Trong thế giới của Kim Dung có những người phải rèn luyện cực khổ mới đạt đến cảnh giới võ thuật đỉnh cao. Tuy nhiên, cũng có không ít nhân vật gặp vận may khi trở thành cao thủ chỉ trong giây lát.
Quách Tĩnh
Quách Tĩnh là nhân vật chính trong tiểu thuyết "Anh hùng xạ điêu" và là nhân vật phụ trong tác phẩm "Thần điêu đại hiệp". Nhà văn Kim Dung mô tả Quách Tĩnh tuy trí tuệ không bằng người khác, đến sư phụ của chàng cũng có lúc chê chàng ngốc, không chỉ khả năng lĩnh hội võ công kém, còn ngốc nghếch trong đối nhân xử thế, không có tâm cơ, thiếu sự khéo léo, không biết cách tính toán cho bản thân. Tuy nhiên, chính vì không biết mưu mô tính toán, anh lại rất cần cù, chăm chỉ nên đã tạo thành phúc khí.
Lúc Quách Tĩnh và Hoàng Dung gặp Hồng Thất Công. Ban đầu, Hồng Thất Công không hề muốn nhận Quách Tĩnh làm đệ tử bởi lí do lúc đó tư chất của Quách Tĩnh rất kém. Điều này khiến Hoàng Dung rất tức giận, một mặt nàng dùng kế khích tướng bắt Quách Tĩnh không được bỏ cuộc. Mặt khác, Hoàng Dung đã dụ Hồng Thất Công bằng những món ăn ngon nên ông đã truyền lại Hàng Long Thập Bát Chưởng lại cho phu quân tương lai. Nói cách khác, nếu không phải là Hoàng Dung can thiệp thì chắc Quách Tĩnh chẳng khi nào nghĩ đến con đường trở thành một đại cao thủ võ công uy chấn giang hồ.
Năm 2003, bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đình đám "Anh hùng xạ điêu" của nhà văn Kim Dung đã tạo nên một cơn sốt lớn. Ngay cả chính Kim Dung cũng phải thừa nhận đây là phiên bản rất hợp với ý của ông và cũng rất sát với nguyên tác.
Nam diễn viên Lý Á Bằng đã thể hiện cực thành công nhân vật, nhất là nét ngô nghê và đôi khi là hơi "đần" của Quách Tĩnh. Nhân vật này cũng được nhiều khán giả đánh giá cao vì không chỉ có ngoại hình giống với Quách Tĩnh trong tác phẩm mà diễn xuất và cách thể hiện tâm lý nhân vật của Lý Á Bằng cũng rất tinh tế. Sự tương tác hoàn hảo giữa Lý Á Bằng và Châu Tấn cũng giúp họ trở thành cặp đôi Quách Tĩnh - Hoàng Dung kinh điển của màn ảnh Hoa ngữ.
Hư Trúc
Bộ phim "Thiên long bát bộ" phiên bản 2003 đã xây dựng nhân vật Hư Trúc (Cao Hổ) giống với nguyên tác của nhà văn Kim Dung. Theo đó, Hư Trúc vốn có xuất thân là một tiểu hoà thượng tại chùa Thiếu Lâm, cả địa vị và võ công đều rất thấp kém. Mặc dù là nhân vật được nhà văn Kim Dung cho ít đất diễn nhất nhưng bù lại anh được tác giả ưu ái cho gặp rất nhiều may mắn.
So với các đồng môn, ngoại trừ diện mạo thô kệch, xấu xí của mình, Hư Trúc cũng không có gì nổi bật. Thế nhưng, sau khi đi một nước cờ vu vơ cốt chỉ để cứu tên đại ác Đoàn Diên Khánh, anh tình cờ giải được thế cờ Trân Lung mà 30 năm nay chưa ai giải nổi.
Ở trên núi Đoàn Dự, Mộ Dung Phục hay Cưu Ma Trí, những người trí tuệ hơn Hư Trúc rất nhiều cũng phải chịu bó tay. Từ đó, Hư Trúc có cơ duyên thứ hai, trở thành Chưởng môn phái Tiêu Dao và được Vô Nhai Tử (người nghĩ ra thế cờ Trân Lung) truyền cho nội công 70 năm tu luyện. Hư Trúc từ một kẻ yếu ớt bỗng chốc trở thành người có công lực mạnh nhất nhì thiên hạ.
Những chặng đường phiêu lưu tiếp theo, cơ duyên lại đến với Hư Trúc, Vì lòng nhân từ, anh đã cứu cô bé bị 36 động chủ và 72 đảo chủ toan giết, ai ngờ đó là Thiên Sơn đồng mỗ khét tiếng tàn ác. Sau đó, Hư Trúc bị Thiên Sơn đồng mỗ "ép" học võ công thượng thừa như kinh công, Tiêu vô tướng công hay Thiên Sơn chiết mai thủ…
Sau khi bị Thiên Sơn đồng mỗ mang đến hầm băng ở dưới hoàng cung nước Tây Hạ, Hư Trúc bị ép chung chăn gối với một cô gái không rõ mặt và lai lịch. Không ngờ, cô gái này chính là công chúa nước Tây Hạ. Anh lại trở thành chủ nhân Linh Thứu Cung, thu nạp nội lực cả đời của hai cao thủ hạng nhất là tỉ muội đồng môn Thiên Sơn đồng mỗ và Lý Thu Thủy. Nhờ giải được Sinh Tử phù, Hư Trúc cứu mạng 108 vị động chủ, đảo chủ và được họ tôn lên làm chủ nhân. Cuối cùng, anh học thêm được nhiều võ công trong Linh Thứu cung. Như vậy, Hư Trúc trở thành người có tất cả mọi thứ, từ địa vị, danh vọng cho đến gia thất.
Đoàn Dự
Đoàn Dự là nhân vật chính xuất hiện trong tác phẩm "Thiên long bát bộ". Anh chính là thái tử của nước Đại Lý, thường ngày chỉ đam mê ca từ thi họa chứ không thích võ công. Do vậy, mặc dù Đoàn gia là một trong những nhất đại gia tộc của võ lâm Trung Nguyên nhưng Đoàn Dự lại không gì về võ công. Cho đến khi Cưu Ma Trí đến nước Đại Lý nhằm cướp đoạt Lục Mạch thần kiếm và bắt cóc Đoàn Dự tới Giang Nam thì cuộc phiêu lưu võ công của anh mới bắt đầu.
Trên đường tìm về Vạn Kiếp cốc để tìm song thân Chung Linh, anh rơi vào Vô Lượng động. Ở đây, Đoàn Dự may mắn tìm được hai bộ bí kíp võ công thượng thừa là Bắc Minh thần công và Lăng ba vi bộ. Ở chùa Thiên Long, trước khi đốt bộ Lục Mạch thần kiếm để khỏi lọt vào tay ác tăng Cưu Ma Trí, Khô Vinh thiền sư đã kịp hướng dẫn Đoàn Dự cách luyện tập. Tất cả các môn võ công đệ nhất đều đến với anh chỉ một cách tình cờ.
Nhờ Bắc Minh thần công, Đoàn Dự hút được nội lực của bảy đệ tử Vô Lượng kiếm, Đoàn Diên Khánh, Hoàng My Tăng, Diệp Nhị Nương, Nam Hải Ngạc Thần, Vân Trung Hạc… và đặc biệt là nội công cả đời tu luyện của Khưu Ma Trí. Sau này, chính nhờ nội công cao cường đã giúp anh thi triển Lục Mạch thần kiếm một cách uy lực.
Tại cuộc chiến trên núi Thiếu Thất, Đoàn Diên Khánh và Khưu Ma Trí khi chứng kiến Đoàn Dự thi triển Lục Mạch thần kiếm đã phải khẳng định rằng mặc dù anh tu luyện chưa thông nhưng chỉ cần có cao nhân chỉ điểm, ắt sẽ trở thành thiên hạ đệ nhất.
Lệnh Hồ Xung
Nếu là fan của bộ phim "Tiếu ngạo giang hồ", có lẽ khán giả không thể không biết đến Hấp tinh đại pháp - môn võ công khiến cho các bậc anh hùng trên giang hồ vừa khiếp sợ, vừa khinh bỉ. Bởi tính chất các loại võ công thông thường chỉ đả thương đối phương nhưng Hấp tinh đại pháp lại là môn hấp thụ nội công của đối thủ, lấy của địch làm của mình.
Trong phiên bản kinh điển năm 2000, nhân vật chính Lệnh Hồ Xung do nam diễn viên Lý Á Bằng thủ vai. Anh đã vô tình học được Hấp tinh đại pháp sau khi bị "bố vợ" Nhậm Ngã Hành lừa thế thân trong ngục. Đặc biệt sau khi học được phần tâm pháp căn bản của võ công này, Lệnh Hồ Xung có thể hút cạn nội lực thượng thặng của những cao thủ võ lâm chỉ trong một lần chạm tay.
Nhược điểm của tuyệt kỹ võ công này là tuy thu hút nội lực của đối phương vào bản thân nhưng những luồng chân khí đó không cùng nguồn gốc, không thể dung hòa với nhau, ngược lại còn xung đột lẫn nhau trong kỳ kinh bát mạch. Mỗi lần phát tác đều khiến cho người luyện đau đớn khổ sở như bị tẩu hỏa nhập ma.
Cũng chính vì điểm này mà Nhậm Ngã Hành đã đột tử do chính những luồng chân khí mà y đã thu thập trong đời. Lệnh Hồ Xung suýt đi theo vết xe đổ của Nhậm Ngã Hành nhưng may mắn hơn vì được Phương Chứng đại sư truyền thụ bộ nội công Phật môn thượng thừa là Dịch cân kinh, có thể hóa giải được những luồng chân khí dị chủng trong người.