Võ thuật là một trong những nội dung chính trong các tác phẩm của cố nhà văn Kim Dung, trong đó có những bí kíp võ công chỉ cần may mắn tìm được là có thể rèn luyện, trở thành cao thủ võ lâm tuy nhiên cũng có không ít các tuyệt chiêu không thể tu luyện.
Tiên thiên công của Vương Trùng Dương
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, Vương Trùng Dương là vô địch khi còn sống, ông là cao thủ đứng đầu võ lâm ngũ bá, tổ sư sáng lập ra phái Toàn Chân giáo. Nhưng Kim Dung lại không nói đến xuất xứ võ công của ông, chỉ nói Vương Trùng Dương từng là một lãnh tụ chống nhà Kim, sau đó thất chí nên xuất gia làm đạo sĩ, tu tập các phép dưỡng sinh của Đạo gia. Từ đó ta có thể tạm suy luận rằng võ công của Vương Trùng Dương được ông sáng tạo bằng cách tổng kết các phép cận chiến từ chiến trận và phép khí công của Đạo gia.
Trong đó Tiên thiên công là môn nội công thượng thặng của Vương Trùng Dương, có tác dụng đả thông kỳ kinh bát mạch, tu luyện đến mức tận cùng cũng không thua kém gì Cửu âm chân kinh vì theo lời Vương Trùng Dương, có luyện thêm nữa cũng chỉ là thiên hạ đệ nhất mà thôi. Và thực chất ông giành Cửu âm chân kinh chỉ để cho thiên hạ thái bình...
Khi bệnh cũ lại phát, Vương Trùng Dương nghĩ mình chắc không còn sống lâu nên dẫn sư đệ Chu Bá Thông tới Đại Lý, chủ yếu là để truyền lại công phu lợi hại nhất của ông ta là Tiên thiên công cho Nam Đế Đoàn Hoàng gia (Đoàn Trí Hưng).
Như thế, Đoàn Hoàng gia với thần công Nhất dương chỉ của và Tiên thiên công có thể khắc chế Tây Độc Âu Dương Phong, không sợ y hoành hành tác quái nữa.
Chỉ vì Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái và Trung Thần Thông, năm người danh tiếng ngang nhau, nếu nói là tới truyền thụ công phu thì không khỏi có chỗ bất kính với Đoàn Hoàng gia, nên trước tiên xin Đoàn Hoàng gia truyền thụ Nhất dương chỉ rồi mới đem Tiên thiên công ra trao đổi.
Đoàn Hoàng gia hiểu dụng ý của y, trong lòng rất kính trọng, lập tức chuyên tâm tu luyện Tiên thiên công.
Có thể nói Tiên thiên công là môn nội công này rất khó luyện, muốn tu luyện thì điều kiện rất khắc nghiệt, cần phải là người có căn cơ và nội công thâm hậu. Vì vậy thay vì truyền lại cho sư đệ Chu Bá Thông và các đệ tử trong giáo (căn bản những người này không đủ điều kiện để có thể luyện được Tiên thiên công), Vương Trùng Dương phải lặn lội tới tận Đại Lý để truyền thụ lại cho Đoàn Hoàng gia.
Tuy nhiên, qua diễn biến của truyện Anh hùng xạ điêu thì chúng ta có thể thấy dù Đoàn Hoàng gia được Vương Trùng Dương truyền thụ Tiên thiên công nhưng xét về võ công cũng không lấn át được Đông Tà, Tây Độc và Bắc Cái như Vương Trùng Dương năm xưa, từ đó có nhiều suy đoán Đoàn Hoàng gia cũng mới chỉ luyện được phần nội công nhập môn của Tiên thiên công chứ chưa đạt tới mức thượng thừa như Vương Trùng Dương, đủ để thấy môn nội công này rất khó luyện.
Về sau theo sự suy vi của phái Toàn Chân giáo và sự diệt vong của Đại Lý, môn võ công này cũng thất truyền.
Ảm nhiên tiêu hồn chưởng do Dương Quá sáng tạo
Tiểu thuyết kiếm hiệp Thần điêu đại hiệp của cố nhà văn Kim Dung không chỉ mang đến cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc về mối tình sư đồ đầy thi vị và trắc trở của Tiểu Long Nữ cùng Dương Quá mà còn mở ra một kho tàng võ công đồ sộ với những bí kiếp công phu kì dị và uy mãnh. Trong số đó không thể không kể đến Ảm nhiên tiêu hồn chưởng do Dương Quá sáng tạo trong 16 năm dằn vặt chờ đợi người tình Tiểu Long Nữ.
Trước khi tạo ra loại chưởng pháp kì lạ, ảo diệu này, Dương Quá đã được học qua rất nhiều công phu tuyệt đỉnh như Ngọc nữ tâm kinh do Tiểu Long Nữ dạy sau khi Dương Quá rời Toàn Chân giáo và được nhận làm đệ tử phái Cổ Mộ, Hàm mô công của Âu Dương Phong, Đả cẩu bổng pháp của Hồng Thất Công, Đạn chỉ thần công, Ngọc Tiêu kiếm pháp của Hoàng Dược Sư, Tam kiếm của Độc Cô Cầu Bại. Đặc biệt là Song kiếm hợp bích luyện cùng Tiểu Long Nữ. Có thể nói Ám nhiên tiêu hồn chưởng không phải là không có liên quan đến những bí kiếp võ công mà Dương Quá từng học qua.
Chính những ngày tháng trong Cổ Mộ luyện kiếm cùng nhau đã khiến giữa Tiểu Long Nữ và Dương Quá nảy sinh mối tình sư đồ bị giang hồ đàm tiếu vì nó đi ngược luân lý đạo nghĩa đương thời.
Sau biến cố đau thương, Dương Quá phải chia lìa Tiểu Long Nữ ở Tuyệt Tình cốc, nên đâm ra tương tư, trong lòng luôn thương nhớ Tiểu Long Nữ. Sau đó gặp và làm bạn với Thần Điêu, chú chim thông minh từng là bạn của Độc Cô Cầu Bại những ngày ông còn sống. Từ đó Dương Quá ngày đêm chỉ biết điên cuồng luyện võ nên nội công ngày càng thâm hậu.
Một ngày nọ Dương Quá đứng ngoài bờ biển, trong lòng chán nản tuyệt vọng, vì muốn phát tiết bực tức trong lòng mà tay đấm chân đá loạn xạ, sau đó phát ra một chưởng, đem nham thạch nghiền nhỏ như cát. Dương Quá bắt đầu suy ngẫm, sáng tạo ra một loạt các chiêu thức, từ đó Ảm nhiên tiêu hồn chưởng ra đời.
Khi đối địch với các loại chưởng pháp thông thường khác, chiêu thức này đều phát ra uy lực mạnh mẽ khác thường, toàn bộ đều được quyết định ở nội công. Dương Quá đặt cho nó cái tên thần sầu như vậy là bởi trong giang hồ có câu “Ám nhiên tiêu hồn giả, duy biệt nhi dĩ hỹ” (người đau khổ mất hồn, chỉ có thể là do li biệt mà thôi).
Uy lực của Ảm nhiên tiêu hồn chưởng rất lớn. Năm xưa để giải cứu Tiểu Long Nữ và Quách Tương, Dương Quá dùng chính chiêu thức này để đánh bại Kim Luân Pháp Vương và đội quân Mông Cổ.
Tuy nhiên, đây là môn võ kỳ lạ sử dụng khi đang trong tâm trạng tương tư sầu khổ vô cùng đau đớn tuyệt vọng. Khi tâm trạng vui vẻ hạnh phúc, vô ưu vô lo thì lộ chưởng pháp này mất đi thần hiệu nên vì thế mà hiếm có truyền nhân. Chính vì vậy, sau khi Dương Quá qua đời môn võ công này cũng khôn còn được nhắc đến.