Tại buổi giao ban trực tuyến, kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 giữa Thủ tướng với các địa phương sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng bước đầu các địa phương đã thực hiện hiệu quả, thành công chỉ thị 15 của Thủ tướng về yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19.
Về giải pháp sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương tập trung cao độ hơn trong chỉ đạo điều hành, không được chủ quan. Thủ tướng Phúc đề nghị các địa phương thực hiện một số giải pháp lớn để phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, tiếp tục đi từng ngõ, gõ từng nhà để tất cả mọi người phải được giám sát, khai báo y tế.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo "có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh", trong cuộc giao ban sáng 29/3. Ảnh: TTXVN |
Nhấn mạnh "thời gian vàng” để chống dịch chỉ khoảng 2 tuần nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: "Một tinh thần là chống dịch như chống giặc. Việt Nam đã có 12 ngày đêm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ trên không năm 1972, giờ đây chúng ta có 15 ngày hoặc hơn thế nữa để chiến thắng dịch bệnh, không để bùng nổ ở Việt Nam nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Đó là trách nhiệm nặng nề nhưng vinh dự đối với cả hệ thống của chúng ta.
"Một tinh thần 7/4/1975 khi Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam gửi mặt trận Sài Gòn đó là: Thần tốc - Thần tốc hơn nữa, Táo báo - Táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, sốc tới chiến trường, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng. Một tinh thần ấy phải được vận dụng vào công cuộc chống dịch hiện nay", Thủ tướng nhấn mạnh.
Như vậy, trải qua 12 ngày đêm căng sức làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, toàn quân toàn dân ta đã một lòng quyết chiến như thế nào? Kiến Thức xin điểm lại chiến tích lẫy lừng này:
|
Máy bay của ta xuất kích tiêu diệt địch. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
12 ngày đêm ác liệt của trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Cách đây 48 năm, Mỹ mở cuộc tập kích chiến lược bằng không quân vào Hà Nội và các thành phố lớn ở miền Bắc, hòng xoay chuyển tình thế trên bàn đàm phán Paris. Với ý chí quyết chiến quyết thắng, trong 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc đã đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không,” buộc chính quyền Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ký Hiệp định Paris.
Ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Nixon chính thức ra lệnh tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền Bắc nước ta với tên gọi chiến dịch “Linebacker II.”
Vào lúc 10h30 ngày 17/12/1972, ngay khi Tổng thống Nixon ra lệnh mở cuộc tiến công bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc, quân và dân toàn miền Bắc đã vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ.
Đêm 18 rạng ngày 19/12: những trận đánh đầu tiên, hạ gục tại chỗ “Siêu pháo đài bay B.52” - thần tượng của không lực Mỹ.
Suốt đêm 18 đến rạng ngày 19/12/1972, quân Mỹ huy động 90 lần chiếc B.52 ném 3 đợt bom xuống thủ đô Hà Nội. Xen kẽ các đợt đánh phá của B.52 có 8 lần chiếc F.111 và 127 lần máy bay cường kích, bắn phá các khu vực nội ngoại, thành.
Trong đêm đầu tiên Mỹ đã ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân cư bị trúng bom, làm chết 300 người. Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 2 máy bay B.52 rơi tại chỗ.
|
Trận địa pháo cao xạ phối hợp nhịp nhàng, quật tan xác pháo đài bay B.52 của Mỹ. Ảnh: TTXVN |
Ngày 20/12: bằng 19 viên đạn 14,5 mm đã bắn rơi 1 máy báy F.111
21h ngày 20/12, tại Trận địa Vân Hồ (Hà Nội), các chiến sĩ Đại đội tự vệ của 3 nhà máy (Cơ khí Mai Động, Gỗ Hà Nội và cơ khí Lương Yên), bằng 19 viên đạn 14,5 mm đã bắn rơi 1 máy báy F.111 của địch. Cũng trong ngày 20/12, bộ đội tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn, bắn rơi 7 chiếc B.52 (có 5 chiếc rơi tại chỗ).
Ngày 21/12: với 6 quả đạn đã bắn rơi 4 chiếc B.52
Rạng ngày 21/12, chỉ trong 9 phút (từ 5h02 đến 5h11), các tiểu đoàn (57, 77, 79) với 6 quả đạn đã bắn rơi 4 chiếc B.52 (3 chiếc rơi tại chỗ).
Ngày 23/12: Bộ đội phòng không Hải Phòng lập công xuất sắc
Trong trận đánh rạng sáng ngày 23-12, Bộ đội phòng không Hải Phòng lập công xuất sắc, Tiểu đoàn 82 (Đoàn Hạ Long) ở trận địa An Lão bắn rơi 1 chiếc B.52.
Ngày 24/12: chiến công đầu của quân và dân Thái Nguyên
Ta bắn rơi 5 máy bay: 1 chiếc B.52, 2 chiếc F4, 2 chiếc A7. Trong đó, bắn rơi “Siêu pháo đài bay B.52” vào đêm 24-12 là chiến công đầu của quân và dân Thái Nguyên.
|
Máy bay ném bom Mỹ F105 Thunderchief thả bom xuống miền Bắc Việt Nam. |
Chiến thắng ngày 26/12/1972 đã làm suy sụp hẳn tinh thần và ý chí của giới cầm quyền và giặc lái Mỹ.
Ngày 26/12: trận đánh then chốt
Cao điểm nhất là ngày 26/12, lúc 22h05 phút đến 23h20, địch sử dụng 105 lần chiếc máy bay B.52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống, đánh ồ ạt, liên tục, đồng thời từ nhiều hướng và tập trung một đợt vào nhiều mục tiêu ở 3 khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên.
Lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B.52 (riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, trong đó 4 chiếc rơi tại chỗ) và 10 máy bay chiến thuật khác. Trong trận này, lần đầu tiên Quân khu Việt Bắc (Trung đoàn 256) bắn rơi 1 chiếc B.52 chỉ bằng pháo cao xạ 100 mm. Đây là trận đánh then chốt, quyết định nhất, bắn rơi nhiều máy bay B.52 nhất trong 9 ngày chiến đấu. Chiến thắng này đã làm suy sụp hẳn tinh thần và ý chí của giới cầm quyền và giặc lái Mỹ.
Ngày 27/12: máy bay Mig21 bắn rơi chiếc B.52 thứ 2
22h20 ngày 27/12/1972, chiến sĩ Phạm Tuân, phi công lái máy bay Mig 21 được lệnh cất cánh bất ngờ từ sân bay Yên Bái, vượt qua hàng rào bảo vệ B.52 của máy bay tiêm kích F4, tiến về hướng đội hình B.52 của địch, tiếp cận mục tiêu ở cự ly gần, bắn rơi chiếc B.52 thứ 2 trong đội hình 3 chiếc của địch.
Ngày 29/12: trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm
Do bị tổn thất nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, đến 29/12, máy bay B.52 của địch chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài như nhà máy điện Cao Ngạn, Đồng Hỷ và khu vực cây số 4 Bắc Thái Nguyên, khu gang thép Thái Nguyên, khu Trại Cau, Đồng Mỏ (Lạng Sơn), Kim Anh (Vĩnh Phúc) mà không dám tập trung lực lượng ở tọa độ lửa – Hà Nội nữa.
Về phía ta, các tiểu đoàn 72, 78, 79 bố trí ở vòng ngoài tham gia đánh B.52, đã bắn rơi 2 máy bay (1 chiếc B.52, 1 chiếc F4). Đây là trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cuối tháng 12/1972.
|
Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12 năm 1972 kết thúc với chiến thắng oanh liệt của quân và dân miền Bắc: bắn rơi 81 chiếc, gồm: 34 chiếc B.52, 5 chiếc F.111A, 21 chiếc F4CE, 4 chiếc A6A, 12 chiếc A7, 1 chiếc F105D, 2 chiếc RA5C, 1 chiếc trực thăng HH53, 1 chiếc trinh sát không người lái 147SC; tiêu diệt và bắt sống hàng trăm phi công Mỹ.
Trước sự thất bại lớn và liên tiếp trong 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, 7 giờ sáng ngày 30/12, Tổng thống Mỹ Nixon buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận họp lại Hội nghị Paris về Việt Nam.
Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về “chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký kết.
Chiến thắng của quân và dân ta đối với cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, tháng 12/1972, có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Chiến thắng oanh liệt của trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời này đã góp phần kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài, hao người tốn của của một đạo quân viễn chinh. Âm hưởng của nó đã vượt ra khỏi phạm vi của một chiến dịch, góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút” sau khi Hiệp định Paris được ký kết, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân năm 1975.
Bệnh viện Bạch Mai trong trận bom B52 năm 1972
Từ ngày 18-30/12/1972, Không quân Mỹ đã sử dụng sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật dội xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác hơn 100.000 tấn bom. Riêng Hà Nội, với 444 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, chúng đã thả xuống 10.000 tấn bom, tương đương với quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima của Nhật. Hành động tàn bạo của đế quốc Mỹ đã giết chết và làm bị thương gần 4.000 người. Ngoài ra, bom Mỹ còn hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà.
Dã man hơn, không quân Mỹ còn đánh vào những mục tiêu dân sự gồm bệnh viện Bạch Mai và phố Khâm Thiên, Hà Nội. B-52 của Mỹ tổng cộng 4 lần dội hàng trăm quả bom xuống bệnh viện Bạch Mai vào các ngày 16, 18/4, 20 và 22/12, làm chết nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế. 22h47 đêm 26/12, một tốp B-52 đã rải gần 90 tấn bom xuống khu phố Khâm Thiên làm 287 người chết và 290 người bị thương.
Mở đầu tấn thảm kịch ở bệnh viện Bạch Mai, 2h38 rạng sáng 22/12, B-52 đã dội 100 quả bom vào bệnh viện làm chết nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế. Tại thời điểm đó, có hơn 300 bệnh nhân nằm điều trị dưới các tầng hầm bệnh viện. Cuộc tấn công khiến bệnh viện bị phá hủy nặng nề. Nhiều khu nhà làm việc và phòng bệnh bị sập đã lấp kín một số hầm trong đó có nhiều bác sỹ, y tá, kỹ thuật viên, hộ lý, giảng viên và sinh viên Đại học Y đang làm việc. Dù việc tổ chức cứu sập, cấp cứu đã được tiến hành rất khẩn trương, kịp thời và tích cực, nhưng đã có 30 bác sĩ, y tá hy sinh, 22 người khác bị thương.
Ông Đỗ Doãn Đại, Giám đốc bệnh viện giai đoạn 1969 – 1982, nhân chứng vụ ném bom hủy diệt hồi tưởng: "Bạch Mai khi ấy làm nhiệm vụ cấp cứu cho cả vùng phía Nam và các tỉnh từ Hà Nam về Hà Nội, vì vậy Mỹ đã đánh bom bệnh viện không chỉ để uy hiếp tinh thần cán bộ nhân viên mà còn cả người dân thủ đô".
|
B-52 của Mỹ tổng cộng 4 lần dội hàng trăm quả bom xuống bệnh viện Bạch Mai vào các ngày 16, 18/4, 20 và 22/12, làm chết nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế. Ảnh: TTXVN |
Dù bị hủy hoại nặng nề, chỉ sau 5 ngày khắc phục hậu quả, ổn định tổ chức, cán bộ toàn bệnh viện đã tiếp tục công tác cấp cứu nạn nhân bị thương nặng do bom Mỹ ném xuống Khâm Thiên và các khu vực khác ở Hà Nội trong những ngày đêm sau đó.
Sau trận ném bom ngày 22/12, vào sáng 27/12/1972, máy bay Mỹ lại bắn một quả tên lửa và ném một quả bom cỡ lớn vào giữa khu vực trung tâm của bệnh viện, phá hủy Phòng Điều trị bệnh tim-mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh hô hấp, bệnh thận, Phòng Hậu phẫu, Khoa Sản - Phụ, Phòng đẻ, Phòng mổ, Phòng Điều trị trẻ em... Cuộc tấn công này làm khoa Dược bị tàn phá nghiêm trọng, khoảng 3.000 chai huyết thanh, rất nhiều loại thuốc quý và máy móc, dụng cụ y tế... bị vỡ, nát, cháy, hỏng. Một bác sĩ và một công nhân hy sinh…
Khi Hiệp định Paris đuợc ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1973, các bộ phận ở nơi sơ tán của Bệnh viện Bạch Mai mới được lệnh chuyển tất cả phương tiện, máy móc trở về Hà Nội, từng bước ổn định hoạt động. Năm 1974, Bệnh viện được sửa chữa và xây dựng lại.
Bệnh viện Bạch Mai trong 12 ngày đêm năm 1972 bị ném bom tổng cộng 4 lần nhưng trong những ngày khó khăn nhất, y bác sỹ bệnh viện Bạch Mai vẫn bám trụ nơi tuyến đầu và là lực lượng nòng cốt cứu người khi bom san phẳng phố Khâm Thiên. Đến năm 2003, bệnh viện Việt - Pháp liền kề với bệnh viện Bạch Mai là tiền đồn chống SARS không những của cả nước mà của cả thế giới. Bệnh viện Bạch Mai khi ấy cũng đã san sẻ nhân lực và thiết bị để cùng bệnh viện Việt - Pháp chống và chiến thắng dịch SARS.
Tháng 3/2020, khi cả thế giới đối diện với đại dịch COVID-19, một lần nữa bệnh viện Bạch Mai cũng không nằm ngoài cuộc, trở thành "tâm dịch" và "chiến trường" mới của Hà Nội và các tỉnh phía bắc với hàng chục nghìn lượt người từng thăm khám, chữa bệnh, làm việc tại đây. "Lịch sử lại lựa chọn Bạch Mai là tâm bão" nhưng người dân vẫn đặt niềm tin ở bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội cùng cả nước sẽ vượt qua 15 ngày đêm khốc liệt này như cách chúng ta đã giành những chiến thắng trong quá khứ và giành chiến thắng trong toàn cuộc chiến chống COVID-19.
Mời quý độc giả xem video: Cuộc chiến 12 ngày đêm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không. Nguồn: Hãng phim truyền hình TP HCM
(Bài viết có sử dụng tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, TTXVN)