hoàn công (715 - 643 TCN), tên thật là Khương Tiểu Bạch, là con thứ của Tề Hy Công và là em của Tề Tương Công, mẹ ông là người nước Cử. Ông là vị quân chủ thứ 15 của nước Tề - chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 685 TCN đến năm 643 TCN, tổng cộng 42 năm. Tề Hoàn công là vị quân chủ chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu. Ông thường được xếp vào hàng đầu tiên của danh sách Ngũ bá.
Tề Hoàn Công là cháu đời thứ 12 của Khương Thái Công Lã Thượng. Sự nghiệp tranh đoạt ngôi vị của ông và công tử Củ bắt đầu từ khi anh trai cả Tề Tương Công và Công Tôn Vô Tri lần lượt chết vì nội chiến.
Tề Hoàn Công từng nói với Bào Thúc Nha: “Quản Trọng từng bắn ta một tên, mối thù này ta chưa quên, mũi tên ta vẫn còn giữ, làm sao có thể dùng hắn được? Đợi hắn về đây, ta sẽ xé hắn ra trăm nghìn mảnh”.
Bào Thúc Nha đáp: “Dĩ nhiên vì Công tử Củ, ông ta đã bắn quân thượng, bây giờ nếu ngài trọng dụng ông ta thì ông ta sẽ vì ngài mà đem mũi tên đó bắn cả thiên hạ!”.
Thế nên mặc dù Quản Trọng là kẻ thù của Tề Hoàn Công, nhưng lại được Tề Hoàn Công trọng dụng phong làm tể tướng, thúc đẩy cải cách, thực hành chính sách kết hợp quân sự và chính trị, chế độ quân dân hợp nhất, nước Tề từng bước hùng mạnh.
Năm 681 TCN, Tề Hoàn Công cùng bốn nước chư hầu Tống, Trần, Thái, Chu hội họp tại Bắc Hạnh để dẹp yên loạn lạc. Sau khi nước Tống vi phạm hiệp ước đồng minh, Tề Hoàn Công lấy danh nghĩa Chu Thiên tử và một số nước chư hầu cùng xuất quân chinh phạt Tống, khiến cho nước Tống phải cầu hòa, đây là lần đầu tiên “Chín nước chư hầu hội hợp”. Năm 679 TCN, Tề Hoàn Công và các nước chư hầu cùng đồng ý hợp tác liên minh tại Quyên Thành (một huyện ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), bắt đầu từ đây Tề Hoàn công là vị quân chủ chư hầu xưng bá chủ đầu tiên thời Xuân Thu. Mặt khác, Tề Hoàn Công còn tiêu diệt các nước nhỏ như Đàm, Toại, Chương. Dưới chính sách quản lý tài tình của Quản Trọng, nước Tề quốc lực phát triển không ngừng, trở thành cường quốc hùng mạnh.
Quản Trọng có một câu nói rất nổi tiếng: “Kho đầy mới biết lễ tiết, áo cơm đủ mới biết vinh nhục”, cũng chính là: Dân chúng chỉ có trước tiên được ăn no, mặc ấm rồi mới biết lễ tiết, mới nghĩ đến vinh nhục.
Từ khi đào thoát chạy nạn giả chết, đến lúc đoạt được ngôi vị và trọng dụng cừu địch, cho đến cuối cùng trở thành bá chủ xưng hùng, Tề Hoàn Công mang trên thân một tấm lòng rộng mở độ lượng bao dung, hoàn toàn đủ tư cách khiến cho ông trở thành người đứng đầu trong Ngũ Bá. Đương nhiên, cũng có người nói Tề Hoàn Công xưng bá là do may mắn được Quản Trọng trợ giúp. Nhưng nếu như Tề Hoàn Công chẳng biết cách dùng người, thì Quản Trọng cũng không có cơ hội để phát huy tài năng. Chỉ tiếc sau khi Quản Trọng mất, lúc tuổi già Tề Hoàn Công lại tin dùng kẻ tiểu nhân, cuối đời phải chết thảm, có thể nói khí tiết tuổi già khó lưu giữ, không thể so với trước đây.
2. Tấn Văn Công quang minh chính đại, quyết đoán chuẩn mực
Tấn Văn Công (671 - 628 TCN) họ Cơ, tên Trùng Nhĩ, con trai trưởng của Tấn Hiến Công. Ông là chính trị gia trứ danh vào thời kỳ Xuân Thu, lưu vong 19 năm, được các thủ hạ Triệu Thôi (tiên tổ nước Triệu), Hồ Yển, Giả Đà, Tiên Chẩn, Ngụy Vũ Tử (tiên tổ nước Ngụy), Giới Chi Thôi phò tá trở thành một trong Xuân Thu Ngũ Bá.
Có người nói Tấn Văn Công Trùng Nhĩ lưu vong lận đận bên ngoài 19 năm, từ khi “Ly Cơ gây họa loạn” ông bắt đầu sống kiếp lưu vong. Khi trở về nước Tấn đoạt lại ngôi vị, lúc này ông đã 63 tuổi. Cha ông là Tấn Hiến Công vì sủng ái Ly Cơ người nước Nhung nên đã giết hại Thái tử Thân Sinh và lập Hề Tề làm Thái tử, thế nên Trùng Nhĩ và em trai Di Ngô buộc phải trốn chạy sang quê mẹ. Tấn Hiến Công sau khi chết, nước Tấn rơi vào nội loạn, Di Ngô lên ngôi lấy danh hiệu Tấn Huệ Công, nhưng sau đó lại sai người ám sát Trùng Nhĩ. Thế là trong 19 năm Trùng Nhĩ phải lưu vong khắp 8 nước chư hầu. Cuối cùng dưới sự giúp đỡ của nước Tần, ông quay trở về nước Tấn tranh đoạt lại ngôi vị.
Sau khi kế vị, Tấn Văn Công tiến hành thay đổi, cải cách phát triển đất nước, ông ra sức cất nhắc trọng dụng những người hiền tài, ban thưởng cho các công thần có công đi theo phò tá mình, người công lớn được phong ấp, người công nhỏ được tước vị. Trận đại chiến ở thành Bộc Dương (tên huyện ở tỉnh Hồ Nam), nước Tấn đánh bại nước Sở, từ đó Tấn Văn Công chính thức trở thành bá chủ.
Tấn Văn Công cả một đời lưu lạc trải qua muôn sóng gió, thành đạt muộn màng. Trong thời gian 19 năm lưu vong đến các nước chư hầu, ông đã chứng kiến rất nhiều sự việc và học hỏi được không ít điều, vì để đạt được kế hoạch lớn mộng bá nghiệp sau này mà đặt định một nền móng vững chắc. Mặc dù ông tại vị trong thời gian ngắn ngủi 9 năm nhưng nước Tấn lại có thể kéo dài 150 năm cường thịnh.
3. Tần Mục Công dốc lòng xây dựng đất nước
Tần Mục Công (659 - 621 TCN) là vị quốc quân thứ 14 của nước Tần thời kì Xuân Thu, họ Doanh, tên Nhậm Hảo. Ông tại vị 39 năm, những cuộc chinh phạt của Tân Mục Công đã giúp ông được xưng tụng trong sử sách là một trong Ngũ Bá tiêu biểu nhất của thời Xuân Thu.
Là người trọng nhân tài, Tần Mục công đã thu phục và sử dụng nhiều danh thần ngoài nước Tần như Bách Lý Hề, Kiển Thúc, Công Tôn Chi, Phi Báo. Ông từng hiệp trợ Tấn Văn Công đoạt vương vị và trở lại nước Tấn. Sau khi nâng đỡ Tấn Văn Công và cùng nhau kết hợp thành liên minh Tần Tấn. Sau khi Tấn Văn Công mất, liên minh tan rã, Tần Tấn trở nên đối kháng nhau. Tần Mục Công từng thân chinh dẫn binh thảo phạt nước Tấn, sau khi vượt sông Hoàng Hà, Tần Mục Công thể hiện ý chí quyết thắng bằng việc ra lệnh thiêu hủy thuyền. Quân Tần nhanh chóng chiếm được Vương Quan (nay ở phía Tây Văn Hỷ, Sơn Tây), quân Tấn cố thủ trong thành không ra giao chiến, Tần Mục Công bèn dẫn quân Tần đi thu nhặt hài cốt của lính Tần tử trận trước kia rồi quay về nước.
Năm thứ 37 (năm 623 TCN) Tần Mục Công tại vị, nước Tần tiếp tục mở mang bờ cõi về phía Tây, quân Tần xuất chinh xâm chiếm Tây Nhung, Tần Mục Công dùng kế tiên cường hậu nhược để dần xâm lấn vào các bộ lạc Tây Nhung, bao vây Miên Chư.
Bấy giờ vua Miên Chư nghe Tần Mục Công là vua hiền, sai sứ đến thông hiếu. Tần Mục Công tiếp đãi long trọng, nhân đó điều tra địa hình binh lực Tây Nhung, rồi tặng Nhung chúa nhiều loại nhạc cụ và mỹ nữ. Sau đó vua Tây Nhung vì ham mê âm nhạc, bỏ bê chính sự, thế nước suy yếu. Tần Mục Công thấy vậy, quyết định phạt Nhung, Nhung chúa vội đầu hàng, Tần Mục Công tiếp đãi đúng lễ. Tần Mục Công tiếp tục thừa thắng tiến lên, và giành thắng lợi lớn khiến cho 20 tiểu quốc Nhung Địch quay sang quy phục nước Tần. Lúc này biên giới nước Tần được mở rộng chưa từng có, phía Nam giáp Tây Lĩnh, phía Tây vươn tới Địch Đạo (nay thuộc Lâm Thao, Cam Túc), phía Bắc đến Cù Diễn Nhung (nay thuộc Diêm Trì, Ninh Hạ), phía Đông giáp với Hoàng Hà. Danh tiếng bá chủ Tây Nhung của Tần Mục Công làm vang dội chư hầu, và ông được coi là một trong Ngũ Bá thời Xuân Thu.
Tần Mục Công xác định mục tiêu rõ ràng, hành động cấp tốc, đối ngoại tích cực, mở rộng lãnh thổ, đối nội trọng dụng nhân tài. Điều này khiến cho nước Tần từ vị trí một chư hầu xa xôi hẻo lánh ở phía Tây Bắc không được Thiên Tử coi trọng nay vươn lên địa vị bá chủ thời Xuân Thu. Thế nên Tần Mục Công tuyệt đối xứng đáng được xưng tụng là một trong Xuân Thu Ngũ Bá.
4. Sở Trang Vương một khi lên tiếng ai nấy đều khiếp sợ
Sở Trang Vương (? - 591 TCN), tên thật là Hùng Lữ, hay Mị Lữ, là con trai của Sở Mục Vương. Ông là một trong những vị Sở vương có thành tựu đáng kể nhất. Dưới thời đại của ông, nước Sở trở nên cực thịnh, đặc biệt là đánh đại bại nước Tấn, thảo phạt nước Trịnh, khiến tên tuổi của Sở Trang Vương được liệt vào trong Ngũ bá thời Xuân Thu.
Sở Trang Vương đăng cơ năm 613 TCN, khi tuổi còn nhỏ. Trong vòng 3 năm ông không để ý đến việc triều chính và cơ nghiệp bá chủ, ban ngày thì du ngoạn săn bắn, đêm đến thì bày tiệc uống rượu, ông hạ lệnh cho dựng một tấm biển gỗ trên viết: “Ai dám can ngăn thì chém chết”. Nhưng vẫn có một vài đại thần liều chết mà khuyên ngăn, đại thần Ngũ Cử liền vào cung gặp Sở Trang Vương, muốn can gián ông tập trung vào việc nước nên ví von với một con chim: “Kinh đô nước Sở có một con chim lớn, năm màu sặc sỡ, dáng vẻ mỹ miều; chỉ suốt ba năm không bay không hót, các quan văn võ trong triều không hiểu vì sao. Ngài thử xem, cuối cùng đây là chim gì?”
Lúc này Sở Trang Vương trả lời: “Ta biết rồi. Đây có thể không phải là loài chim thường. Con chim này ba năm không bay, nhưng khi bay vút tận trời xanh, ba năm không hót nhưng khi hót là người người khiếp sợ. Ngươi xem có đúng không?”
Thế nhưng qua mấy tháng, con chim lớn Sở Trang Vương này vẫn y như cũ, không “bay” cũng không “hót”, vẫn chỉ có uống rượu, đi săn, thưởng thức ca múa. Đại phu Tô Tòng không còn nhẫn nại được nữa, bèn đến gặp Trang Vương. Vừa bước vào cửa cung, ông ta đã khóc ầm lên. Trang Vương cuối cùng cũng nghe theo, bắt đầu chỉnh đốn nội chính, trừng phạt những kẻ tiểu nhân, phân công Ngũ Cử, Tô Tòng trợ giúp triều chính, người dân nước Sở vô cùng cao hứng, khiến cho quốc lực nước Sở ngày càng hùng mạnh.
Khổng Tử từng tán thưởng Sở Trang Vương là một vị quân chủ trọng tín và trọng nghĩa. “Tả truyện - năm Tuyên Công thứ 11” có ghi chép rằng, các đại thần nước Trần đã chạy sang nước Sở cầu cứu, mong muốn Trang Vương có thể thay nước Trần bình định nội loạn. Năm 598 TCN, Sở Trang Vương xuất chinh đem quân thảo phạt nước Trần. Đồng thời thôn tính nước Trần và đổi thành một huyện của nước Sở.
Sau khi Thân Thúc Thời can ngăn, Sở Trang Vương đã cho khôi phục lại chế độ cũ của nước Trần, đồng thời phái người đến nước Tấn nghênh đón Thái tử Ngọ trở về lên ngôi vua nước Trần, xưng hiệu là Trần Thành Công. Thế nên Trần Thành Công luôn mang ơn đối với Sở Trang Vương, nước Trần từ đó hoàn toàn quy phục nước Sở. Từ đó về sau mãi cho đến khi nước Trần bị diệt vong, vẫn luôn là nước phụ thuộc nước Sở chưa bao giờ phản bội.
Khổng Tử khi đọc đến giai đoạn lịch sử này nói rằng: “Sở Trang Vương là người hiền đức, coi trọng chữ tín hơn cả quốc gia lớn ngàn cỗ xe. Nếu như không vì chữ “Tín” của Thân Thúc, thì không thể thành chữ “Nghĩa” của Trang Vương. Nếu như không phải Trang Vương “Hiền”, thì cũng sẽ không chấp thuận lời khuyên bảo của Thân Thúc”.
5. Tống Tương Công là vị quân chủ thành tín mưu đồ bá nghiệp mà chưa thành
Tống Tương Công (? - 637 TCN), tên thật là Tư Phủ, là vị quân chủ thứ 20 của nước Tống – chư hầu nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì 13 năm (năm 650 - 637 TCN).
Tề Hoàn Công sau khi chết bởi nội loạn, Thái tử Ngộ trốn chạy sang nước Tống. Tống Tương Công liên hợp với các nước chư hầu Tào, Vệ, Chu tiến vào nước Tề hợp sức với lực lượng của người Tề để dẹp loạn, đưa Thái tử Chiêu về nước lên ngôi vua. Sự kiện này đã khiến chư hầu liệt Tống Tương Công vào hàng Bá, tức người thứ hai trong Ngũ Bá, nhưng cũng khiến Tống Tương Công ảo tưởng về sức mạnh của nước Tống vốn thực chất không phải một chư hầu lớn mạnh như Tề hay Sở.
Năm Lỗ Hi Công thứ 21 (639 TCN), Tống Tương Công mời Lỗ Hi Công, Tề Hiếu Công cùng nước Sở kết liên minh tại Lộc Thượng (nay là phía Nam thành phố Phụ Dương, An Huy, hoặc phía Tây Nam của huyện Cự Dã tỉnh Sơn Đông). Nước Sở giả vờ nhận lời, nhưng lại ngầm bày thiên la địa võng. Mùa thu năm 639 TCN, Tống Tương Công đến đất Vu để hội chư hầu cùng nước Sở. Khi ra hội, các nước Sái, Trịnh, Tào, Trần, Hứa đều sợ nước Sở mạnh nên ngả theo Sở Thành Vương. Sở Thành Vương bèn đặt phục binh, chờ Tống Tương Công đến liền bắt giữ rồi đem quân đánh Tống. Công tử Mục Di từ liên minh trốn về dùng toàn bộ lực lượng chống lại quân Sở, kiên quyết không hàng. Sở Vương chỉ bắt giữ được Tống Tương Công cũng vô dụng, liền đem đưa cho nước Lỗ, Lỗ Hi Công thừa cơ ra mặt thuyết phục cho thả Tống Tương Công về nước.
Nhưng Tống Tương Công vẫn không ý thức được lúc này các nước khác đã không còn tin nước Tống. Lúc đó nước Sở hùng mạnh, nên nước Trịnh nghiêng về nước Sở. Vì thế, vào năm 638 TCN, Tống Tương Công xuất quân phạt nước Trịnh. Sở cứu Trịnh, và hai bên giáp trận ở trận Hoằng Thủy. Khi Tống Tương Công bày trận xong thì quân Sở vẫn chưa sang sông hết. Tư Mã Cố khuyên Tống Tương Công đánh ngay vì quân Sở đông hơn. Ông không nghe theo, cho rằng đánh trận cần đàng hoàng không dùng thủ đoạn. Khi quân Sở qua sông xong chưa kịp bày trận, Tư Mã Cố lại khuyên nên đánh, nhưng ông vẫn không nghe theo.
Khi quân Sở bày trận xong xông tới giáp chiến rất mạnh mẽ, quân Tống không chống nổi, bị thua tan tác, chết rất nhiều. Bản thân Tống Tương Công bị thương ở đùi, vì thế người dân trong nước đều oán trách ông, nhưng ông lại nói: “Theo ta, quân đội nhân nghĩa thì phải đánh như vậy. Thí dụ, thấy người đã bị thương thì không làm hại, thấy người già tóc bạc thì không bắt làm tù binh. Người xưa dụng binh, không bức bách người ta vào chỗ nguy hiểm. Quả nhân mặc dù suýt vong quốc nhưng không tiến quân mà không thành hàng lối” (“Tả truyện” Hi Công năm thứ 22).
Sau trận chiến ở Hoằng Thủy, nước Tống tổn thất nặng nề, thực lực quốc gia từ đó không gượng dậy nổi, không lâu sau Tống Tương Công vì vết thương trong trận đánh với quân Sở không qua khỏi và mất.