2 sự kiện rùng rợn sau khi Từ Hi qua đời: Điềm trời báo trước?

Google News

Hai sự kiện kỳ lạ xảy ra ngay sau khi Từ Hi Thái hậu qua đời chẳng những khiến cho bách tính thời bấy giờ hoang mang mà còn trở thành chủ đề bàn luận gây tranh cãi đối với hậu thế.

Mỗi khi nhắc tới tên tuổi của Từ Hi, nhiều người thường nhớ đến những việc làm chuyên quyền khi còn sống của vị Thái hậu khét tiếng Thanh triều này.

Có tới gần nửa thập kỷ đứng trên đỉnh cao quyền lực của triều đình phong kiến, thế nhưng Tây Thái hậu dù có 'một tay che trời' nhưng cũng không thể đứng ngoài vòng tuần hoàn của sinh lão bệnh tử.

Ngày 22/10 năm Quang Tự thứ 34 (tức năm 1908), Từ Hi Thái hậu chính thức băng hà tại điện Nghi Loan ở tuổi 72.

Có giai thoại truyền lại rằng, cái chết của bà dường như đã được tiên liệu từ trước, cũng bởi vậy mà vị Hoàng Thái hậu ấy từ sớm đã chuẩn bị cho hành trình về thế giới bên kia của mình một cách vô cùng chu đáo.

Thế nhưng điều ít ngờ tới lại nằm ở chỗ, cái chết của Từ Hi đã kéo theo hàng loạt những chuyện ly kỳ. 

Có người cho rằng đó chỉ là một vài trùng hợp ngẫu nhiên, thế nhưng cũng có không ít ý kiến lại khẳng định, đây chính là 'báo ứng' của Tây Thái hậu và cũng là điềm báo về sự mạt vận của đế chế Đại Thanh.

'Điềm trời' xuất hiện trong ngày đưa tang Từ Hi báo trước hồi mạt vận của Thanh triều

Một phóng viên người Hà Lan khi chụp những bức ảnh hiếm hoi về đám tang của Từ Hi đã đưa ra nhận định: 'Đoàn thuộc hạ cầm cờ đưa tiễn tưởng chừng như kéo dài đến vô tận. Dường như họ đã mang tất cả các lá cờ từ hoàng cung để đến tiễn đưa bà hoàng cuối cùng của đất nước'. (Ảnh: Nguồn Internet).

Ngày 22/10 âm lịch năm 1908, Từ Hi Thái hậu chính thức băng hà. Tang lễ của bà được cử hành với quy mô lớn bậc nhất và được xem là một trong những đại tang tốn kém, phô trương nhất Thanh triều.

Trong ký ức của một số những học giả nước ngoài đang sinh sống tại Trung Hoa khi đó, vào ngày đưa tang Lão Phật gia, tất cả người dân thành Bắc Kinh đều ùn ùn kéo về Đông Trực Môn để chứng kiến tận mắt lễ tiễn đưa tang cầu kỳ và xa hoa hiếm có ấy.

Những bức ảnh chụp hiếm hoi chụp lại khung cảnh của ngày này cũng cho thấy, chỉ riêng linh cữu của Từ Hi cũng đã có tới cả trăm người thay phiên nhau khiêng đến lăng mộ.

Thế nhưng ngay trong ngày hôm đó, dân chúng kinh thành lại được chứng kiến một hiện tượng vô cùng kỳ lạ.

Có giai thoại truyền lại rằng, vào thời điểm đoàn người đưa tiễn linh cữu Thái hậu rời khỏi kinh đô, bầu trời vốn đang vô cùng quang đãng đột nhiên nổi gió lớn, mây đen giăng kín, khung cảnh mịt mù tưởng chừng như sắp có cuồng phong bão tố kéo đến.

Trước sự việc bất ngờ nói trên, một số người cho rằng đó chỉ là sự thay đổi bất chợt của thời tiết. Thế nhưng Từ Hi Thái hậu qua đời vào mùa đông, do đó hiện tượng này vẫn bị xem là vô cùng kỳ lạ.

Thậm chí người dân kinh thành khi ấy vẫn còn thường truyền tai nhau một lời đồn: Đó là điềm báo cho thấy Thanh triều sắp tận. Và thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, chỉ vài năm sau khi Từ Hi qua đời, cơ nghiệp Đại Thanh quả thực cũng đã đến hồi mạt vận.

Giai thoại liên quan tới quan tài tự 'đổ máu' của Từ Hi Thái hậu

Theo một số giai thoại dân gian truyền lại, khi đoàn hộ tống đang đưa linh cữu của Từ Hi vào đặt địa cung bên trong hoàng lăng thì đột nhiên có rất nhiều máu chảy ra từ bên trong quan tài.

Lúc đó, một số quan lại có mặt tại đây vẫn trấn an nhau bằng giả thiết có thể di thể của Thái hậu đang trong quá trình phân hủy.

Thế nhưng căn cứ vào các ghi chép của Thanh cung, việc khâm liệm cho Từ Hi được thái giám thân cận của bà là Lý Liên Anh tiến hành vô cùng cẩn thận.

2 su kien rung ron sau khi Tu Hi qua doi: Diem troi bao truoc?-Hinh-2
 

Không chỉ vận dụng đủ mọi cách để thi hài Thái hậu không bị thối rữa, vị Thái giám họ Lý ấy còn tận tay đặt vào trong miệng Từ Hi một viên minh châu có giá trị nghìn tỷ vì tin rằng viên ngọc quý ấy sẽ bảo quản ngọc thể của bà.

Vụ 'hôi của' vô tiền khoáng hậu khiến mộ Từ Hi trở nên tiêu điều: Phải chăng là báo ứng?

Nhiều năm sau khi vị Thái hậu 'hét ra lửa' của Mãn Thanh nằm xuống, những giai thoại ly kỳ nói trên cũng dần trôi vào quên lãng. Thế nhưng hàng loạt biến cố liên tiếp xảy ra tại nơi an nghỉ của Từ Hi sau này lại khiến người đời không khỏi nhớ về hàng loạt sự kiện rùng rợn năm nào.

Sở hữu số kho báu khổng lồ với hàng loạt đồ tùy táng giá trị, lăng mộ của Tây Thái hậu đã trở thành mục tiêu của hàng loạt những kẻ trộm mộ. Trong số đó phải kể tới vụ 'hôi của' táo tợn xảy ra vào năm 1928 do Tôn Điện Anh cầm đầu.

Chẳng những lăng mộ bị bè lũ mộ tặc này 'khoắng' sạch bảo vật, di thể của Từ Hi còn bị chúng vũ nhục bằng cách lôi ra ngoài quan tài, lột sạch tất cả y phục, tư trang. 

Giờ đây mỗi khi nhắc tới phi vụ trộm lăng Từ Hi của bè lũ Tôn Điện Anh, nhiều người vẫn nhận định đó là một vụ 'hôi của' táo tợn vô tiền khoáng hậu. Thế nhưng không ít người cũng cho rằng, hết thảy mọi tai ương và biến cố ấy chính là quả báo mà Từ Hi phải nhận vì hàng loạt những việc làm trái với lẽ trời của bà khi còn tại vị.

Theo Trần Quỳnh/Trí thức trẻ

>> xem thêm

Bình luận(0)